Vĩnh Long vào đợt cao điểm hạn, mặn tháng 3

Cập nhật, 13:19, Thứ Ba, 10/03/2020 (GMT+7)

Độ mặn trên các sông đang tăng trở lại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương đóng tất cả các cống, bộng để ngăn mặn. Vĩnh Long chính thức đối mặt đợt cao điểm hạn, mặn tháng 3/2020.

Cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất được ưu tiên hàng đầu.
Cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất được ưu tiên hàng đầu.

Đỉnh mặn xuất hiện vào 11- 12/3

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, ngày 20/2, Trung Quốc tuyên bố xả nước trên sông Mekong để giúp các quốc gia hạ nguồn ứng phó với hạn. Tuy nhiên đến hơn nửa tháng sau tuyên bố trên, vẫn chưa thấy có thay đổi gì.

Việc vận hành gia tăng của các đập thủy điện thượng nguồn hiện đã chậm trên 20 ngày so với năm 2018- 2019 nên việc xả nước sắp tới (nếu có) chỉ là theo kế hoạch của năm 2020. Hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp, dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 3/2020. Đỉnh mặn xuất hiện trong khoảng thời gian từ 7- 15/3 và 22- 28/3. Với đặc điểm nguồn nước như hiện nay, vùng giữa ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long mặn cao đột biến từ nay đến 15/3, mặn đạt đỉnh khoảng từ 11- 12/3.

Đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo các địa phương chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp. Trong tuần mặn cao bất thường, cần bảo vệ các nguồn nước hiện hữu, bổ sung đập tạm, hạn chế lấy nước, có biện pháp giảm thiểu bốc thoát hơi nước cho cây trái như giữ ẩm gốc, tỉa bớt lá.

Số liệu đo mặn của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho thấy, từ ngày 5/3 độ mặn tại các trạm đo trong tỉnh bắt đầu tăng trở lại sau thời gian dưới ngưỡng 1‰. Đáng chú ý là độ mặn tại 2 trạm đo vừa được bổ sung gần đây tại huyện Long Hồ là vàm Đồng Phú (xã Đồng Phú) và vàm rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước) luôn duy trì ở mức cao khiến các xã cù lao của huyện này không thể lấy nước trữ ngọt trong thời gian dài.

Theo UBND xã Bình Hòa Phước, để ứng phó, xã tổ chức đo mặn hàng ngày để thông báo độ mặn kịp thời đến người dân, đồng thời tuyên truyền về ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng để người dân biết cách phòng tránh.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Long Hồ cũng đang xây dựng kịch bản phòng chống hạn, mặn cho toàn huyện, đặc biệt là 4 xã cù lao và xã Thanh Đức, vì các xã này tiếp giáp với sông Tiền và sông Cổ Chiên. Trước mắt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các xã bổ sung thêm nắp quạt để trữ nước ngọt, ngăn mặn xâm nhập vào vườn cây ăn trái.

Ưu tiên cấp nước sinh hoạt và sản xuất

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thời gian gần đây, hạn- mặn đã gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có trên 137ha cây trồng bị nhiễm mặn, trong đó có 47,7ha lúa Hè Thu thiệt hại một phần (dưới 30%) tập trung tại xã Trung Thành Tây, Quới An và thị trấn Vũng Liêm. Riêng tại xã Trung Ngãi, 40ha lúa Đông Xuân thiệt hại nặng (từ 30- 50%).

Cây trồng lâu năm thiệt hại một phần là 50ha (xã Đông Thành- TX Bình Minh, xã Thanh Bình- Vũng Liêm), trong đó 10ha sầu riêng ở xã Thanh Bình có dấu hiệu bị nhiễm mặn bị vàng lá, rụng lá, trong đó có khoảng 50 cây bị chết. Diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới trong toàn tỉnh trên 17.479ha (gồm lúa Đông Xuân trên 9.000ha, rau màu Đông Xuân trên 53ha, lúa Hè Thu 1.568ha và cây lâu năm trên 6.847ha).

Ngoài ra, mặn đã làm cho 35 trạm cấp nước bị nhiễm mặn. Số hộ dân sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn là 72.250 hộ (Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình và TX Bình Minh). Hiện ở các địa phương này cũng còn 17.327 hộ dân không có nước máy sử dụng.

Riêng tại Vũng Liêm, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, thời gian qua, diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn 800ha chủ yếu các tuyến sông chính, kinh nội đồng. Diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới gồm 7.596ha lúa và 4.694ha cây ăn trái ở hầu hết các xã. Số hộ dân toàn huyện sử dụng nguồn nước nhiễm mặn hoặc không có nước sạch, nước máy sử dụng khoảng 32.310 hộ, trong đó có 31.010 hộ đã sử dụng nước máy, còn khoảng 1.300 hộ ở nông thôn chưa sử dụng nước máy tập trung.

Để hỗ trợ Vũng Liêm ứng phó hiệu quả với hạn, mặn, ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, kiến nghị tỉnh sớm khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện như đê bao sông Vũng Liêm, kinh Trung Trạch, sửa chữa và nâng cấp đê bao Thanh Bình, Quới Thiện và nạo vét một số tuyến kinh trữ ngọt. Huyện cũng đề nghị tỉnh xem xét đầu tư công trình đắp đê bao sông Cổ Chiên (xã Quới An và xã Trung Thành Tây), nâng cấp đê bao dọc sông Mang Thít- Mương Khai- Nhà Đài- Bưng Trường- Lái Hòn (xã Tân An Luông và xã Hiếu Thuận) để đảm bảo trữ nước, ngăn mặn giữ ngọt phục sản xuất và sinh hoạt.

Xâm nhập mặn đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, đặc biệt là các xã cù lao. Trong ảnh: Nhiều vườn sầu riêng ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) bị héo lá do nhiễm mặn.
Xâm nhập mặn đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, đặc biệt là các xã cù lao. Trong ảnh: Nhiều vườn sầu riêng ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) bị héo lá do nhiễm mặn.

Còn ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- cũng kiến nghị tỉnh sớm triển khai thi công các cống: Rạch Chiết, Mương Điều, Rạch Tra, Bang Chang thuộc dự án đê bao sông Hậu, đồng thời xem xét đầu tư hệ thống cảnh báo mặn tự động và thiết bị đo mặn để địa phương kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó hạn, mặn.

Nhận định khả năng Vĩnh Long chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng của hạn, mặn trong tháng 3 này, ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai rộng rãi các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống, ứng phó hạn, mặn đến người dân để góp sức thực hiện tốt. Cấp huyện, các sở, ngành tỉnh phải xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, mặn riêng.

Đặc biệt, đối với các huyện bị nhiễm mặn cao thì các ngành như quân sự, công an, GD- ĐT, y tế phải có phương án ứng phó với trường hợp hạn, mặn xảy ra “rất nghiêm trọng”. Các kế hoạch, phương án phải đề ra biện pháp thật cụ thể, đặc biệt ưu tiên cho việc cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Bài, ảnh: THÀNH LONG