Phỏng vấn

Giải pháp huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu

Cập nhật, 08:43, Thứ Hai, 17/12/2018 (GMT+7)

LTS: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định “Ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và ưu tiên đầu tư những dự án quan trọng”, nhằm tập trung nguồn lực, giải quyết những điểm còn hạn chế, từng bước hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tương đối đồng bộ, tạo đột phá thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh và đẩy nhanh nhịp độ phát triển. 

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư.
Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư.

Trao đổi với PV Báo Vĩnh Long về giải pháp huy động và sử dụng các nguồn vốn hiệu quả, ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho biết:

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt.

Sau gần 3 năm (2016-2018) triển khai thực hiện, tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Đáng chú ý, huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 36.942 tỷ đồng, tăng bình quân 6,18%/năm.

Triển khai đầu tư 378 dự án/công trình hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 8.700 tỷ đồng. Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, tạo thêm diện mạo mới và đã góp phần tích cực phát triển kinh tế- xã hội.

Hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, y tế, văn hóa- thể thao- du lịch, giáo dục, công nghệ thông tin, đô thị, khu- cụm công nghiệp, xây dựng nông thôn mới… đều có bước phát triển.

Đặc biệt về giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới đều có khả năng đạt hoặc vượt cao hơn so với mục tiêu đề ra.

Có thể thấy rõ, đầu tư phát triển vừa là nhiệm vụ chiến lược, vừa là giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu giữ vai trò quan trọng và có tác động mạnh mẽ đến việc huy động các nguồn lực khác cho đầu tư phát triển.

Hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, văn hóa- thể thao- du lịch, đô thị,… của tỉnh đều có bước phát triển.
Hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, văn hóa- thể thao- du lịch, đô thị,… của tỉnh đều có bước phát triển.

* Với những kết quả khả quan như vậy, việc huy động các nguồn lực có đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu phát triển của địa phương chưa, thưa ông?

- Tôi cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn hạn chế để có biện pháp, giải pháp thực hiện tốt hơn vấn đề này trong thời gian tới.

Thực tế, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt tỷ lệ thấp hơn so với mục tiêu (đạt khoảng 41,5%), chưa đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa thật sự đồng bộ và chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, còn nhiều công trình trọng điểm, quan trọng chậm triển khai nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu- cụm công nghiệp…

Bên cạnh, các vấn đề về thu gom xử lý nước thải, chất thải rắn vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Tác động của biến đổi khí hậu cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức trong quá trình quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng trong giai đoạn hiện nay (tình trạng ngập úng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn).

Công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư của một số dự án, công trình. Chất lượng một số công trình kết cấu hạ tầng chưa cao; chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác duy tu, bảo dưỡng nhằm đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng một cách bền vững.

Các hình thức huy động vốn chưa đa dạng, do chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả, khả thi trong việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.

* Được biết yêu cầu huy động tổng vốn toàn xã hội còn lại cho giai đoạn là 52.058 tỷ đồng và để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh cần có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

- Từ những phân tích trên đây, tôi xin đề xuất một số giải pháp huy động và sử dụng các nguồn vốn để đầu tư cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và các công trình, dự án của tỉnh trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác quy hoạch, nhất là công tác lập, quản lý và nâng cao chất lượng theo tinh thần của Luật Quy hoạch (có hiệu lực tháng 1/2019); đảm bảo yêu cầu tăng cường tính kết nối, đồng bộ liên vùng, liên ngành, liên tỉnh, tích hợp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển theo hướng bền vững, hiện đại.

Thứ hai, gắn kết hiệu quả việc thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng với mục tiêu huy động, thu hút tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất và hiệu quả hơn để tạo ra động lực cho tăng tốc, thúc đẩy tăng trưởng nhằm tăng cường nội lực, thu hút các nguồn vốn đầu tư để tạo ra các nguồn thu ngân sách bền vững. Tăng cường đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư…

Nhất là thu hút được các dự án lớn, tạo điểm nhấn và đầu tư nghiêm túc để góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững.

Thứ ba, tăng cường năng lực lãnh đạo, kịp thời phát hiện những bất cập, khắc phục những khó khăn để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn vốn đầu tư, trọng tâm là các nguồn vốn đầu tư công.

Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bảo đảm không gây nợ đọng xây dựng cơ bản, gắn kết chặt chẽ với định hướng cơ cấu lại các ngành kinh tế và định hướng phát triển kết cấu hạ tầng.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, có các chính sách khả thi trong việc khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh quá trình phát triển.

Xin cảm ơn ông!

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)