Tọa đàm "Nhà báo và mạng xã hội"

Cập nhật, 16:51, Thứ Sáu, 07/09/2018 (GMT+7)

Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 7/9/2018, nhằm lấy ý kiến góp ý hướng dẫn cụ thể hóa điều 5 “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác” trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tọa đàm đã thu hút nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí… xoay quanh làm rõ vấn đề về chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội trong điều kiện hiện nay.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Bé- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam  cho rằng, hiện nhiều cơ quan báo chí (đặc biệt báo điện tử) đã sử dụng mạng xã hội và trang fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc.

Các nhà báo tham dự buổi tọa đàm.
Các nhà báo tham dự buổi tọa đàm.

Các phóng viên- nhà báo sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin lẫn nhau, là nguồn cung cấp tin, bài cho độc giả và cũng là nguồn cung cấp chủ đề mới thu hút bạn đọc.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên mạng xã hội đã tồn tại vô vàn thông tin không được kiểm soát, gây hệ lụy không nhỏ đến đời sống báo chí, ổn định xã hội.

Mặt khác,  sau một năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, có những vấn đề phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp hội viên- nhà báo xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia mạng xã hội, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý sai phạm trong thực tiễn.

Tin, ảnh: TUYẾT HIỀN