ĐBQH đề nghị cung cấp danh sách đơn vị, cá nhân sử dụng sai NSNN

Cập nhật, 18:55, Thứ Ba, 22/05/2018 (GMT+7)

Nếu trong kỷ luật tài chính ngân sách mà chúng ta làm không nghiêm sẽ không chỉ mất ngay khoản tiền nhà nước giao trước mắt mà còn dẫn đến mất cán bộ. Kỷ luật không nghiêm còn dung dưỡng đội ngũ cán bộ chỉ chú trọng bòn rút ngân sách nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy: Nếu trong kỷ luật tài chính ngân sách mà chúng ta làm không nghiêm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy: Nếu trong kỷ luật tài chính ngân sách mà chúng ta làm không nghiêm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Nơi cần không giao, nơi giao ngân sách không biết làm gì

Thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); 

Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, vào sáng nay (22/5),  ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết:

Trong công tác lập và giao dự toán, qua báo cáo thẩm tra của  Ủy ban Tài chính – Ngân sách và báo cáo Kiểm toán NN có 2 vấn đề đối lập nhau.

Thứ nhất, trong báo cáo kiểm toán, báo cáo thẩm tra của UB Tài chính - Ngân sách có nêu việc bố trí kinh phí cho các vùng khó khăn nhưng do NSNN khó khăn nên chưa thực hiện được.

Thế nhưng, cũng tại báo cáo chỉ ra việc bố trí một số khoản chi đặc thù ngoài định mức hoặc giao dự toán cho một số đơn vị có nhiệm vụ chi nhưng không cụ thể.

“Tức là anh giao cho các đơn vị ấy ngoài định mức chi nhưng không cụ thể chi cho nhiệm vụ gì. Ngoài ra trong báo cáo kiểm toán có nêu  40/47 đơn vị được kiểm toán chưa phân bổ hết dự toán cho các đơn vị từ đầu năm.

Từ những dẫn chứng này tôi nhận thấy hạn chế của lập và giao dự toán tồn tại tình trạng những khu vực khó khăn thì không được giao do ngân sách khó khăn nhưng với những nơi được giao thì lại có tình trạng chưa cấp thiết.

Giao rồi nhưng chưa cấp thiết, chưa cần nên chưa có phân bổ ngay. Thậm chí giao rồi mà chưa biết làm gì cả!”- bà Thủy nói.

Trước thực tế này, ĐB Thủy kiến nghị Chính phủ, các cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ trong việc này cần có lưu ý, những nơi có khó khăn đặc biệt khu vực miền núi, đồng bào thì quan tâm thêm.

Nhưng những nơi chưa cấp thiết, chưa cần thậm chí giao rồi mà không biết chi vào việc gì thì cũng nên lưu ý. Cần giao trúng, giao đúng sẽ phát huy hiệu quả trong khi ngân sách nhà nước khó khăn, hạn hẹp.

Một hạn chế khác cũng được ĐB Thủy chỉ ra trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Ủy ban Tài chính ngân sách thẩm tra đó là tình hình chi sai chế độ, chi sai nguồn.

Kỷ luật tài chính ngân sách không nghiêm sẽ mất cán bộ

“Trong báo cáo của cả hai cơ quan có nhận định đáng lưu ý “các dự án được giao kiểm toán hầu hết đều có sai sót trong nghiệm thu thanh toán”.

Trong báo cáo KTNN  đánh giá hầu hết có sai sót trong nghiệm thu thanh toán, cho nên qua kiểm toán 1497 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng”- bà Thủy dẫn chứng.

Trước dẫn chứng này, bà Thủy đặt câu hỏi “những sai sót này có do lỗi cố ý hay không?”.

Bởi vì, theo bà Thủy thì “khi làm luật có liên quan đến xử lý sai phạm đặc biệt luật hình sự thì nói rằng tội tham ô chẳng hạn- anh nào được giao quản lý sử dụng tài sản NN, sử dụng ngân sách có hành vi cố ý với mức chiếm đoạt từ 2 triệu trở lên là đưa vào hình sự được rồi”.

“Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì anh thực hiện nhiệm vụ nhưng thiếu trách nhiệm mà gây thiệt hại tài sản 100 triệu trở lên là vào hình sự rồi.

Thế nhưng với kiểm toán và qua thẩm tra của UB Tài chính ngân sách hầu hết đều có sai sót trong nghiệm thu thanh toán …

Chúng tôi muốn Chính phủ và các Cơ quan liên quan làm rõ hầu hết sai sót trong nghiệm thu thanh toán ở đây có lỗi cố ý hay không?”- bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy cũng đặt câu hỏi tiếp “lỗi cố ý, thiếu trách nhiệm đã xử lý tương xứng hay chưa? Đáng hình sự phải xử lý hình sự, đáng kỷ luật phải xử lý kỷ luật”.

“Chúng tôi đề nghị phân định việc này cho rõ về mặt trách nhiệm. Bởi nếu trong kỷ luật tài chính ngân sách mà chúng ta làm không nghiêm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Đầu tiên không chỉ là mất ngay khoản tiền, hoặc sử dụng không hiệu quả khoản tiền mà nhà nước giao trước mắt; hệ lụy nghiêm trọng nữa là nếu kỷ luật tài chính ngân sách không nghiêm còn dẫn đến mất cán bộ.

Nếu kỷ luật tài chính, ngân sách không nghiêm còn dung dưỡng đội ngũ cán bộ sử dụng nguồn ngân sách không chú trọng vào việc làm ăn cho hiệu quả đồng ngân sách nhà nước giao mà chỉ chú trọng bòn rút ngân sách nhà nước”- bà Thủy nói.

Vị ĐB Bắc Kạn cũng đề nghị Chính phủ thực hiện đúng NQ 37 Quốc hội, "nếu có sai phạm đã được chỉ ra về quản lý chi tiêu ngân sách thì cung cấp danh sách cụ thể. Mức độ sai phạm đến đâu, chỗ nào đáng hình sự chỗ nào đáng kỷ luật thì cũng nêu và xử lý sai phạm đến thời điểm hiện nay ra sao?".

Theo infonet.vn