Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long

Đề nghị ưu tiên nguồn lực sớm đầu tư tuyến cao tốc khu vực ĐBSCL

Cập nhật, 04:49, Thứ Sáu, 10/11/2017 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị ưu tiên nguồn lực sớm đầu tư tuyến cao tốc cho khu vực ĐBSCL.

Đại biểu Trần Văn Rón

BVL_a (8).jpg
 

Tôi đồng tình cao với chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, bởi nguồn lực ngân sách chúng ta có giới hạn, nhu cầu thì lớn nên việc chọn ra một số tuyến quan trọng đầu tư để phát triển kinh tế, gắn với an ninh quốc phòng là cần thiết.

Hiện nay, việc thi công tuyến đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận còn chậm, cũng như các tuyến cao tốc Mỹ Thuận- TP Cần Thơ đang là nhu cầu cấp thiết nếu được đầu tư sớm sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian từ TP Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh.

Hiện có một điều bất hợp lý là có sự ách tắc ở tuyến Trung Lương- Mỹ Thuận. Hiện đây tuyến độc đạo nên nếu có một vụ tai nạn giao thông nhỏ thì phương tiên ùn ứ, ách tắc giao thông hàng giờ bởi không có con đường nào khác để đi ngoài con đường này.

Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ cần nghiên cứu thực hiện một cách hợp lý, bởi nếu chỉ một con đường, một cây cầu thì có hợp lý không vì vấn đề giao thông còn phải gắn với quốc phòng an ninh nữa.

Một vấn đề nữa là nếu tuyến đường này được đầu tư sớm hơn sẽ phát huy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong phát triển kinh tế, vừa gắn với TP Hồ Chí Minh là vùng trọng điểm cũng như gắn với miền Đông Nam Bộ. Từ thực tế này, tôi đề nghị cần ưu tiên quan tâm đẩy nhanh tiến độ tuyến Trung Lương- Mỹ Thuận.

Chúng ta đã khởi công mấy lần rồi nhưng khởi công rồi để đó cũng như tuyến từ Trung Lương- TP Cần Thơ. Ngoài ra, cần ưu tiên thực hiện tuyến TP Cần Thơ- Cà Mau, vì khi đó chúng ta sẽ phát huy ngay được cảng biển ở Cà Mau- cũng là vùng trọng điểm để kết nối với TP Cần Thơ cũng như TP Hồ Chí Minh.

Một vấn đề nữa là qua kinh nghiệm thực tế giải phóng mặt bằng ở các địa phương, đề nghị nên giải phóng mặt bằng theo quy hoạch. Nếu chỉ thực hiện một phần trong quy hoạch thì sau này muốn mở rộng ra sẽ rất khó khăn.

Tôi đề nghị cần thận trọng việc thu hồi đất trong khu vực giáp ranh với nhau, đó là giáp ranh giữa các huyện, các tỉnh cần lưu ý về giá bồi hoàn vì hiện nay có những bất cập cần tính toán phù hợp.

Một vấn đề nữa là việc đầu tư theo hình thức BOT. Theo tôi, đây là hình thức phù hợp với nguồn lực của chúng ta hiện nay, nhưng chúng ta phải giám sát chặt chẽ để vừa đảm bảo lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp.

Hiện nay có một bất cập, theo dự thảo tới đây của Quốc hội, trên những tuyến đường đã xây dựng rồi thì không được thực hiện theo hình thức BOT.

Theo tôi, vấn đề này không khéo sẽ bất cập, bởi chúng ta hiện không đủ nguồn lực để đầu tư, đối với các tuyến QL qua các địa phương còn lại sẽ không được đầu tư.

Bức xúc hiện nay là các tuyến QL qua các tỉnh ách tắc rất lớn. Nếu chỉ với những khó khăn của hình thức đầu tư BOT thời gian qua mà bắt phải dừng lại hết thì chưa hợp lý. Nên chăng cần có khảo sát, điều tra, đánh giá lại cái gì phù hợp, cái gì chưa phù hợp, sự điều chỉnh của Nhà nước như thế nào, giám sát như thế nào để thực hiện tiếp.

Đại biểu Lưu Thành Công

Tôi thống nhất với chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020. Theo đó, chúng ta sẽ lựa chọn một số tuyến đường bức xúc ở khu vực miền Trung và ĐBSCL để đầu tư trong giai đoạn này.

Nói riêng về ĐBSCL, chúng ta cần thấy rằng nơi đây có tiềm lực kinh tế rất lớn, đông dân cư nhưng hệ thống giao thông rất kém. Trong báo cáo của Chính phủ có giải trình khu vực ĐBSCL với điều kiện sông nước chằng chịt nên chủ yếu phát triển giao thông đường thủy.

Theo tôi, trong quá trình phát triển, giao thông đường thủy chỉ chuyên chở các nguyên vật liệu, hàng hóa cồng kềnh, còn một số mặt hàng có yêu cầu vận chuyển nhanh như thủy sản, trái cây nếu vận chuyển bằng đường thủy thì không được, nên rất cần những tuyến đường cao tốc.

Trong số 766km đường cao tốc trên toàn quốc thì ĐBSCL hiện nay chỉ có hơn 40km và giao thông hiện nay chỉ có 1 tuyến độc đạo là QL1 và nó cũng đã quá tải, ùn tắc nhiều.

Theo tờ trình này, tôi đề nghị nếu điều kiện cho phép thì Chính phủ nên sớm đầu tư tuyến TP Cần Thơ- Cà Mau, hiện nay đây được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, nếu chúng ta chậm đầu tư các tuyến đường thì việc phát triển kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đường cao tốc.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề án, cần tính toán các nguồn lực cho kịp tiến độ và thời gian, chẳng hạn tuyến đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã khởi công 3 lần rồi và dự kiến hoàn thành năm 2017 nay lùi lại hoàn thành năm 2020.

Nếu chậm trễ sẽ làm thiệt thòi cho người dân ĐBSCL trong quá trình vận chuyển hàng hóa, đi lại và thiệt thòi cho nền kinh tế cả nước.

Một vấn đề nữa là trong thu hồi đất, thực tiễn đã diễn ra từ khi thu hồi đến khi thực hiện dự án rất dài cho nên việc quản lý kiểm tra không tốt dẫn đến người dân tái lấn chiếm, ảnh hưởng rất lớn đến thi công công trình. Vì thế, đề nghị Chính phủ khi thu hồi xong giao cho địa phương quản lý để khi triển khai không gặp phải sự cố như thời gian vừa qua.

Đại biểu Phạm Tất Thắng

Tôi hoàn toàn tán thành với chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 vì tuyến QL1 hiện đã quá tải.

Tuy nhiên, để triển khai thực hiện có hiệu quả, tôi đề nghị cần làm rõ thêm. Nếu chúng ta đầu tư tuyến đường này hiện cả nước có 3 tuyến là QL1, tuyến đường Trường Sơn và tuyến này.

Như vậy, chúng ta có 3 tuyến song song và việc kết nối như thế nào thì Chính phủ cần báo cáo rõ hơn với Quốc hội. Ngoài ra, về kinh phí thực hiện, Chính phủ báo có 55.000 tỷ đồng là kinh phí đầu tư công và Quốc hội đã phê duyệt, nếu sử dụng khoản kinh phí này thì có ảnh hưởng đến các dự án khác trong đầu tư công giai đoạn 2016- 2020 hay không?

Hiện nay, khu vực ĐBSCL chỉ có 1 tuyến độc đạo nối TP Hồ Chí Minh là QL1 đã quá tải, do đó nên ưu tiên nguồn vốn đầu tư sớm. Song song đó, dự án này chạy qua 32 tỉnh- thành vì thế nó tác động rất nhiều đến đời sống, sinh kế của người dân sau khi tuyến đường này đưa vào vận hành, đề nghị thống kê số hộ bị tác động cũng như giải pháp để hỗ trợ về sinh kế của người dân chịu ảnh hưởng của dự án.

Vấn đề cuối cùng, vừa qua có một số dự án BOT gây bức xúc trong dư luận và người dân, và trong 11 dự án thành phần có 8/11 dự án là theo phương thức BOT, Chính phủ cần giải trình rõ phương án khắc phục những bất cập của các dự án BOT trong thời gian vừa qua để người dân tin tưởng vào chủ trương đầu tư các tuyến đường này.

TÂM- THI (ghi)