Cần trang bị kỹ năng giúp trẻ em phòng chống xâm hại tình dục

Cập nhật, 16:25, Thứ Tư, 01/11/2017 (GMT+7)

Ngày 1/11, trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, phương hướng năm 2018, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang, đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến thảo luận về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, xâm hại tình dục trẻ em không phải là vấn đề mới mà do trong thời gian gần đây có nhiều vụ xâm hại trẻ em mang tính chất nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, là vấn đề có tính thời sự ở nước ta nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng hiện nay.

Trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tục được phát hiện, điều đáng quan tâm là một số vụ lại do những người thân thích với nạn nhân như:

cha dượng với con riêng của vợ, thậm chí có cả ông nội và cha ruột; nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong thời gian dài với nhiều lần trẻ bị xâm hại, một số trường hợp trẻ có thai, có trường hợp trẻ bị giết chết sau khi bị xâm hại.

Theo báo cáo của ngành công an tỉnh Vĩnh Long từ năm 2013 đến tháng 6/2017 tỉnh Vĩnh Long có 104 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện và xử lý, trong đó có 15 vụ dâm ô trẻ em, 56 vụ giao cấu với trẻ em và 33 vụ hiếp dâm trẻ em.

Nạn nhân chủ yếu là các bé gái từ 10 đến dưới 16 tuổi, cá biệt có trường hợp nạn nhân mới chỉ mới 2 tuổi ở huyện Bình Tân, bị người hàng xóm gần nhà bà nội bé hiếp dâm.

Thủ đoạn của các đối tượng là do quen biết; có tình cảm từ trước; tổ chức uống rượu bia say sau đó quan hệ tình dục;

lợi dụng người lớn không có ở nhà, thiếu sự quản lý của cha, mẹ, trẻ đi một mình nơi vắng vẻ ít người qua lại, buồn chuyện gia đình bỏ nhà đi,…

Sau khi thực hiện hành vi đồi bại thì dọa giết các em nếu tố cáo.

Hậu quả của xâm hại tình dục ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ về thể chất lẫn tinh thần.

Các em dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể mất khả năng sinh sản, có trẻ rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, sống mặc cảm, không muốn giao tiếp với mọi người.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đạt hiệu quả cao.

Trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; thiếu sự quan tâm của gia đình…  

Vì vậy, nhằm phòng ngừa loại tội phạm này một cách hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra cho xã hội, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, theo đó cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó.

Việc tuyên truyền cần lồng ghép vào trong sinh hoạt của ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể...

Ngoài ra, cần giáo dục, tuyên truyền kỹ năng sống cho các em học sinh, ngoài kiến thức trong nhà trường cần trang bị cho trẻ em những kiến thức sơ đẳng về những chuẩn mực hành vi xã hội gắn với những kinh nghiệm, đạo đức để từ đó giúp học sinh hình thành kĩ năng sống, biết phân biệt đúng sai, biết xử lý và ra quyết định đúng thời điểm, đúng với tình huống.

Cung cấp những hiểu biết cơ bản và kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ, những kiến thức về giới tính và các vùng nhạy cảm và vùng riêng tư trên cơ thể…

Song song đó, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết.

Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm…

Xâm hại tình dục trẻ em là một dạng tội phạm ẩn tương đối lớn, những con số thống kê chỉ là những vụ việc được phát hiện. Mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả.

Không những trẻ em gái, trẻ em trai cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Vì vậy, nhằm phòng ngừa loại tội phạm này một cách hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra cho xã hội, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, các ngành, đoàn thể các cấp và bản thân trẻ em.  

TÂM- THI (ghi)