Vỉa hè- "phận hồng nhan"

Cập nhật, 05:23, Thứ Tư, 25/10/2017 (GMT+7)

Chưa bao giờ chuyện cái vỉa hè lại nóng như thời gian gần đây, khi mà khắp nơi- đặc biệt là các thành phố lớn- mở “chiến dịch trả lại sự thông thoáng” cho vỉa hè.

Và lần này, ngành chức năng có vẻ rất mạnh tay, kiên quyết. Dễ hiểu thôi, vì vỉa hè vốn là của công nhưng đã bị biến thành của riêng quá lâu, quá tràn lan, xử lý hoài chưa dứt.

Ai đã biến vỉa hè thành của riêng? Là mượn tạm, thuê hay muốn chiếm dụng luôn?

Tôi tạm chia “người khai thác” vỉa hè thành 2 nhóm:

1. Nhóm khá giả- là các công ty, doanh nghiệp, chủ quán ăn… tận dụng vỉa hè làm bãi đậu xe, mở rộng không gian kinh doanh, mua bán;

2. Nhóm có hoàn cảnh khó khăn bán khoai, chuối, bún riêu, xôi, nước mía… trên vỉa hè kiếm sống (tất nhiên, sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối vì không phải tất cả những người bán khoai, chuối… trên vỉa hè đều khó khăn- chỉ là đa số rất khó khăn.).

Nhìn chung, vỉa hè thường được tận dụng với mục đích phục vụ nhu cầu kinh doanh, mua bán. Và, theo khảo sát “bỏ túi” của tôi thì các trường hợp khai thác vỉa hè theo hình thức mượn tạm, thuê hay muốn chiếm dụng luôn đều có.

Việc kinh doanh, mua bán trên vỉa hè diễn ra khắp nơi và rất ư nhộn nhịp. “Kinh tế vỉa hè” cũng sản sinh từ đó.

Thật ra, việc xử lý lấn chiếm vỉa hè thời gian qua vấp phải vấn đề nan giải, mà phó chủ tịch phụ trách văn hóa- xã hội của một đô thị trong tỉnh từng tâm sự: Ngỡ đơn giản chớ rất nhiêu khê.

Làm kiên quyết thì tội những người nghèo nhờ bán buôn trên vỉa hè kiếm sống vì ảnh hưởng trực tiếp đến “cần câu cơm” của họ.

Tìm hướng giải quyết vấn đề này, phố hàng rong ở khắp nơi lần lượt ra đời. Tuy nhiên, thời gian qua, việc lập các phố hàng rong nhiều nơi không hiệu quả bởi nhiều lý do, như: không thể gom hết tất cả những người có nhu cầu mua bán trên vỉa hè hay bán hàng rong của một đô thị nào đó vô một vài con phố nhỏ hẹp.

Trong khi, thói quen (sở thích) mua hàng trên vỉa hè vì tiện lợi… đã ăn sâu, khó lòng thay đổi.

Do đó, nhu cầu mua bán trên vỉa hè là có thật và luôn tồn tại. Phải thừa nhận rằng, thời gian qua, nhờ vỉa hè mà nhiều người ăn nên làm ra, sống ổn…

Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò của kinh tế vỉa hè trong quá trình vận động phát triển và những lợi ích trong nền kinh tế và văn hóa của đất nước.

Đó là lý do vì sao thời gian qua việc xử lý mua bán trên vỉa hè cứ loanh quanh: cứ đuổi, cứ chạy và… vẫn bán.

“Cuộc chiến” trả lại công năng thực sự cho vỉa hè đã diễn ra quá lâu và tốn nhiều sức lực. Cho nên, để giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng, rất cần giải quyết từ gốc.

Trên thực tế, vẫn có những trường hợp cho phép mua bán trong phạm vi, tuyến đường nhất định, có thu phí, quản lý chặt chẽ các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Chuyện này không chỉ hiệu quả ở Việt Nam mà còn ở một số nơi trên thế giới.

Thiết nghĩ, những bất cập của vỉa hè hoàn toàn có thể khắc phục nếu có chính sách đúng đắn. Vấn đề là quản lý sao cho hợp lý.

Theo đó, cần quy hoạch, quản lý các hoạt động kinh tế, văn hóa trên vỉa hè theo từng khu phố hay tuyến đường nhất định.

Bên cạnh, sẽ thu phí một cách công khai, minh bạch để đóng góp vào ngân sách địa phương. Nếu làm tốt, sẽ giải quyết hài hòa việc đảm bảo không gian vỉa hè cho người đi bộ, vừa tạo được không gian văn hóa, kinh tế vỉa hè đặc sắc thay vì tràn lan, nhếch nhác… như hiện nay.

Vỉa hè là mặt tiền, là đất vàng giúp “hái ra tiền”. Ở một góc độ nào đó, có thể ví vỉa hè như một cô gái đẹp lắm người mê. Rất mong, hồng nhan sẽ được sống cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

TUYẾT HIỀN