Đừng để quy chế người phát ngôn làm nản lòng nhà báo

Cập nhật, 15:11, Thứ Ba, 20/06/2017 (GMT+7)

Trong thời gian qua, tình trạng nhà báo liên hệ làm việc với người phát ngôn ở một số cơ quan vẫn chưa được thuận lợi. Việc thực hiện quy định người phát ngôn có nơi áp dụng một cách máy móc, có nơi thì cố tình trì hoãn, né tránh.

Theo quy chế người phát ngôn, để cung cấp thông tin chính thống thì nhà báo buộc phải liên hệ người phát ngôn hoặc lãnh đạo cơ quan.

Thay vì gặp trực tiếp các lãnh đạo phòng, ban như trước thì hiện người làm báo còn có thêm ưu ái khi được nhiều lãnh đạo cơ quan cung cấp, thậm chí, việc cung cấp thông tin cho giới nhà báo còn được các lãnh đạo tỉnh, ban ngành cung cấp thông qua các cuộc họp báo định kỳ, họp giao ban báo chí,…

Một số lãnh đạo còn chủ động cung cấp thông tin thông qua các sự kiện đang diễn ra để giúp nhà báo có thông tin chính xác cung cấp cho độc giả.

rước những thông tin đa chiều của báo mạng, ngoài các cuộc họp báo thì người làm báo cần được lãnh đạo trao đổi thông tin nhanh khi có sự kiện “nóng”
Trước những thông tin đa chiều của báo mạng, ngoài các cuộc họp báo thì người làm báo cần được lãnh đạo trao đổi thông tin nhanh khi có sự kiện “nóng”

Tuy nhiên, bên cạnh mặt “được” thì quy chế phát ngôn cũng đôi khi  làm…. nản lòng nhà báo. Đó là việc nhiều cơ quan dựa vào quy định về người phát ngôn để né và đổ trách nhiệm, dẫn tới nhiều trường hợp báo chí rất cần thông tin nhưng không được cung cấp thông tin một cách kịp thời.

Chẳng hạn, mới đây, người dân bức xúc vụ một học sinh tiểu học bị nhà trường đuổi thẳng vì một lý do không rõ ràng. Sau khi gặp gia đình em học sinh này, chúng tôi đến nhà trường tìm hiểu thực hư thì hiệu trưởng từ chối và cho biết mọi thắc mắc cứ liên hệ cấp trên.

Liên hệ cấp trên, chúng tôi lại phải chờ vì người phát ngôn khi thì “bận họp”, khi thì “đi công tác”, khi thì “không có ở cơ quan”. Bài viết phải “nằm lại” để chờ ý kiến của người phát ngôn trong khi nhiều trang báo, mạng xã hội có đầy những bài viết với nhiều thông tin chỉ trích, đúng, sai,...

Một trường hợp khác, người dân ở một địa phương đang lo lắng vì cho rằng con em của họ đang học trong ngôi trường xây dựng không an toàn và không biết có nên đưa con em mình đến để học không.

Sau khi tìm hiểu từ phía nhà trường, chúng tôi được cung cấp bản vẽ thi công và được ban giám hiệu nhà trường đảm bảo rằng thi công đúng bản vẽ, rất an toàn. Tuy nhiên, để phụ huynh ở đây an tâm hơn thì rất cần một nhà chuyên môn khẳng định.

Tuy vậy, sau khi đến một cơ quan chuyên môn trình bày, chúng tôi bất ngờ bởi quy định ở đây buộc phải có giấy giới thiệu (dù có thẻ nhà báo) đồng thời viết rõ các nội dung cần trao đổi trong giấy giới thiệu và gửi lại những yêu cầu.

Một điều khá bất ngờ là sau một thời gian chờ đợi, nơi đây gọi lại nhưng chỉ gửi trả lời bằng văn bản, chứ không thể gặp người phát ngôn để trao đổi thêm thông tin.

Quy chế người phát ngôn với mục đích “giúp đỡ” cho nhà báo, tránh việc né tránh trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Nhưng với cách làm của một số cơ quan đã biến quy chế này thành rào cản.

Với sự xuất hiện mạnh mẽ của trang mạng xã hội, những thông tin nhanh chóng, sâu rộng, đa phương tiện, nhiều chiều xuất hiện với nhiều mục đích khác nhau thì việc trì hoãn cung cấp thông tin chính thống sẽ làm giảm hiệu quả của thông tin trên báo chí chính thống.

Tôi thật sự tâm đắc trước phát biểu của người phát ngôn của một thành phố: “Chúng ta đừng bao giờ ngại gặp báo chí mà hãy gặp gỡ thường xuyên như những người bạn, đồng nghiệp, như cánh tay nối dài đưa thông tin từ chính quyền đến người dân, từ đó hiểu được tâm tư nguyện vọng, tình cảm vướng mắc của người dân để giải quyết tốt hơn”.

Bài, ảnh: THẾ QUÂN