Cảnh báo nguy cơ sạt lở đầu mùa mưa

Cập nhật, 06:53, Thứ Hai, 22/05/2017 (GMT+7)

Theo nhận định của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to xảy ra trong thời gian ngắn. Cùng với thời điểm mực nước trên các tuyến sông, rạch xuống thấp dễ gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông ngay trong các tháng đầu mùa mưa.

Một điểm sạt lở mới xảy ra tại tuyến đê bao Cồn Sừng (ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh).
Một điểm sạt lở mới xảy ra tại tuyến đê bao Cồn Sừng (ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh).

Nhằm chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông, mới đây, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đến khảo sát thực địa một số điểm sạt lở xung yếu thuộc huyện Bình Tân, TX Bình Minh và TP Vĩnh Long.

Tại khu vực sạt lở tuyến đường dân sinh thuộc vàm Bà Đồng (ấp Tân Thới, xã Tân Bình- Bình Tân) với chiều dài khoảng 700m, trong đó có một số điểm sạt lở tổng chiều dài khoảng 47m xảy ra từ năm 2016, ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ dân, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường này.

Còn tại tuyến đê bao Cồn Sừng (ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) đã xảy ra ít nhất 3 điểm sạt lở lớn, trong đó có điểm vừa xảy ra trong đầu mùa mưa này.

 Sống cạnh điểm sạt lở, anh Trang Sỹ Bình cho biết, mối lo sạt lở khu vực này luôn thường trực, năm nào cũng vậy, hễ tới đầu mùa mưa là có sạt lở trên tuyến đê bao này. Anh Bình có 6 công đất vườn trồng bưởi Năm Roi, sạt lở đã khiến anh nhiều phen mất ăn mất ngủ.

Qua khảo sát, ông Trần Hoàng Tựu chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các địa phương nhanh chóng lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, linh hoạt ứng trước 30% tiền thủy lợi phí cấp bù để gia cố nhanh các điểm sạt lở xung yếu nhằm kịp thời bảo vệ sản xuất dân sinh.

Nếu dự toán công trình vượt mức 30% thủy lợi phí cấp bù thì cần báo cáo nhanh để tỉnh có bước khảo sát cụ thể trong hỗ trợ gia cố, khắc phục.

Mới đây, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kinh, rạch và thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó. Theo đó, các khu vực cảnh báo nguy cơ sạt lở cao như: trên sông Tiền, khu vực ấp Phú Mỹ (xã Đồng Phú- Long Hồ), khu vực thượng lưu cầu Mỹ Thuận (2 xã Tân Hòa và Tân Hội- TP Vĩnh Long), khu vực đầu cù lao An Bình.

Trên sông Cổ Chiên, khu vực 2 ấp Phước Định 1 và 2 (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ), vàm rạch Mỹ An (xã Mỹ An- Mang Thít) thuộc bờ tả sông Cổ Chiên, đầu cồn cù lao Minh (ấp An Long, xã An Bình- Long Hồ), đầu cù lao Dài và cồn Thanh Long (xã Quới Thiện- Vũng Liêm).

Trên sông Long Hồ, khu vực từ chợ cá đến bến tàu khách (Phường 1- TP Vĩnh Long). Trên sông Hậu, khu vực từ xã Tân Quới (Bình Tân) đến xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), khu vực cù lao Tròn (Trà Ôn), đuôi đê bao Mỹ Hòa (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn).

Riêng khu vực trong nội đồng, các khu: 8, 9, 10, 10A và 10B (Trà Ôn), tuyến kinh Chà Và Lớn (nối Tam Bình- TX Bình Minh), kinh Bảo Kê (Long Hồ- Tam Bình), rạch Bà Đồng- Thông Lưu (TX Bình Minh), kinh Xã Tàu- Sóc Tro, kinh Mương Lộ (Tam Bình).

Thống kê đến cuối năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 105 tuyến/điểm sạt lở trên sông chính và trong nội đồng, làm mất 21.000m bờ sông, kinh, rạch kèm theo các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn (ước tính có khoảng 5ha đất bị mất). 154 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 6 hộ cần bố trí di dời.

Công trình đập trên tuyến đê bao Cồn Sừng đang được thi công gia cố.
Công trình đập trên tuyến đê bao Cồn Sừng đang được thi công gia cố.

Bên cạnh các biện pháp phi công trình, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh và các địa phương thực hiện gia cố chủ yếu bằng biện pháp là đóng cừ dừa, cừ tràm, đắp đất;

sử dụng tường rọ đá đặt trên móng cừ tràm, đá hộc thả tự do tạo mái nghiêng hoặc xây dựng kè kiên cố. Trong năm 2016, toàn tỉnh đã xử lý được 76 tuyến/điểm sạt lở, dài 11.402m. Hiện toàn tỉnh có 19 công trình kè kiên cố dài 14.638m.

Nhằm ứng phó với sạt lở hiệu quả, vừa qua tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Trung ương xây dựng quy chế đặc thù đối với công trình khắc phục thiên tai, hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao các giải pháp công nghệ mới (bao gồm giải pháp công trình và phi công trình) khắc phục sạt lở.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn cho địa phương xử lý 5 vị trí sạt lở nguy hiểm ngoài khả năng nguồn vốn địa phương (theo thứ tự ưu tiên) gồm: Kè khu vực vàm sông Trà Ôn (Khu 10, 10A, 8, 9 thị trấn Trà Ôn) dài khoảng 300m, Kè khu vực thị trấn Tam Bình dài khoảng 300m, Kè khu vực chợ Bà đến phà Cần Thơ cũ (TX Bình Minh) dài khoảng 800m. Kè khu vực thượng lưu cầu Mỹ Thuận (TP Vĩnh Long) dài khoảng 5.100m.

Kè sông Long Hồ khu vực Phường 1 (TP Vĩnh Long), từ chợ cá Phường 1 đến cầu Thiềng Đức dài 1.000m. Tổng kinh phí cho 5 dự án trên là 450 tỷ đồng.

  • Ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Vĩnh Long cho biết, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đã tiến hành khảo sát thực địa những điểm sạt lở xung yếu tại các địa phương để có biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại. Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn khai thác cát, xây dựng công trình, nhà cửa… trái phép, sai phép làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, kinh, rạch.

  •  

     

    Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ vốn cho địa phương xử lý 5 vị trí sạt lở nguy hiểm ngoài khả năng nguồn vốn của tỉnh; đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao cho tỉnh các giải pháp công nghệ mới (công trình và phi công trình) trong khắc phục sạt lở.

    PV

 

 

Bài, ảnh: LÊ SƠN