TX Bình Minh: Dân vận khéo để làm mới nông thôn

Cập nhật, 07:45, Thứ Tư, 16/11/2016 (GMT+7)

Vùng rau màu TX Bình Minh vừa “đi qua” những vụ mùa đầy ắp niềm vui và những nụ cười rạng rỡ của bà con nông dân. Đây chính là kết quả của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp lấy rau màu làm chủ lực ở một số địa bàn truyền thống. 

Trong đó, có sự góp phần không nhỏ của phong trào thi đua “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới và đã hình thành những “mô hình trăm triệu” trên xứ rẫy Bình Minh.

Rẫy xà lách xoong của anh Năm Tây (trái) chuẩn bị cắt bán.
Rẫy xà lách xoong của anh Năm Tây (trái) chuẩn bị cắt bán.

“Bình Minh chung sức xây dựng nông thôn mới”

Để thực hiện Nghị quyết năm 2016, Ban Dân vận Thị ủy, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội TX Bình Minh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ban Dân vận Thị ủy và khối vận các xã- phường xây dựng kế hoạch hướng dẫn, phối hợp các ngành, đoàn thể phối hợp triển khai, thực hiện theo hệ thống ở các địa phương, nhất là ở 2 xã Thuận An và Mỹ Hòa sớm được công nhận nông thôn mới, còn xã Đông Bình thêm 1 tiêu chí, xã Đông Thành và Đông Thạnh nâng chất, giữ vững các tiêu chí đã đạt.

Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Bình Minh Lê Văn Xứ, đánh giá: “Nhìn chung, qua công tác tuyên truyền, vận động đối với đoàn viên, hội viên và nhân dân, có sự đồng tình, thống nhất cao về tư tưởng, từ đó người dân tham gia tích cực phong trào “Bình Minh chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Trong đó, cán bộ mặt trận, đoàn thể làm nòng cốt, gương mẫu thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới”.

Lãnh đạo địa phương xác định xây dựng nông thôn mới có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp “công nghiệp hóa- hiện đại hóa” đất nước, giải quyết được vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là qua triển khai chương trình đã tạo được sự đồng thuận cao trong hội viên, đoàn viên và nhân dân.

"Công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức trách nhiệm được nâng cao, từ đây đã tạo sức bật, nhiều thành quả sáng tạo trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Bình Minh”- Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Bình Minh Lê Văn Xứ cho biết.

Đó là những “mô hình trăm triệu” đã góp phần tăng mạnh thu nhập của bà con nông dân, như mô hình: “Trồng bưởi Năm Roi” ở 3 xã Mỹ Hòa, Thuận An và Đông Thành; lợi nhuận mang lại cho nhà vườn từ 350- 450 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình “Trồng cải xà lách xoong”, ở xã Thuận An sau khi trừ chi phí nông dân thu lợi nhuận từ 200- 250 triệu đồng/ha/năm. Mô hình “Trồng rau diếp cá” ở xã Thuận An có lợi nhuận từ 400- 500 triệu đồng/ha/năm...

Ngoài ra, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội còn vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông, thủy lợi với tổng diện tích là 12.400m2.

Đóng góp ngày công, tiền của, vật chất quy ra tiền trên 350 triệu đồng. Phát quang bụi rậm, trồng hoa, nâng cấp sửa chữa đường xuống cấp, chủ yếu ở 2 xã Mỹ Hòa và Thuận An, với chiều dài trên 7.400m; vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài thị xã đóng góp, ủng hộ xây dựng và sửa chữa 17 căn nhà cho đối tượng là đoàn viên, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở...

Mặt trận và các đoàn thể đã phát huy vai trò kịp thời tham mưu và đề xuất cấp ủy và BCĐ Xây dựng nông thôn mới thị xã về công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Bình Minh chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Vùng màu vượt tiêu chí thu nhập

Vợ chồng anh Tư Trung thu hoạch rau om.
Vợ chồng anh Tư Trung thu hoạch rau om.

Ven đường về UBND xã Thuận An hầu hết đều có trồng các loại rau màu, chủ yếu là các loại rau có thế mạnh truyền thống như: xà lách xoong, diếp ca, rau cần ống, rau om,...

Rẽ vào ấp Thuận Phú B, theo con đường cặp kinh Mới rộng thênh thang, ôtô có thể chạy liên thông ra ngoài trung tâm thị xã. Nhà cửa san sát nhưng trong xóm khá vắng vẻ, nhiều nhà đóng cửa dù lúc đó hơn 3 giờ chiều.

Ông Lâm Văn Thuận- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An, cùng chúng tôi tìm nhà ông Trần Thanh Dũng- một nông dân sản xuất giỏi điển hình nhiều năm liền- nhưng nhà cũng đóng cửa im ỉm. Một bác hàng xóm chỉ, “theo con đường mòn bên hông nhà cứ chạy tuốt ra rẫy, muốn gặp ai cũng có, vì mọi người đều tập trung ngoài rẫy hết rồi”.

Chủ tịch UBND xã Thuận An Nguyễn Vương Khanh: “Thuận An đã đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Còn 2 tiêu chí là: trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Hiện Trung tâm Văn hóa xã Thuận An đang xây dựng đạt khoảng 70%; còn Cụm Văn hóa ấp (gồm 7/13 ấp) thì đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng”.

Vợ chồng anh Tư Trung đang cắt rau om vui vẻ giải thích: “Cứ có lái “thẩy bội” (đặt hàng) thì cả nhà xúm lại cắt cho đủ số cân. Sáng tới giờ, vợ chồng tui cắt 2 đợt rau om cũng hơn 100kg rồi.

Rau om là loại dễ trồng, nhẹ công, nhẹ vốn nhất, nên chỉ khoảng 5.000 đ/kg là “kiếm cơm” được rồi. Năm nay, có lúc giá nó nhảy vọt lên hơn 30.000 đ/kg, nên vợ chồng tui sống khỏe”.

Đó cũng là niềm vui chung của bà con xóm rẫy- theo giải thích của Chủ tịch UBND xã Thuận An Nguyễn Vương Khanh- do những đợt nắng hạn kéo dài, xâm nhập mặn nặng ở những vùng rau lớn của các tỉnh Long An, Tiền Giang, nên lượng rau cung ứng cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trở nên khan hiếm, nên năm nay hầu hết các loại rau- nhất là xà lách xoong, diếp cá tăng cao đến trên 30.000- 45.000 đ/kg.

Do đó, thu nhập của người dân Thuận An đã gần “cán mức” 50 triệu đồng/người/năm (chính xác là 48,93 triệu đồng/người/năm).

Chúng tôi đi qua những đám rau xà lách xoong liền kề nhau của anh Năm Tây, anh Thanh Dũng... Xen kẽ những bờ rau xanh um là những khoảng trống đã cắt bán cho lái, bà con tranh thủ chăm bón, tưới nước chuẩn bị cho lứa rau mới. Mọi người đều phấn khởi khi giá cả năm nay khá ổn định.

Chủ tịch UBND xã- Nguyễn Vương Khanh, chia sẻ: “Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, xác định rõ muốn xây dựng thành công nông thôn mới, thì phải có sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân.

Do đó, cả hệ thống chính trị tập trung xem công tác tuyên truyền là trọng tâm; trong đó, xác định lấy rau màu là chủ lực của việc tái cơ cấu nông nghiệp và thực tế những vụ màu thành công của bà con đã giúp cho tiêu chí thu nhập đạt khá cao.

Từ đây, các tiêu chí khác như: BHYT, xây nhà đại đoàn kết, cảnh quan môi trường... cũng được bà con ủng hộ nhiệt tình, giúp cho công tác xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao”. Có thể xem Thuận An là minh chứng điển hình cho công tác dân vận khéo xây dựng nông thôn mới ở TX Bình Minh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An Lâm Văn Thuận cho biết: Hiện giá xà lách xoong dao động trong khoảng trên dưới 40.000 đ/kg, có lúc đỉnh điểm 55.000 đ/kg. Mỗi công xà lách xoong sau 2 tháng thu hoạch khoảng 4 tấn, nếu tính trung bình 30.000 đ/kg thì đạt 120 triệu, mà mỗi canh tác được 3- 5 vụ nên tổng thu nhập khá cao. Còn rau om dễ trồng nhất chỉ khoảng 5.000 đ/kg là có ăn, nhưng năm nay giá có lúc đạt 30.000 đ/kg. Các loại diếp cá, rau cần ống cũng đạt giá cao.

Bài, ảnh: Ngọc Trảng