Lao động bất hợp pháp: tự nguyện về nước để có cơ hội trở lại

Cập nhật, 15:20, Thứ Tư, 03/08/2016 (GMT+7)

Ngày 17/5/2016, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động (LĐ) Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài).

Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh xoay quanh vấn đề này.

* Xin ông cho biết lý do Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc ký lại Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc?

- Nhằm kéo giảm tỷ lệ LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, chính sách như ký quỹ, tuyên truyền vận động, hỗ trợ tái hòa nhập, xử phạt hành chính... Những chính sách này đã có tác động tích cực khi tỷ lệ LĐ hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% năm 2013 xuống còn 35% năm 2015, số LĐ cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người cuối năm 2013 xuống còn 15.000 người vào cuối năm 2015.

Trên cơ sở đó, Chính phủ 2 bên đã ký lại Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, thống nhất tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm tỷ lệ LĐ Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc qua việc thực hiện chính sách ân hạn đối với LĐ bất hợp pháp tự nguyện về nước.

* Vậy Chính phủ 2 bên đã thống nhất thực hiện chính sách này như thế nào, thưa ông?

- Phía Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách ân hạn đối với LĐ cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1/4/2016 đến hết ngày 30/9/2016. LĐ bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên sẽ không bị cơ quan chức năng Hàn Quốc giam giữ và phạt tiền, được miễn cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc nếu được cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc cấp thị thực nhập cảnh Hàn Quốc.

Phía Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9/5/2016, trong đó quy định LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng LĐ mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1/5/2016 đến hết ngày 30/9/2016 thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực LĐ, BHXH và đưa người LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, LĐ cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc mà tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, LĐ được dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Bản ghi nhớ ký ngày 17/5/2016 nếu có nguyện vọng.

* Người lao động sẽ làm thủ tục khai báo tự nguyện về nước ở đâu và cần mang theo những giấy tờ gì, thưa ông?

- Tại Hàn Quốc, LĐ bất hợp pháp tự nguyện về nước cần mang theo hộ chiếu hoặc giấy thông hành còn hiệu lực và vé máy bay tới Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Hàn Quốc vào ngày muốn xuất cảnh để đăng ký làm thủ tục tự nguyện về nước. Lưu ý: Người LĐ có thể liên hệ với Văn phòng Quản lý LĐ EPS hoặc Ban Quản lý LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc (số điện thoại: 02 364 1043/45) để được hướng dẫn chi tiết thủ tục khai báo.

Tại Việt Nam, sau khi về nước, người LĐ khai báo với cơ quan chức năng như sau:

Đối với những LĐ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khai báo tự nguyện về nước tại UBND xã- phường- thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nộp kèm 1 bản phô tô hộ chiếu hoặc giấy thông hành (trang có ảnh, trang có đóng dấu ngày về nước của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay Hàn Quốc và Việt Nam).

Đối với những LĐ chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, gửi 1 bản phô tô hộ chiếu hoặc giấy thông hành (trang có ảnh và trang có đóng dấu ngày về nước của các cơ quan Xuất nhập cảnh của Hàn Quốc và Việt Nam) về Trung tâm LĐ ngoài nước (địa chỉ: số 1, đường Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa, Hà Nội; điện thoại: 04 37346751).

* Cảm ơn ông!

PHẠM PHONG (thực hiện)