Mong hết ngày "lụy đò" tìm chữ

Cập nhật, 06:17, Thứ Ba, 26/07/2016 (GMT+7)

Cù lao Dài như dài thêm bởi có khi lỡ chuyến đò, mỗi chuyến cách nhau ít nhất 30 phút và 20 phút di chuyển. Cù lao gồm 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện (Vũng Liêm) với gần 13.000 dân, là bấy nhiêu con người mơ ước có một ngôi trường cấp 3 cho con em mình hết ngày “lụy đò” để tìm chữ…

Chòng chềnh những chuyến đò “qua sông cõng chữ” của học sinh ở cù lao Dài.
Chòng chềnh những chuyến đò “qua sông cõng chữ” của học sinh ở cù lao Dài.

“Chồng chềnh” qua sông cõng chữ

Chuyến đò chồng chềnh những xe cộ, hàng hóa và gió mạnh khiến nhiều người lo lắng. Càng lo hơn khi những ngày mưa bão luôn có những bất an chực chờ. Vậy mà, hàng ngày, mấy trăm học sinh ở đây phải vượt sông đi học trên những chuyến đò như thế.

Cô Nguyễn Thị Đậm (xã Thanh Bình) có 2 người con vừa học xong chương trình phổ thông ở thị trấn Vũng Liêm nói: “Đò giang cách trở nguy hiểm lắm chứ, nhất là khi mưa to gió lớn con đi học mà tôi ở nhà cứ thấp thỏm không yên, mà đi trễ một chuyến đò là trễ học”.

“Chuyến đò đông nhất ở cù lao là chuyến 6 giờ sáng, nó “đầy ẹt” học sinh tranh thủ đến trường trước 6 giờ 45 phút.

Em nào thức sớm hơn có thể đi chuyến 5 giờ rưỡi, nếu đi những chuyến sau chắc chắn trễ giờ học”- Phó Chủ tịch UBND xã Quới Thiện Phạm Thị Diệu Xuân cho biết.

Ông Điều Hữu Phước- Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết: “Chỉ cách nhau một con đò, nhưng chuyện đi học của các em ở xứ cù lao dường như khó khăn hơn nhiều so với các bạn ở đất liền.

Học sinh đi về mỗi ngày vừa mệt, vừa lo nguy hiểm, vừa mất thời gian, các em ở trọ thì cha mẹ lo lắng không yên”.

Còn chú Nguyễn Văn Rê- cán bộ khuyến học xã Thanh Bình- cho biết: “Mới đợt thi lớp 9 lên 10 vừa rồi thôi đã có 10 em không thi vì gia đình không cho đi học nữa. Chúng tôi đi vận động, phần lớn cha mẹ sợ con ở trọ sẽ không quản lý được con nên không cho đi”.

Em Châu Thị Diễm My đã thi đậu vào lớp 10 nhưng cha mẹ lại quyết định không cho đi học cũng vì lý do này. Chú Châu Văn Thuẫn- cha Diễm My- không khỏi băn khoăn:

“Không lo làm sao được khi mà xung quanh đây, con người ta trọ học rồi không quản lý xuể, hư hỏng nhiều”. Hơn nữa, ở trọ phải tốn thêm tiền trọ khoảng 500.000 đ/phòng/ tháng, cộng tiền học, tiền ăn, tiền tiêu vặt,… ngót nghét hơn 1 triệu đồng/ tháng.

Còn chú Nguyễn Văn Lĩnh (xã Quới Thiện)- có con trai là Nguyễn Minh Luân chuẩn bị vào lớp 11 ở Trường THPT Trương Vĩnh Ký (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách- Bến Tre)- nói: “Từ nhà tôi đạp xe qua thị trấn Vũng Liêm hết 10 cây số, qua Vĩnh Thành 7 cây số, gần hơn nên tôi cho cháu học khác tỉnh”.

Trong khi đó, cô Huỳnh Thị Sương (xã Thanh Bình) đã chuẩn bị một chiếc xe đạp điện hơn 8 triệu cho con gái sang THPT Võ Văn Kiệt học. Cô còn định thuê nhà trọ cho con nghỉ lại buổi trưa nếu cháu học 2 buổi. Cô Sương nói: “Mong trường gần nhà để con đỡ cực”

Mong lắm một ngôi trường

Số liệu tổng hợp cho thấy, hiện toàn xã Thanh Bình có 327 em học THPT, gần 600 em đang theo học THCS; xã Quới Thiện có 229 em đang học THPT, 506 em đang theo học THCS.

Chỉ tính riêng khối THCS đã có trên 1.000 học sinh và điều này cho thấy, nhu cầu có một ngôi trường cấp 3 ở cù lao Dài rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Lai chỉ về mảnh đất quy hoạch xây trường nhiều năm rồi mà chưa thấy làm gì!
Ông Nguyễn Văn Lai chỉ về mảnh đất quy hoạch xây trường nhiều năm rồi mà chưa thấy làm gì!

Nói về mong ước có trường học cấp 3 cho con em học sinh, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Điều Hữu Phước cho biết, đã quy hoạch lâu, cũng đã họp dân, lấy ý kiến, biên bản thống nhất bàn giao đất, kiểm kê, khoan địa chất,…

Vậy mà lâu quá không triển khai, bà con sốt ruột, chủ đất cũng vì có quy hoạch mà bỏ hoang đất vườn.

Mảnh đất quy hoạch hơn 17.000m2 cách trụ sở UBND xã Thanh Bình khoảng 1km. Ông Nguyễn Văn Lai (102 tuổi)- chủ đất nói quy hoạch lâu quá mà không thấy làm gì, thành ra… phát bực: “Nếu mấy chú không xây thì tui bán cho người khác…”

Bà Phạm Thị Diệu Xuân cho biết, mỗi lần họp HĐND, tiếp xúc cử tri thì cử tri đều đặt vấn đề xây trường. Người dân rất mong mỏi một ngôi trường để thuận tiện việc đi học cho các em, vừa ít nguy hiểm mà gia đình có thể quản lý tốt việc học tập của con em.

Từ đó, có thể kéo giảm tình trạng học sinh bỏ học hay hạn chế các em bị lôi cuốn vào các con đường xấu…

Ông Điều Hữu Phước ngồi tính nhẩm chi phí qua đò của học sinh mỗi ngày từ 3.000- 6.000 đ/2 lượt, tùy theo các em đi xa đạp hay xe đạp điện. Thêm vào đó, học sinh đi học thêm, phà vẫn tính giá như người bình thường thì tốn khoảng 60.000- 120.000 đ/tháng.

Đối với những gia đình khá giả, số tiền đò, tiền ăn trưa, trọ học đã khá nặng, còn đối với gia đình nghèo thì lại càng khổ sở hơn. Trong khi đó, 2 xã có đến 322 hộ nghèo, 154 hộ cận nghèo.

Chú Nguyễn Văn Vũ (xã Quới Thiện) sốt ruột: “Gia đình tôi có nhiều con, cháu đang theo học các trường THPT ở thị trấn Vũng Liêm. Nhìn thấy các cháu đi học mà tội, cực quá, chất lượng học tập cũng vì đó mà ảnh hưởng. Kiến nghị Nhà nước đầu tư trường ở cù lao để học sinh đỡ vất vả, yên tâm học tập, gia đình cũng yên tâm sản xuất phát triển kinh tế…”.

Dự án trường Trung học cấp 2- 3 Thanh Bình đã được Sở GD- ĐT bàn giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Vĩnh Long làm chủ đầu tư theo đúng quy định. Tính đến hết tháng 6/2016, đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND tỉnh phê chuẩn, trong đó tiến độ thực hiện từ năm 2018- 2020.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- CAO HUYỀN