Người lao động được quản lý sổ BHXH để theo dõi quá trình đóng- hưởng BHXH

Cập nhật, 14:05, Thứ Ba, 07/06/2016 (GMT+7)

Tại Điều 7 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp đã nêu rõ: Người lao động (NLĐ) được quyền nhận lại sổ BHXH khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Về pháp luật lao động cũng đã quy định: Người sử dụng lao động phải trả sổ BHXH cho NLĐ trong vòng 7 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày (Điều 43 Bộ luật Lao động).

Như vậy, khi NLĐ thôi việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải tiến hành làm thủ tục xác nhận thời gian tham gia BHXH (chốt sổ BHXH) và thực hiện việc trả sổ BHXH cho NLĐ ngay khi nghỉ việc theo đúng thời gian quy định của pháp luật.

Thực tế thời gian qua ở tỉnh ta vẫn có tình trạng người tham gia BHXH khi nghỉ việc không được người sử dụng lao động trả sổ BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ.

Trong năm 2015, qua kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp cho thấy, đã có hơn 50 trường hợp NLĐ nghỉ việc nhưng đơn vị chưa trả sổ BHXH cho NLĐ theo đúng luật định.

Đó là nguyên nhân dẫn đến NLĐ làm đơn tố cáo đơn vị không trả sổ BHXH cho họ vì nhiều lý do khác nhau như NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng, nợ tiền tạm ứng…, đã xảy ra tranh chấp khiếu kiện ở một số công ty gây hoang mang cho số NLĐ đang làm việc.

Số ít NLĐ còn lại không phản ứng vì chưa biết được quyền lợi của bản thân khi tham gia BHXH hoặc người sử dụng lao động chưa biết trách nhiệm của mình trong việc sử dụng lao động tại đơn vị.

Theo Luật BHXH sửa đổi 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, NLĐ có quyền tự quản lý sổ BHXH thay vì chủ sử dụng lao động giữ như hiện hành. Hàng năm, NLĐ sẽ được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về đóng BHXH.

Như vậy, khi NLĐ giữ sổ thì quan hệ giữ sổ là quan hệ giữa NLĐ và cơ quan BHXH. Việc này sẽ giảm thiểu rất nhiều thủ tục hành chính cho NLĐ và doanh nghiệp.

Đặc biệt, đối với tình trạng chậm đóng BHXH, trước đây nếu doanh nghiệp đã thu tiền của NLĐ nhưng không đóng cho NLĐ thì họ cũng không biết. Còn khi chuyển sổ BHXH cho NLĐ giữ nhằm tạo cơ chế để NLĐ theo dõi và giám sát quá trình đóng BHXH của người sử dụng lao động đối với mình.

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG