Không hút thuốc lá khi làm "bác tài"

Cập nhật, 13:14, Thứ Tư, 18/05/2016 (GMT+7)

Đang điều khiển xe máy bon bon trên đường, bỗng có vật lạ bé tí bay vào mắt, làm mắt cay xè phải dừng xe đột ngột để lau mắt. Đây là việc thường gặp khi đi đường, khi xe phía trước có người cầm điếu thuốc hút và gạt tàn thuốc bay về phía sau. Còn người phía sau “lãnh hậu quả”...

Người lái xe máy cũng như ôtô không nên hút thuốc khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông để tránh ảnh hưởng đến người khác và giữ ATGT.Ảnh: internet
Người lái xe máy cũng như ôtô không nên hút thuốc khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông để tránh ảnh hưởng đến người khác và giữ ATGT.Ảnh: internet

Đi đường chúng ta thường thấy người đi xe máy vừa điều khiển xe vừa hút thuốc. Người lái ôtô, nhiều nhất là xe tải cũng vô tư hút thuốc rồi tiện tay gạt tàn ra ngoài cửa kiếng, người điều khiển xe máy đi phía sau bị tàn thuốc bay vào mắt, buộc phải dừng xe, bất ngờ hơn là chao đảo rồi lủi vào lề vì mắt cay xè không còn thấy đường. Dĩ nhiên làm ảnh hưởng đến ATGT.

Có trường hợp vì quá bất ngờ, cay mắt thắng xe gấp suýt xảy ra tai nạn. Anh Tuấn ở Thanh Đức là người từng hút thuốc lá nhưng bức xúc nói về nạn tàn thuốc bay vào mắt:

“Đang chạy xe ngon trớn trên đường, bỗng “phịt” một cái vào mắt, mắt cay xè chảy nước mắt, thắng xe gấp chút xíu nữa té rồi. Nhìn phía trước có 2 người đi xe máy, cả hai người thản nhiên hút thuốc.

Tui cũng là dân hút thuốc, nhưng đi đường đừng hút, đừng để tàn thuốc bay vào mắt người khác, rất khó chịu. Đôi khi tàn thuốc bay vào mắt, không kiềm chế được sẽ có thể dẫn đến gây gổ, xô xát nhau”.

Còn đối với trường hợp những người lái xe khách, xe buýt có tật hút thuốc, khói thuốc sẽ làm cho hành khách khó chịu.

Khói thuốc cũng làm cho người kế bên bị cay mắt, chảy nước mắt. Vì vậy, người lái xe khách cần tuyệt đối không hút thuốc khi trên xe có hành khách hoặc đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo các nhà khoa học nghiên cứu, lái xe hút đến 4 điếu thuốc lá và nhả ra chất độc hại trong không khí với tỷ lệ trung bình 85 μg/m3, nhiều hơn 3 lần so với giới hạn an toàn 25 μg/m3 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Dù lái xe chỉ hút 1 điếu thuốc trong điều kiện mở rộng cửa sổ hay bật điều hòa thì mức ô nhiễm không khí vẫn vượt quá giới hạn bình thường.

Người nghiện thuốc lá lâu ngày sẽ bị thu hẹp tầm nhìn, làm giảm độ nét; đặc biệt, khi chảy nước mắt do khói thuốc làm rối loạn thị giác, sự phối hợp thao tác, giảm sự tập trung và tư duy, tăng thời gian phản ứng, giảm thị lực.

Nghiên cứu của TS Phạm Phi Thường: Hút thuốc lá đặc biệt nguy hiểm vào ban đêm, khi tất cả các chức năng sinh lý và tâm lý diễn ra ở một mức độ thấp hơn.

Vào ban đêm, giảm thị lực dưới ảnh hưởng của khói thuốc lá làm mất khả năng của lái xe tiếp nhận tình trạng đường giao thông. Hút thuốc làm lạc hướng tập trung của lái xe.

Vì khi hút thuốc người lái xe nhìn vào ngọn lửa chứ không phải nhìn đường, nơi mà các tình huống có thể thay đổi trong vài giây. Sự tập trung của lái xe bị lạc hướng khi tìm thuốc lá, bật lửa hoặc que diêm.

Việc di chuyển ánh mắt vào thời điểm này dường như ngay lập tức, nhưng để chuyển đổi từ đối tượng này sang đối tượng khác, trong đó để nhận biết đối tượng mới cần tới 0,8- 1 giây; trong thời gian này chiếc xe ở tốc độ 70 km/h chạy được gần 20m.

Khoảng cách này tăng gấp đôi vì lái xe mất thời gian chuyển ánh mắt từ mặt đường lên điếu thuốc và cũng như từ điếu thuốc lên trên đường, vì thế trong thời gian này nếu trên đường xuất hiện một chướng ngại vật hay bất ngờ xuất hiện một tình huống nguy hiểm thì lái xe không thể ngăn ngừa TNGT.

Mặt khác, khi lái xe thường xuyên hút thuốc trên xe sẽ làm bề mặt trong cửa kính ca bin hình thành một lớp phủ vô hình làm giảm độ trong suốt cửa kiếng xe và làm giảm khả năng hiển thị, vì vậy, những tài xế hút thuốc cần phải thường xuyên rửa kiếng phía trong ca bin...

Việc hút thuốc lá không chỉ đe dọa sức khỏe của người lái xe mà còn thường xuyên là nguyên nhân của TNGT. Vì vậy, các bác tài ôtô, cũng như người điều khiển xe máy trên đường đừng nên hút thuốc khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đối với các doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng cần có cách tuyên truyền, thuyết phục các lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không hút thuốc trên xe cũng như có thái độ tiêu cực đối với thói quen xấu này cho lái xe. Không hút thuốc khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng là một cách thể hiện văn minh, lịch sự, văn hóa giao thông...

ĐÔNG BÌNH