Bản sắc ngày tết đồng bào Khmer Nam Bộ

Cập nhật, 13:47, Thứ Ba, 12/04/2016 (GMT+7)

Vì là năm nhuần, nên Chol Chnam Thmay năm 2016 diễn ra trong 4 ngày từ ngày 13- 16/4 (thay vì 3 ngày như mọi năm) và đón giờ vào năm mới lúc 20 giờ ngày 13/4. Những ngày này bà con Khmer tỉnh Vĩnh Long, đang tất bật chuẩn bị đón tết với nhiều nghi thức lễ hội mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc.

Sư cả Thạch Xa Rốt cùng Ban Hoằng pháp chùa và các vị Acha, họp bàn về Chol Chnam Thmay.
Sư cả Thạch Xa Rốt cùng Ban Hoằng pháp chùa và các vị Acha, họp bàn về Chol Chnam Thmay.

Truyền thuyết về Chol Chnam Thmay

“Lễ hội này giống như Tết Nguyên đán của bà con người Kinh, chỉ khác nhau ở thời gian và cách đón tết. Đây cũng là thời điểm giao mùa giữa mùa nắng với mùa mưa và mừng vụ mùa mới, nên Tết Chol Chnam Thmay là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Khmer”- Sư cả Sơn Ngọc Huynh, trụ trì chùa Hạnh Phúc Tăng (Vũng Liêm) cho biết.

Ngày đầu năm và giờ vào năm mới không cố định mà thay đổi theo từng năm, được căn cứ vào quyển Đại lịch (Môha Soong Kran).

Truyền thuyết về nguồn gốc Chol Chnam Thmay là câu chuyện khá dài, có màu sắc huyền thoại pha trộn giữa Bà la môn và Phật giáo nguyên thủy, mà theo Sư cả Thạch Xa Rốt- trụ trì chùa Gò Xoài (ấp Mỹ Bình, xã Tân Mỹ- Trà Ôn)- đại ý đó là cuộc thách đố của vị thần 4 mặt Kabil Môha Prum với hoàng tử nổi tiếng thông minh Thomma Bal, mà ai thua sẽ chịu cắt đầu.

Câu đố về cái duyên con người ở đâu vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối? Nhờ nghe được tiếng chim thần giải thích, nên hoàng tử đã thắng; giữ lời thần Kabil Môha Prum cắt đầu và dặn dò 7 cô con gái hàng năm xuống trần làm lễ cho mình trên núi Tudi.

Do đó, ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer diễn ra theo nghi thức tôn giáo và toàn bộ các nghi thức chính đều diễn ra ở nhà chùa.

Tại chùa vào giờ hành lễ, bà con Khmer đặt một bàn dài ở ngoài sân, bày đủ các loại hoa, quả, bánh trái, nhang đèn được mọi người mang đến và cùng với các vị sư đọc kinh cầu cho năm mới an lành và sau đó dùng cơm với nhà chùa.

Theo Sư cả Thạch Xa Rốt, Chol Chnam Thmay có nghĩa là vào năm mới- là Tết cổ truyền của người Khmer, được giải thích nguồn gốc bằng câu chuyện thách đố giữa vị hoàng tử Thomma Bal với vị thần Môha Prum mà cuối cùng vị thần Môha Prum phải tự cắt đầu mình.

Sư cả Sơn Ngọc Huynh còn cho biết, sau khi làm lễ ở chùa, một số bà con thỉnh các nhà sư về nhà thuyết giảng những câu chuyện về tiền thân của đức Phật Thích Ca hoặc các đệ tử của Ngài hoặc các câu chuyện liên quan đến nhân quả, nghiệp báo… để bà con nhận thức được việc lành nên giữ, việc ác nên tránh nhằm tạo sự an vui cho mọi người và xã hội.

Ngoài lễ chùa cầu an, bà con Khmer còn thực hiện nghi thức đắp núi cát, nhiều nơi đắp núi lúa hoặc núi gạo và làm lễ tắm tượng Phật, nhằm tạo công đức, cầu phước lành cho gia đình trong năm mới. Nghi thức này diễn ra vào ngày cuối cùng của Tết Chol Chnam Thmay.

Đây là nghi thức rất quan trọng và thu hút đông đảo bà con Khmer tham gia. Để thực hiện nghi thức tắm tượng Phật, bà con Khmer dùng nước sạch có ướp hương thơm rưới lên tất cả các tượng Phật trong chùa, một số nơi người ta thỉnh tượng trưng 1 tượng Phật ra ngoài đặt nơi sạch sẽ để thực hiện nghi thức tắm Phật.

Tiếp đó, các vị sư tụng kinh cầu siêu linh hồn của “bá gia, bá tánh” để họ được siêu thoát về nơi nhàn cảnh. Đồng thời, một số gia đình còn thỉnh các vị sư về nhà để làm lễ chúc thọ ông bà, cha mẹ và gia đình năm mới được an khang, thịnh vượng.

Tôn vinh giá trị truyền thống

Ở gia đình, bà con Khmer sửa sang nhà cửa, chưng diện quần áo mới, mua thực phẩm: nếp, đường, bột, đậu,… để làm bánh, chuẩn bị lễ vật dâng cúng tổ tiên, ông bà sau đó mời ông bà cùng lên chùa. Mọi người đưa cơm, thức ăn lên chùa cúng đức Phật, cúng dường các nhà sư. 

Ông Thạch Chia- Trưởng Ban Hoằng pháp chùa Gò Xoài- chia sẻ những cảm xúc, ý nghĩa khi dâng cơm lên chùa, đó là thể hiện tấm lòng báo ơn, báo hiếu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Người nào còn cha mẹ thì mừng vui, cầu mong sức khỏe cho người thân; còn những người mất cha mẹ thì tâm trạng buồn bã, cầu nguyện và thành tâm nghe nhà sư tụng nguyện cho linh hồn họ siêu thoát. Đó là niềm tin tín ngưỡng gắn liền với phong tục truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Còn Nghệ nhân ưu tú Thạch Đường (xã Loan Mỹ- Tam Bình) phấn khởi cho biết: “Năm nay gia đình tui chuẩn bị 7- 10 lít nếp để gói “num on som” (bánh tét) trước tiên là dâng cúng ông bà, tổ tiên, các bậc tiền nhân, sau mang vào chùa dâng cúng đức Phật và chia cho bà con, anh em hàng xóm cùng thưởng thức và vui vầy đón tết”.

Ông Thạch Đường còn khoe, mình vừa sáng tác 4 bài hát theo điệu À Dây, Chachacha, Bolero dự thi trong ngày hội văn hóa, thể thao năm nay.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long được tổ chức định kỳ hàng năm và luân phiên tại các chùa Khmer trong dịp Chol Chnam Thmay.

Đến nay, ngày hội này đã trải qua 6 lần được tổ chức và thu hút hàng chục ngàn lượt nhân dân Kinh- Hoa- Khmer, diễn viên, vận động viên, huấn luyện viên, nghệ nhân đến tham gia, cổ động.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét: “Các hoạt động được tổ chức là những sân chơi bổ ích, ý nghĩa đối với bà con nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của đồng bào Khmer.

Vừa thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đời sống vùng đồng bào dân tộc, vừa góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực truyền thống, đặc sắc, độc đáo của đồng bào Khmer Vĩnh Long đến với du khách phương xa”.

Ông Thạch Chia giải thích ý nghĩa khi dâng cơm lên chùa, đó là thể hiện tấm lòng báo ơn, báo hiếu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Người nào còn cha mẹ thì mừng vui, cầu mong sức khỏe cho người thân. Còn những người mất cha mẹ thì tâm trạng buồn bã, cầu nguyện và thành tâm nghe nhà sư tụng nguyện cho linh hồn người thân được siêu thoát.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG