Tăng gia tốt, nuôi quân giỏi

Cập nhật, 13:46, Thứ Ba, 12/04/2016 (GMT+7)

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang còn tăng gia sản xuất, không chỉ cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng bữa ăn, mà còn tạo nguồn thu, cải thiện đời sống và rèn luyện tình yêu lao động cho cán bộ, chiến sĩ.

Khơi dậy tình yêu lao động cho cán bộ, chiến sĩ qua việc tăng gia sản xuất.
Khơi dậy tình yêu lao động cho cán bộ, chiến sĩ qua việc tăng gia sản xuất.

Khai thác tiềm năng

Tăng gia sản xuất vừa là nhiệm vụ thực lâu dài, vừa rèn luyện, phát huy phẩm chất cần cù, chịu khó của bộ đội Cụ Hồ.

Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, giá cả thị trường không ngừng biến động, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo thì việc các đơn vị tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm đã góp phần nâng cao đời sống của bộ đội.

Thượng tá Phạm Thanh Truyền- Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ Chỉ huy Quân sự) cho biết, trước đây đời sống bộ đội gặp không ít khó khăn, nguồn lương thực, thực phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu.

Việc tăng gia sản xuất mang tính chất nhỏ lẻ, đất đai chưa được quy hoạch. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ đều là dân “tay ngang” thiếu kiến thức khoa học nên năng suất
chưa cao.

Do đó, các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh đã đã khai thác triệt để tiềm năng đất đai, con người, nguồn vốn đầu tư tăng gia sản xuất; tận dụng đất trống quanh doanh trại để trồng rau, nuôi cá,… đã giúp bữa ăn của bộ đội thêm phong phú.

Năm 2015, lực lượng vũ trang đã tăng gia sản xuất đạt 1.115 tấn lúa, trên 103 tấn rau củ, 68 tấn cá, 32 tấn gia súc và gia cầm.

Trung tá Thi Văn Tứ- Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 890 chia sẻ: Đơn vị luôn xem việc tăng gia sản xuất là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài giờ huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ đều tổ chức trồng rau, chăn nuôi, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày.

Hướng đến sản xuất hàng hóa

Để việc tăng gia sản xuất mang lại hiệu quả, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong đơn vị mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, Bộ Chỉ huy Quân sự còn tổ chức các khu chăn nuôi tập trung, điển hình là khu ươn cá giống ở xã Tân Thành (Bình Tân).

Đây là hình thức chuyển đổi sản xuất hiệu quả, hàng năm cung cấp hàng triệu con giống để chuyển qua nuôi thương phẩm.

Bộ Chỉ huy Quân sự còn tận dụng khu vực đất cồn tiếp giáp với những con sông lớn để nuôi cá tra thương phẩm. Với hơn 30.000m2 mặt nước, hàng năm thả nuôi trên 900 ngàn con, xuất bán từ 3- 4 tấn.

Riêng khu vực trồng lúa ở Bưng Sẫm (xã Hòa Bình- Trà Ôn) và khu trồng khoai ở Tân Thành (Bình Tân) luôn đạt hiệu quả kinh tế. Đây là những khu sản xuất gắn với căn cứ hậu cần, tạo nguồn dự trữ đề phòng khi thị trường khan hiếm hoặc các tình huống bất ngờ…

Thượng tá Huỳnh Văn Túc- Trợ lý Hậu cần (Bộ Chỉ huy Quân sự)- thông tin, nhờ chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất hàng năm đều tăng lên, riêng chi phí sản suất lúa thấp hơn thị trường từ vài trăm đồng.

Từ đó, nhà máy xay xát ở Tầm Vu (Tân Thành- Bình Tân) cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các đơn vị.

Để đưa việc tăng gia sản xuất hiệu quả, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã kết hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh tổ chức nuôi trồng theo tiêu chuẩn GlogalGAP.

Ngoài ra, còn kết hợp các dịch vụ hậu cần với kinh tế với quốc phòng như kinh doanh xăng dầu mang lại nguồn thu đáng kể.

Đến nay, hầu hết các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh đều tăng gia sản xuất đạt và vượt chỉ tiêu. Nguồn thu từ tăng gia sản xuất, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hỗ trợ thêm tiền ăn cho cán bộ, chiến sĩ vào các dịp lễ, tết; thăm hỏi gia đình chính sách; khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo; mua sắm trang thiết bị phục vụ huấn luyện.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH