Gặp gỡ nghệ nhân ưu tú "miệt vườn"

Cập nhật, 10:04, Chủ Nhật, 07/02/2016 (GMT+7)

Đến khóm Đông Bình A, phường Đông Thuận, TX Bình Minh (Vĩnh Long) hỏi tới nghệ nhân “Năm Thầu” chuyên gia hát bội lẫn may trang phục tuồng cổ thì ai cũng biết bởi sự nổi tiếng của ông đã hơn 40 năm qua.

Nghệ nhân ưu tú Võ Công Khanh (nghệ sĩ Thanh Nhàn).
Nghệ nhân ưu tú Võ Công Khanh (nghệ sĩ Thanh Nhàn).

Tên thật của ông là Võ Công Khanh (nghệ sĩ Thanh Nhàn) sinh năm 1955. Xuất thân trong gia đình có truyền thống hát bội 3 đời. Từ tấm bé lúc rảnh rỗi, ông thường đến chơi với gánh hát của ông ngoại mình. Những lúc thiếu người ông diễn các vai thiếu nhi như: Nghi Xuân, Tấn Lực (tuồng Phạm Công- Cúc Hoa)… rất thành công. Theo lời khuyên của những “tiền bối” đi trước, ông chọn con đường chuyên đóng vai “phản diện” (kép độc chánh) như vai: Tạ Ôn Đình (tuồng San Hậu)…

Trước năm 1975, ông cộng tác với đoàn hát bội Phước Tấn (Hậu Giang), sau 1975 ông tham gia các đoàn Tiếng Trống Hậu Giang, Hậu Giang 3, Liên Hữu, Châu Thành (An Giang), Ngọc Ánh (Cần Thơ), Hiệp Lợi, Ngọc Mai (Tiền Giang)… Sau đó ông về công tác tại CLB Thể nghiệm truyền thống TP Hồ Chí Minh. Năm 2000 ông về quê nhà và chỉ hát phục vụ theo yêu cầu của các đoàn hát lớn.

Nghệ nhân Võ Công Khanh kể lại “… Muốn thành công ở vai phản diện, mình phải nắm bắt tâm lý, tính cách nhân vật kết hợp với vũ đạo, hóa trang phù hợp, biết hóa thân vào vai diễn thì mới thành công…”

Ông cho biết thêm mình rất may mắn được “thọ giáo” các cây đại thụ hát bội ở Sài Gòn như: NSND Thành Tôn, Năm Còn, Minh Biện, Ba Lăng nên được đào tạo các vai diễn rất bài bản.

Có một kỷ niệm sâu sắc mà ông luôn ghi nhớ: trong một lần lưu diễn tại huyện Gò Công Đông, sau khi diễn xong vai Tạ Ôn Đình, ông được một “ông cả” làng nhắc khéo về việc hóa trang không phù hợp, vũ đạo kém, hát không rõ âm làm ông đỏ cả mặt mày dù đã tâm phục, khẩu phục. Sau lần đó ông đã tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho các vai diễn tiếp theo và rất thành công cho đến hôm nay.

Không chỉ thành công với những vai diễn để đời, nghệ sĩ Thanh Nhàn còn rất tâm huyết với việc bảo tồn các bộ trang phục hát bội truyền thống với mong muốn chúng sẽ không mất đi theo dòng thời gian.

Ông kể: “… Hồi xưa mỗi diễn viên chỉ có từ hai đến ba bộ diễn không đáp ứng được thị hiếu khán giả, vậy là tôi nghĩ đến chuyện tự may trang phục cho diễn viên, vừa rẻ, vừa tiện...”

Nghĩ là làm, hai vợ chồng ông dành tiền mua vải, mua kim sa, mua chỉ… và bắt đầu tự may trang phục các loại. Nói như ông: thấy vậy chớ may quần áo hát bội cực trần thân vì phải nghiên cứu kỹ lưỡng trang phục đó thuộc vào thời kỳ lịch sử nào, vai vế trong xã hội ra sao. Việc thêu các con vật như rồng, phượng… đều phải rất tỉ mỉ, công phu, mất nhiều thời gian.

Hơn 30 năm trong nghề ông không nhớ hết mình đã diễn bao nhiêu suất, may bao nhiêu bộ trang phục hát bội cho các gánh hát ở khắp các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang… Nói như nhiều người: ông là người cuối cùng ở Nam Bộ còn may trang phục hát bội.

Gặp chúng tôi ở những ngày đầu tháng 12/2015, ông Võ Công Khanh hớn hở khoe “… Mừng quá, tui mới được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, bao nhiêu khó nhọc hơn 50 năm trên sàn diễn đã được trả giá thỏa đáng, tui nguyện phục vụ người hâm mộ đến cùng…”.

Chia tay với nghệ nhân ưu tú “miệt vườn”, chúng tôi bắt gặp nụ cười rạng rỡ và ánh mắt thật lạc quan của một nghệ sĩ, một người “thợ may” không chuyên đã và đang ra sức bảo tồn nền văn hóa dân tộc rất đáng trân trọng.l

BÁI, ẢNH: SONG ANH