Quy định về hỗ trợ, đào tạo việc làm cho người lao động

Cập nhật, 05:47, Thứ Năm, 05/11/2015 (GMT+7)

Việc hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) là một trong những chế độ mới của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định theo Luật Việc làm.

Để tìm hiểu về quy định này, phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nhân- Trưởng Phòng Việc làm- Tiền lương- BHXH thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh.

* Để được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho NLĐ thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa ông?

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật Việc làm, NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đang đóng BHTN khi có đủ các điều kiện sau đây: NSDLĐ đóng đủ BHTN cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; NSDLĐ gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng (như hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vất chất, thiết bị máy móc của doanh nghiệp) buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh; NSDLĐ không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ; NSDLĐ có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

* Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ được quy định như thế nào, thưa ông?

- Theo Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN, quy định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng, mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học cụ thể của từng nghề, hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng. Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc dưới 15 ngày tính là nửa tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định thì phần vượt quá mức hỗ trợ do NSDLĐ tự chi trả.

* Xin cảm ơn ông!

PHẠM TẤN (thực hiện)