Phải tinh giảm ngay bộ máy hành chính

Cập nhật, 12:15, Thứ Tư, 04/11/2015 (GMT+7)

Liên quan đến việc thu, chi và phân bổ ngân sách năm 2016, đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp tại nghị trường Quốc hội.

* Nguyễn Văn Thanh (đại biểu tỉnh Vĩnh Long):

Về việc phân bổ ngân sách năm 2016, đề nghị Chính phủ cần xem xét lại các tiêu chí để phân bổ. Theo đó, cần phân bổ một cách thỏa đáng đối với các địa phương có hạ tầng kinh tế thấp kém, vùng thiếu những yếu tố được hỗ trợ (không biên giới, hải đảo, dân tộc…) để có thể phát triển tốt hơn.

Chẳng hạn, trong phân bổ ngân sách năm 2016, Vĩnh Long được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương chỉ có 511 tỷ đồng, nếu so với các tỉnh ĐBSCL thì Vĩnh Long đứng thứ 13, so với cả nước đứng thứ 61 rất là bất hợp lý.

Một vấn đề nữa là nguồn bổ sung chung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, nên cho địa phương chủ động sử dụng nguồn từ xổ số kiến thiết và các nguồn khác để ngoài việc chi cho phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và các chương trình khác để thực hiện mục tiêu của chương trình.

Trong cơ cấu được cấp phát, Trung ương nên xác định mục tiêu, địa chỉ đầu tư và nên phân cấp cho địa phương thống nhất để điều hành và lồng ghép các nguồn vốn khác cho kịp thời.

* Trần Du Lịch (đại biểu TP Hồ Chí Minh)  

Giải quyết vấn đề tài chính ngân sách thì phải giải quyết một cách căn cơ, để như tình trạng kiểu “giật gấu vá vai” là không căn cơ. Để giải quyết tốt vấn đề này, tôi đề nghị cần làm tốt 2 góc độ: Thứ nhất phải cải cách các nguồn thu, chúng ta phải chuyển từ thuế gián thu sang thuế trực thu để cơ cấu những nguồn thu ổn định. Tôi đề  nghị chúng ta phải đánh thuế vào bất động sản đối với người có 2- 3 căn nhà để giúp cho chính quyền địa phương có ngân sách.

Thứ hai về chi, chúng ta phải tính toán lại không thể nào thu chỉ đủ chi thường xuyên, còn muốn đầu tư phát triển, trả nợ phải đi vay. Để giảm chi, đề nghị chi về lương phải tinh giảm bộ máy, với bộ máy hiện nay thì không thể nào tăng lương được.

Ngoài ra, Quốc hội phải quyết được cắt giảm chi ngân sách những nội dung nào. Theo tôi, nên mạnh dạn quyết định cắt giảm các khoản chi như tiếp khách, giao lưu học tập, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, sơ kết, tổng kết, kỷ niệm... Một khi quyết định được cắt giảm các khoản chi không cần thiết thì khi đó sẽ có nguồn ngân sách để chi cho đầu tư phát triển hay thực hiện lộ trình tăng lương mà nhiều đại biểu kiến nghị.

* Đặng Ngọc Tùng (đại biểu tỉnh Đồng Nai):

Bàn về việc phân bổ ngân sách năm 2016, theo tôi vấn đề thu nhập của cán bộ, công nhân viên chức không thể không tăng được vì mấy năm qua chúng ta không tăng lương rồi. Tổ chức công đoàn đã có đề nghị với Chính phủ năm 2016, không nên tăng các nguồn chi thường xuyên khác để tăng lương cơ sở cho công chức nhà nước.

Hiện nay, đa số cán bộ công chức sống bằng lương và không có nguồn nào khác, nếu nguồn thu nhập này không tăng lên, thu nhập không đủ sống dễ làm phát sinh một số trường hợp tìm cách tăng thu nhập một cách không chính đáng, dễ phát sinh tiêu cực. 

Tôi cũng đề nghị phải tinh giản ngay bộ máy hành chính, chứ bộ máy ngày càng “phình” ra như thế này thì không ngân sách nào lo nổi. Tôi đồng tình với nhiều đại biểu là từ năm 2016 không tăng chi thường xuyên mà lấy mốc năm 2015 chốt lại đó để các bộ, ngành tự tinh giảm biên chế, tiết kiệm các khoản chi của mình. Số tiền dư ra đó chúng ta sẽ chi cho đầu tư phát triển và nâng lương cho người lao động theo lộ trình.

THANH TÂM (ghi)