Nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi: Nhiều ý kiến trái chiều

Cập nhật, 05:38, Thứ Ba, 24/11/2015 (GMT+7)

Một trong điểm mới trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII có điểm mới là nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 để phù hợp Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) rất cần cân nhắc.
Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) rất cần cân nhắc.

Bên cạnh một số ý kiến tán thành, đề xuất cũng đã gây nhiều quan ngại về tính phù hợp thực tiễn của dự án luật trong phiên thảo luận vào sáng 23/11.

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều vấn đề mới tác động đến trẻ em và việc thực hiện các quyền trẻ em, việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của các vấn đề mới phát sinh cần sự điều chỉnh của pháp luật, cụ thể là: quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 chưa tương thích với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền con người, quyền công dân, trong khi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 chỉ quy định trẻ em là công dân Việt Nam. Do đó, không có cơ sở pháp lý để bảo đảm các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam. Do đó, việc sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là cần thiết.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (đơn vị TP Hồ Chí Minh) cho rằng, luật hiện hành đang tạo ra khoảng trống, vì có nhiều trẻ em từ 16- 18 tuổi tâm sinh lý chưa trưởng thành, chưa thực sự là người lớn nhưng lại không được quan tâm chăm sóc và bảo vệ như trẻ em. “Trẻ em giờ phát triển sớm trước tình trạng du nhập văn hóa. Vì vậy, tôi cho rằng việc điều chỉnh luật là cần thiết nhằm mục đích làm tốt hơn công tác chăm sóc trẻ em.”- đại biểu Huỳnh Thành Lập nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tờ trình chưa thực sự thuyết phục. Việc điều chỉnh độ tuổi sẽ không thống nhất với các quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ luật Hình sự… và không phù hợp với độ tuổi tham gia tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (đơn vị tỉnh Đắk Nông), đồng thời là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng, dưới 18 tuổi gọi là trẻ em thì Luật Thanh niên sẽ phải sửa là Thanh niên Việt Nam là 18- 30 tuổi. Tổ chức Đoàn cũng phải sửa lại Điều lệ Đoàn. “Như vậy học sinh cấp 3 chưa biết là để tổ chức nào quản lý. Nếu để đội Thiếu niên tiền phong quản lý thì cũng rất khó khăn. Nên tiếp tục nghiên cứu, vì nó tác động rất lớn”- đại biểu Nguyễn Đắc Vinh đề nghị.

Một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo cung cấp thêm căn cứ, gồm các nghiên cứu khoa học về phát triển tâm- sinh lý của trẻ em ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18; các chính sách cho nhóm đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi, hệ thống pháp luật liên quan đến nhóm đối tượng này và cân nhắc về nguồn lực bảo đảm cho việc điều chỉnh.

Theo đại biểu Ma Thị Thúy (đơn vị tỉnh Tuyên Quang), dự án luật đã quy định 16 hành vi bị nghiêm cấm nhưng còn thiếu một số hành vi, như: bỏ mặc trẻ em, bạo lực trẻ em, bóc lột trẻ em...

 “Qua nghiên cứu và thực tiễn xã hội hiện nay, thời gian qua có nhiều trường hợp trẻ em khi mới sinh ra đã bị chính bố mẹ bạo hành, vứt bỏ... những hành vi đó cần được pháp luật trừng trị thật nghiêm minh.”- đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị.

Tại các tỉnh miền núi, hàng năm xảy ra hàng trăm vụ tảo hôn từ 15- 16 tuổi. Việc lấy chồng, lấy vợ mà pháp luật chưa cho phép gây ra nhiều hệ lụy như: trẻ suy dinh dưỡng, không thể làm giấy khai sinh.

Cùng đó là các cặp vợ chồng không việc làm thu nhập thấp nên trong vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Đại biểu Trịnh Thị Ngọc Phương (đơn vị tỉnh Bắc Kạn) còn lo ngại hơn: “Nếu không xem xét kỹ có thể dẫn đến việc khi sinh con xong thì 2 mẹ con đều là trẻ em”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (đơn vị tỉnh Bắc Ninh) đề nghị: “Cần xem xét việc tảo hôn của trẻ em ở vùng sâu, vùng xa và đánh giá việc này để có đề xuất thích hợp với luật”.

Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai, Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có phù hợp thực tiễn hay chưa, rất cần cân nhắc, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH