Cứ mỗi mùa thi...

Cập nhật, 07:15, Chủ Nhật, 11/05/2014 (GMT+7)

Khi gốc phượng già nơi sân trường một sớm mai bỗng trở mình chở đầy hoa đỏ, khi bướm phượng ép đầy trang vở, cũng là lúc bạn bè lớp 12 sắp lưu luyến chia tay.

Tâm trạng 12 thật ngổn ngang. Vừa nuối tiếc thời thơ ấu, vừa háo hức bước vội tới tương lai. Lại thật bối rối, vì phải quyết định ngay chuyện “cả đời”: thi đại học.

Hiện nay, nhiều người (và cả học sinh) có vẻ hơi phiền khi nói đến chuyện cha mẹ định hướng, thậm chí ép buộc con em thi vào chuyên ngành “mà mình muốn” chứ không theo năng lực và sở thích của học sinh, gây lãng phí trong đào tạo, nhiều em phải “ngồi nhầm chỗ”.

Nhưng thực tế, chớm 18 tuổi vẫn chưa phải là đủ để tự quyết định cho mình một con đường- mà như mọi người mong muốn, là sẽ gắn bó suốt cuộc đời với người ấy. Bản thân người viết từng được toàn quyền lựa chọn ngành thi theo sở thích và năng lực, để rồi giờ đây cũng… không theo nghề.

Nói như vậy, để thấy rằng, trước mỗi mùa thi, chọn trường, chọn nghề vẫn là chuyện cực kỳ khó khăn, trăn trở. Các cuộc khảo sát cho thấy, chỉ có 5% học sinh hiểu biết về ngành chọn học trong khi có tới 75% thiếu hiểu biết.

Trong khi đó, nếu trước đây hơn chục năm, chuyện hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh là một khoảng trống khổng lồ; thì nay, hoàn toàn ngược lại, thông tin trên mạng, sách báo, và các cuộc tư vấn đưa tới cấp tập.

“Nhiều đến nỗi… phát hoảng, vì không biết đâu mà lần”- nhiễu loạn thông tin, đó là lo lắng có thật. Việc các cơ sở đào tạo đến tận trường phổ thông tư vấn là rất tốt, song, đôi khi ở các trường tự chủ kinh phí, thì nhân viên tư vấn cứ “nói hay như hát” để mời gọi thí sinh. Nghe đâu, có cơ sở đào tạo ngoài công lập còn “thưởng” thầy giáo 500.000đ cho mỗi hồ sơ nộp vào. Vậy thì, chuyện tư vấn hẳn đã bớt đi phần trong sáng!

Thiết nghĩ, chọn lối vào tương lai là chuyện quan trọng cả cuộc đời, bản thân mỗi học sinh phải nghiêm túc suy nghĩ và lựa chọn, cha mẹ cũng cần quan tâm, trao đổi cùng con. Riêng ngành giáo dục, cần quản lý việc tư vấn sao cho chỉ dừng lại ở mức “tư vấn” và cung cấp thông tin. Tránh việc nhiều cơ sở đào tạo dùng “trò chơi có thưởng” để kéo thí sinh về phía mình.

PHƯƠNG NAM