Bình Tân sẵn sàng phương án phòng chống lụt bão

Cập nhật, 15:08, Thứ Tư, 14/05/2014 (GMT+7)

Nhận thức rõ khả năng chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) huyện Bình Tân đã chuẩn bị các phương án cho việc ứng phó ngay trong mùa khô.

Một điểm sạt lở nguy hiểm tại vàm Bà Đồng (ấp Tân Hậu, xã Tân Bình).

Vùng trọng yếu

Qua thực tiễn PCLB-TKCN hàng năm cho thấy, bão có hướng đi từ Đông sang Tây, tức từ hướng huyện Tam Bình sang TX Bình Minh và đến Bình Tân. Trong khi đó, lốc xoáy, sập nhà ở Bình Tân nặng hơn so các địa phương khác trong tỉnh do huyện thuộc vùng trũng, vùng ngập sâu nhất tỉnh về phía Đông Bắc, tiếp cận sông Hậu về phía Tây Nam và thiếu cây che chắn gió. Gió giật, lốc xoáy thường xuất hiện và gây hại nặng tại các xã ven sông Hậu.

Lũ gây tràn các xã ven sông Hậu, ven Quốc lộ 54 và dọc các sông lớn, kinh trục do hệ thống bờ bao, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn đã bị xuống cấp. Ngoài ra, huyện còn chịu ảnh hưởng của sạt lở đất ở các xã ven sông Hậu, sét đánh chết người cũng là nỗi lo của người dân trong mùa mưa bão.

Từ đó, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã dự báo một số loại thiên tai nhiều khả năng tác động tại các vùng trọng yếu. Cụ thể, thiên tai đe dọa đến tính mạng con người trong lúc tham gia giao thông trên phương tiện thủy và vùng có nguy cơ thiệt hại nặng về nuôi trồng thủy sản chuyên canh là tại các vàm kinh, sông tạo nguồn nối liền ra sông Hậu và các lồng bè nuôi cá ven tuyến sông này.

Nếu bão xảy ra và gây sập nhà trên diện rộng, Bình Tân dự kiến bố trí tại các địa điểm di dời tại trường cấp 2, 3 và nhà văn hóa xã Mỹ Thuận, hội trường UBND và tuyến dân cư vượt lũ xã Nguyễn Văn Thảnh, tuyến dân cư vượt lũ 3 xã Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, đình Cả Côn và tuyến dân cư vượt lũ xã Tân An Thạnh, nhà văn hóa và tuyến dân cư vượt lũ xã Tân Bình, khu hành chính cũ của huyện (gần trụ sở UBND xã Tân Quới), tuyến dân cư vượt lũ xã Thành Đông, cơ quan cũ của Bộ Chỉ huy Quân sự huyện giao lại cho xã Thành Lợi và tuyến dân cư vượt lũ của xã.
Khi bão xảy ra, nước sông Hậu dâng cao dễ làm sạt lở bờ bao, gây thiệt hại cho các hộ nuôi thủy sản và ảnh hưởng đến tính mạng người dân, nhất là vào ban đêm.

Đáng ngại hơn là hiểm họa chực chờ khi các phương tiện thủy chở hành khách, hàng hóa từ Bình Tân vượt sông Hậu sang TP Cần Thơ trong mùa mưa bão. Điểm nóng phải kể đến các bến đò như bến tại cầu Chợ Bà (Thành Lợi), bến Chòm Yên (Tân Quới), bến Tân Thới (Tân Bình), bến Xẻo Lá, bến vàm kinh Xã Hời (Tân An Thạnh).

Bên cạnh đó, các bến đò ngang trên kinh Hai Quý (tuyến Thành Trung- Mỹ Thuận, Thành Lợi- Thuận An, Thành Lợi- Tân Quới) cũng rất đáng chú ý, bởi đây là những phương tiện nhỏ và học sinh tham gia lưu thông rất nhiều.

Sạt lở luôn là nỗi lo thường trực của không ít hộ dân sống ven sông Hậu. Đây cũng là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương, nhất là vào mùa mưa bão. Vùng thường bị sạt lở được xác định tại khu vực tiếp giáp sông Hậu thuộc các xã: Tân An Thạnh, Tân Bình, Tân Quới, Thành Đông, Thành Lợi.

Cụ thể, các điểm sạt lở nguy hiểm tại vàm kinh Hai Quý (thuộc 2 ấp Thành Phú và Thành Tâm- xã Thành Lợi), vàm kinh Câu Dụng (ấp Thành Quới, xã Thành Đông), vàm Bà Đồng (thuộc các ấp: Tân Thới, Tân Hiệp, Tân Phước, Tân Hậu- xã Tân Bình).

Ngoài ra, vùng có nguy cơ sập, tốc mái nhà, ngập nền nhà, nền chợ, sân trụ sở, trạm xá, trường học, vùng bị ngập ảnh hưởng sản xuất, vùng thường xảy ra sét đánh cũng được Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện khoanh vùng nhằm chủ động các phương án phòng tránh khi xảy ra sự cố.

Phương án phòng tránh

Theo ông Phạm Minh Thiện- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện, nhằm chủ động các phương án ứng cứu kịp thời, lực lượng, phương tiện dự kiến bố trí sử dụng trên cơ sở danh sách thống kê “4 tại chỗ”, những nơi thiếu sẽ đề nghị hỗ trợ từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lực lượng công an, quân sự huyện.

Trường hợp xảy ra tình huống nguy hiểm sẽ đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiến nghị Quân khu 9 điều động lực lượng đang đóng quân tại TP Cần Thơ sang chi viện.

Đến nay Bình Tân đã đầu tư kinh phí thực hiện 10 công trình chống hạn, mặn, sạt lở với tổng chiều dài 22.127m, đạt 97,5% kế hoạch, thi công hoàn thành 1 đập kiên cố hóa. Các xã đã thực hiện kế hoạch mùa khô hoàn thành 20/20 công trình với tổng chiều dài trên 16.000m.

Hiện các trang thiết bị như áo phao, nhà bạt, máy cưa đang được lưu giữ tại kho Bộ Chỉ huy Quân sự huyện. 50 máy bơm đang hỗ trợ cho các xã bơm tát chống hạn. Riêng trang thiết bị theo 4 tại chỗ, huyện đã chỉ đạo các xã làm việc với chủ phương tiện sẵn sàng tham gia nhiệm vụ phòng chống thiên tai khi có lũ, bão xảy ra.

Khó khăn hiện nay là việc các hộ dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm ở ấp Thành Phú (xã Thành Lợi) đã được bố trí vào tuyến dân cư vượt lũ, nhưng thế hệ con cái ở lại nhà cũ, nay lại xin cấp nền nhà nên địa phương vẫn còn lúng túng. Huyện cũng đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện các công trình chống hạn mùa khô và chống úng mùa lũ cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình đập kiên cố hóa do tỉnh đầu tư sớm hoàn thành trước mùa lũ.

Kiểm tra kế hoạch PCLB- TKCN tại huyện Bình Tân mới đây, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh chỉ đạo địa phương rà soát, kiện toàn ban chỉ huy PCLB các cấp, kiểm tra phương tiện dự kiến huy động, di dời nhà dân có nguy cơ sạt lở, hướng dẫn người dân chằng chống nhà đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn. Chú trọng nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi nhằm bảo vệ sản xuất, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Vật tư, phương tiện của huyện hiện có nhà bạt các loại, áo phao, phao tròn cứu sinh, máy cưa, hệ thống bơm nước, thuyền máy composite. Thông qua huy động “4 tại chỗ”, các xã có khả năng huy động 125.820 lít xăng dầu, 48,6 tấn sắt các loại, 51.710 cây cừ tràm, 7.700 bạt cao su, 35 xe tải, 5 máy đào, 9 chiếc tàu, 189 ghe, trẹt có tải trọng 5 tấn/chiếc, 69,7 tấn gạo, dự trữ 2.800 lít gạo tại các hũ gạo tình thương, 73.800 gói mì, 4.400 thùng nước uống, xe cứu thương 3 chiếc dân sự và 2 chiếc của ngành y tế, toàn huyện có 12 cơ sở y tế nhà nước.

Bài, ảnh: LÊ SƠN