Chuyện làm đường liên ấp ở Hựu Thành

Cập nhật, 13:34, Thứ Tư, 31/10/2012 (GMT+7)

Từ chuyện làm con đường liên ấp, xã Hựu Thành (Trà Ôn) đã có cách làm hay, quyết tâm vận động, giải quyết hợp lý cho đến hộ cuối cùng, trước khi công trình khởi công. “Chìa khóa” chính là ai cũng mong có con đường thông thương dễ đi, dễ chạy xe.

Con đường đi qua 2 ấp, ở phía đầu đường Vĩnh Hội giáp với đường Giồng Đống Đa, phía ấp Vĩnh Tiến nối liền với Đường tỉnh 907. Con đường chỉ vừa đủ một xe gắn máy chạy qua, mùa mưa thì trở nên trơn trợt rất nguy hiểm, có đoạn như cheo leo một bên là cặp sát hàng rào nhà dân, một bên là ruộng lúa sâu cả thước.

Con đường ngang qua nhà bà Trần Thị Tư, ở ấp Vĩnh Tiến.


Còn nhớ, có lần chúng tôi công tác về Hựu Thành nhân sắp đến ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7), loanh quanh cả buổi sáng để tìm nhà liệt sĩ Nguyễn Thanh Mừng, chạy thế nào lại lạc vào con đường này, đúng vào lúc bà con đang thu hoạch lúa. Lúc đó mới thấy “cảnh khổ” của bà con vận chuyển lúa ra ngoài đầu lộ như thế nào. Có chỗ lúa chất lên là không còn chỗ cho xe len qua, một chị vội lên tiếng: “Thông cảm mấy chú ơi, làm ra được hột lúa rồi, còn phải trần thân chở lúa về nhà nữa”. Những hộ quá khó khăn, bán lúa ngay tại ruộng thì dễ bị tư thương ép giá thấp hơn thị trường, nên đã khó còn chồng thêm khó.

Trưởng ấp Vĩnh Tiến- ông Trần Văn Hương đưa chúng tôi đến thăm nhà bà Trần Thị Tư (70 tuổi). Câu đầu tiên “chào khách” của bà là: “Con đường chừng nào làm vậy mấy chú?” Rồi vừa nhai trầu bỏm bẻm, câu chuyện từ cái thời mà bà về đây làm dâu hồi mới 16 tuổi. Bà còn đùa: “Cô làm công tác phụ nữ, cô biết luật nghe tụi bây, nhưng hồi đó chưa có luật… cấm “tảo hôn” mà”. Đối với bà, hơn 50 năm sống tại đất này, sống tại căn nhà này có biết bao kỷ niệm gia đình, mà giờ làm con đường coi như “bứt” nửa căn nhà, nhưng bà cũng đồng ý cái rụp, giơ hai tay ủng hộ Nhà nước. Có 2 lý do đơn giản là: “Nhà nước làm con đường cho ai? Là cho mình đi chớ ai vô đây? Còn cô sống đây hồi nào tới giờ, đã quá khổ vì chuyện đường sá rồi. Sống heo hút trong này, hồi xưa chỉ có nước lội ruộng, mùa nước thì ngập lênh láng”. Rồi bà Tư kể lúc đắp con đường đất, chính mình đi vận động bà con xúm vô làm, rồi đi đốn cây phát quang làm đường “kiến vàng nó cắn sần mình mẩy hết, cũng phải ráng để có con đường đi chợ, có đường cho con cháu nó vô ra thăm mình chớ”.

Bây giờ nghe nói làm con đường rộng đến 3,5m, bà mừng lắm dù căn nhà của mình phải dỡ đi. Mà cảnh nhà của bà Tư cũng quá khó khăn, mấy đứa con có gia đình ra riêng hết rồi, nhà không có ruộng rẫy gì, chỉ có căn nhà này vậy mà bà còn nuôi một người con nuôi bị tâm thần ngơ ngơ ngác ngác, đã bị chồng bỏ nên trở về sống chung hủ hỉ với bà. Nhưng trong câu chuyện không nghe bà than thở gì, giọng lúc nào cũng lạc quan, không giấu niềm vui, sự phấn khởi: “Đời cô bây giờ không mong mỏi gì hơn, sao cho đến cuối đời nhìn thấy được con đường chạy ngang qua đây là mừng rồi”.

Con đường liên ấp này đi qua phần đất, nhà cửa của trên 50 hộ, mà nói như bà Trần Thị Tư thì tất cả đều giơ tay đồng ý, trông cho tới ngày khởi công làm đường thôi. Có con đường, thì 145ha lúa (Vĩnh Hội là 65ha, Vĩnh Tiến là 80ha) của bà con cũng vận chuyển dễ dàng hơn. Tinh thần chung là vậy, nhưng cũng có hoàn cảnh riêng khó xử cho Ban vận động. Khi ông Hồ Văn Chinh- Trưởng ấp Vĩnh Hội, dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Hồ Văn Trường, thì rõ ràng đây là trường hợp khá… nhạy cảm.

Căn nhà nền đất, lụp xụp nằm cặp theo con đường; và cả phần đất hơn 1.000m2 của ông Trường cũng chạy dọc theo công trình. Đối diện lại là căn nhà đúc 2 tầng, có hàng rào bao bọc, nếu giải tỏa thì tiền hỗ trợ, đền bù sẽ rất nặng, do đó lãnh đạo địa phương thống nhất mở con đường về phía nhà ông Trường. Mà nếu như vậy thì đất của ông Trường gần như mất sạch. Hai vợ chồng họ rất bức xúc và hoang mang, vì nếu giải tỏa vậy thì sống sao đây? Gia đình chỉ bám vào ruộng, rồi mò cua, bắt ốc, hái rau mà đắp đổi qua ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân gây nên sự bức xúc đến độ gay gắt, không phải là phản đối chủ trương làm đường, mà do từ lâu 2 gia đình đối diện nhau, nhưng luôn có chuyện xích mích, bất hòa.

Ông Hồ Văn Chinh cho biết, địa phương đã kiên trì vận động, giải tỏa sự hiềm khích giữa 2 gia đình, đồng thời kiến nghị về trên có giải pháp để giúp gia đình ông Trường ổn định chỗ ở. Chúng tôi đặt vấn đề này với đồng chí Nguyễn Văn Đạt- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hựu Thành, đồng chí cho biết: “Tất cả bà con trên tuyến đường liên ấp Vĩnh Hội- Vĩnh Tiến đều đã đồng thuận. Riêng trường hợp hộ ông Hồ Văn Trường, địa phương đã nắm rõ hoàn cảnh gia đình, nên có kiến nghị về trên. Đến nay, huyện đã đồng ý hỗ trợ cho hộ ông Trường được chuyển đến chỗ ở mới. Như vậy con đường sẽ được khởi công trong khoảng đầu năm 2013”.

Chuyện về hộ ông Hồ Văn Trường đã cho thấy thêm một kinh nghiệm mới trong công tác vận động người dân hiến đất làm đường. Đôi khi họ phản đối không phải vì chủ trương chung, mà phản đối vì những nguyên nhân rất riêng tư, mà cụ thể ở đây là sự mất đoàn kết giữa 2 gia đình. Do đó, khi cán bộ địa phương sâu sát với người dân, nắm rõ được bản chất của sự việc thì công tác dân vận mới đạt được kết quả như mong muốn. Một vấn đề nữa là cách xử lý của lãnh đạo xã Hựu Thành vừa hợp tình, hợp lý và rất nhân văn. Không thể lấy cái chung mà áp đặt cho cái riêng, mà phải xử lý vấn đề rốt ráo, dù chỉ là một hộ cũng phải kiên trì vận động và đề ra giải pháp phù hợp nhất, hợp lòng dân nhất.

Trong Nghị quyết liên tịch Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, số 09/2008 ở mục d, Điều 2 có quy định: “Nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì kết quả cuộc họp có giá trị thi hành”. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo địa phương cứng nhắc dựa vào đó trong công tác vận động xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, sẽ rất dễ xảy ra vấn đề.


Bài, ảnh: QUANG THUẦN- KHÁNH DUY