Bóng đá Anh mùa giải 2018 - 2019: Đẳng cấp, sôi động, hào nhoáng và khó lường

Cập nhật, 10:15, Thứ Hai, 13/08/2018 (GMT+7)

Không chỉ Ngoại hạng Anh, các giải đấu cúp hoặc những hạng đấu thấp hơn của xứ sương mù sẽ đem đến cho người hâm mộ Việt Nam 1 bức tranh với rất nhiều gam màu nổi bật, với dấu ấn đậm nét.

Giải Ngoại hạng Anh 2018- 2019 sẽ khởi tranh từ 11.8. Ảnh: GETTY
Giải Ngoại hạng Anh 2018- 2019 sẽ khởi tranh từ 11.8. Ảnh: GETTY

Tình yêu, sự gắn bó

Tấm vé trụ hạng của Ngoại hạng Anh có giá khoảng 100 triệu bảng (tiền bản quyền truyền hình). Điều này đồng nghĩa với việc, các CLB ở giải hạng Nhất khi lên chơi Ngoại hạng nghiễm nhiên đút túi hàng trăm triệu bảng. Giải Ngoại hạng Anh nổi tiếng kim tiền, nhưng các giải đấu cấp thấp hơn, điển hình là hạng Nhất cũng có độ bóng bẩy không kém.

Cách thức truyền thông và công nghệ truyền hình của bóng đá Anh đã đạt tầm số 1 thế giới từ những năm đầu thập niên 90, thế kỉ 20. Ở các giải đấu thứ cấp tại những nền bóng đá mạnh còn lại như Tây Ban Nha, Đức, Pháp hay Ý, khán giả khó lòng được xem những trận đấu đầy ắp khán giả, hàng chục camera mỗi trận, đi kèm là công nghệ truyền hình tiên tiến. Tuy nhiên, đến với hạng Nhất Anh, những trải nghiệm đầy màu sắc qua ống kính truyền hình đủ làm thỏa mãn những người khó tính nhất.

Điều cốt lõi làm nên những giá trị này cho bóng đá Anh, thậm chí ở các giải hạng Hai, hạng Ba..., đó là tình yêu, sự gắn bó của các CĐV với CLB. Văn hóa xem bóng đá của người Anh được ví như “hơi thở, nước uống”, nếu đã đến sân cổ vũ cho đội nào, người hâm mộ đó sẽ đi theo CLB cả đời. Ở những “giải làng” của các CLB tí hon, lượng người xem luôn chật kín bất chấp điều kiện thời tiết hay sân bãi, đến sân thưởng thức món ăn tinh thần hàng tuần.

Năm nay, giải hạng Nhất Anh có tới 20/24 CLB từng là “gương mặt thân quen” tại sân chơi Ngoại hạng. Đó đều là những cái tên gắn chặt trong tiềm thức của những người hâm mộ bóng đá xứ sương mù như Aston Villa, Leeds, Blackburn, Middlesbrough... Điều này đồng nghĩa với tính đào thải của bóng đá Anh rất cao, nhiều đội vừa “ngồi ấm ghế” tại Ngoại hạng Anh đã phải xuống chơi, thậm chí ngụp lặn tại hạng Nhất.

Cùng với đó, cách thức chọn đội lên hạng của giải hạng Nhất rất độc đáo, tạo cảm hứng cho người xem đến những trận đấu cuối cùng. 2 đội dẫn đầu bảng nghiễm nhiên lên chơi tại Ngoại hạng, 4 đội còn lại sẽ đá play-off theo thể thức bán kết và chung kết. Điều này tăng sự kịch tính đến tận cùng bởi ở các trận chung kết play-off gần đây, kết quả chỉ được định đoạt trong những phút cuối.

Và đẳng cấp cao nhất

Tất cả những yếu tố bên ngoài chuyên môn của các giải thứ cấp hay các giải đấu cúp, Ngoại hạng Anh đều có đủ và được phát triển ở mức đẳng cấp nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên giá bản quyền truyền hình của giải đấu này ngày một tăng khiến nhiều khán giả không còn cơ hội được xem trực tiếp qua các hệ thống truyền hình cổ điển.

Nhưng những yếu tố hào nhoáng bên ngoài đó chỉ là phần rất nhỏ trong bức tranh chung của Ngoại hạng Anh. Ở đó, tính chuyên môn và sự ganh đua luôn được các đội thể hiện với tinh thần cao nhất.

Giải Ngoại hạng Anh đã phá vỡ kỉ lục chuyển nhượng Châu Âu, đạt mức hơn 1 tỉ bảng vào hè năm ngoái. Những ngôi sao hàng đầu thế giới liên tiếp chọn xứ sương mù làm bến đỗ với các mức giá không tưởng.

Gác lại các vấn đề chuyên môn, chỉ tính riêng việc những ông lớn như Liverpool, Chelsea, Man City vung hàng trăm triệu bảng để đón các ngôi sao, có thể thấy ngay tại các phiên chợ cầu thủ, sự cạnh tranh đã rất khốc liệt.

Cầu thủ thuộc hàng đẳng cấp thế giới, những người ngồi trên băng ghế chỉ đạo tại các CLB Anh cũng được xếp ngang hàng. Jose Mourinho, Pep Guardiola, Jurgen Klopp,...nhiều năm qua vẫn được cho là những nhà cầm quân xuất sắc nhất. Họ là những người tạo nên các cuộc đấu trí trên cả sân cỏ và băng ghế chỉ đạo. Đôi khi, trận đấu sẽ được hâm nóng lên nhiều lần chỉ bằng những phát ngôn của các ông thầy, đây là yếu tố không phải giải đấu nào cũng có được.

Big 4 ngày nào giờ đã được thay thế bằng Big 6. Tuy nhiên, những trường hợp như Leicester City 2015-2016 có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Việc các CLB Top 6 có thể thắng đậm lẫn nhau nhưng ngay sau đó lại “ngã ngựa” trước các đối thủ yếu hơn không còn hiếm. Với sự đầu tư ngày một tăng của các ông chủ nước ngoài, giờ đây, việc 1 CLB như Everton chi 50 triệu bảng để mua Richarlison của Watford diễn ra “như cơm bữa”. Những thế lực ngoài Top 6 có thể không bằng M.U, Man City...nếu xét tổng thể nhưng tại một vài thời điểm, chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

* Liverpool đang là đội dẫn đầu kỷ lục chuyển nhượng mùa hè này tại Anh với tổng số tiền đã chi lên tới 177 triệu bảng để đem về Shaqiri, Fabinho, Allison và Keita. Không chỉ những CLB thuộc top 6, nhóm còn lại cũng thể hiện sự mạnh tay sau hàng loạt thương vụ “bom tấn”. Đây sẽ là mùa giải thứ 3 liên tiếp, Ngoại hạng Anh cán mốc chuyển nhượng với trị giá hơn 1 tỉ bảng.

* Cúp FA và Cúp Liên đoàn ngày càng có giá trị. Ngoại trừ 6 đội thuộc nhóm dẫn đầu Ngoại hạng Anh, 14 đội còn lại và hàng chục CLB khác ở các giải đấu hạng dưới đều được đánh giá ngang nhau ở các giải đấu cúp. Rất nhiều đội bóng hạng dưới từng là nhà vô địch FA Cup hay Cúp Liên đoàn dù phải gặp các “ông lớn” tại Ngoại hạng Anh trong các trận chung kết.

Với việc vô địch cúp FA hay Cúp Liên đoàn, các đội sẽ được trao thẳng tấm vé đá cúp Châu Âu. Đây là sự khích lệ rất lớn bởi không nhiều CLB đủ tầm để tranh vé đá Ngoại hạng Anh, chưa nói đến việc lọt vào top của giải đấu này để vươn tầm châu lục. Đó là lý do tại sao nhiều CLB hạng dưới sẵn sàng đá kiểu “chết bỏ” trước các ông lớn để nuôi những tham vọng và giấc mơ cổ tích.

Theo VIỆT HÙNG/LĐO