Đại hội Thể dục thể thao khu vực ĐBSCL: Đã vào cuộc giai đoạn 1

Cập nhật, 18:14, Thứ Tư, 12/04/2017 (GMT+7)

Sau 6 lần tổ chức đại hội, lần thứ 7 này do tỉnh Bến Tre đăng cai với sự góp mặt của TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh miền Đông Nam bộ.

Bóng bàn Đại hội TDTT ĐBSCL 2017 được tổ chức thi đấu tại Vĩnh Long.
Bóng bàn Đại hội TDTT ĐBSCL 2017 được tổ chức thi đấu tại Vĩnh Long.

Trở thành đại hội định kỳ

Đây là sáng kiến của ngành TDTT và được tổ chức định kỳ 2 năm/lần với sự tham gia của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Đến đại hội lần IV năm 2011 có thêm sự tham gia của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9). Và cũng từ thời điểm này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Tổng cục TDTT có sự quan tâm đầu tư để tới đây sẽ xét công nhận, chính thức đưa vào là một trong những chuỗi hoạt động về thể thao trọng điểm của quốc gia.

Đại hội TDTT ĐBSCL thực sự trở thành ngày hội TDTT lớn nhất khu vực, góp phần phát triển TT thành tích cao của các tỉnh, thành ở khu vực trong thời gian qua. Đồng thời, tạo nên phong trào rèn luyện TDTT đến người dân.

Theo số liệu thống kê năm 2015, tỷ lệ bình quân số người luyện tập TDTT thường xuyên trong khu vực ĐBSCL là 28,4% (so với bình quân chung cả nước là 28,3%), gia đình thể thao đạt 21,3% (cả nước là 20,1%).

Ngoài việc tạo nên sức lan tỏa lớn, tác động tích cực đến phong trào tập luyện và thi đấu thể thao cho nhiều thành phần xã hội trong vùng, đại hội còn tạo nên sự đoàn kết gắn bó, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác quản lý và chuyên môn giữa các tỉnh, thành.

Đây còn là dịp để phát hiện, tuyển chọn và đào tạo thêm nhiều tài năng thể thao xuất sắc cho từng địa phương, khu vực và cả nước.  

Thành tích thi đấu của các đoàn đến nay (số thứ tự huy chương vàng, bạc, đồng):

 

1/ Cần Thơ (10, 12, 7); 2/ Tiền Giang (7, 8, 8); 3/ An Giang (5, 5, 5); 4/ Bến Tre (4, 1, 1); 5/ TP Hồ Chí Minh (3, 8, 5);... 11/ Vĩnh Long (0, 4, 1)...

Để có đại hội thành công...

Bến Tre đã đề ra việc phấn đấu để Đại hội TDTT ĐBSCL dần trở thành sự kiện thể thao "sạch" về công tác tổ chức cũng như việc điều hành công tác chuyên môn.

Ban chỉ đạo đã vạch ra nhiệm vụ cho các cấp, ngành ở Bến Tre và các địa phương bạn cần có sự phối hợp đồng bộ để tổ chức tốt đại hội, nhằm kiên quyết không để lại vụ “bê bối” nào khi tham gia đăng cai.

Như việc sắp xếp thành tích hoặc gian lận về mặt nhân sự, trong thi đấu không thể hiện tinh thần thể thao đoàn kết, trung thực, cao thượng hoặc phục vụ nơi ăn, chốn nghỉ cho các đoàn còn thiếu sót.

Đại hội lần này có tổng cộng 21 môn, phân môn, được chia ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 1 đến cuối tháng 4/2017: 16 môn, phân môn, và được phân chia do các địa phương đăng cai tổ chức.

Giai đoạn 2 (vòng chung kết) từ ngày 19- 26/5 với 5 môn thi, diễn ra tại TP Bến Tre. Đặc biệt ở giai đoạn 2 bao gồm Lễ khai mạc và các môn thi đấu chủ chốt và bế mạc. Theo kế hoạch, Vĩnh Long là địa phương đăng cai lần thứ 8.

Tuy nhiên, phía tỉnh Vĩnh Long đề xuất lùi thêm 1 năm, tức sẽ tổ chức vào năm 2020- nhằm vào thời điểm có những sự kiện lớn của đất nước và đã được hầu hết các địa phương đồng tình.

 

Đến nay, đã có 3 môn hoàn thành: Cờ Vua (Đồng Tháp), bi sắt (Sóc Trăng), boxing (Tiền Giang), còn võ cổ truyền vừa khai mạc vào tối ngày 11/4 tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Sắp tới, các môn được liên tục diễn ra: Bắn cung, bóng bàn (Vĩnh Long); bơi lội, canoeing, bi da (Cần Thơ); taekwondo (Trà Vinh); cử tạ (Sóc Trăng); quần vợt (Bạc Liêu); bóng chuyền bãi biển nữ (Kiên Giang); bóng rổ (Hậu Giang); thể dục thể hình- fitness (An Giang) sẽ diễn ra và kết thúc trước ngày 30/4.

 

Vòng chung kết của đại hội diễn ra tại Bến Tre gồm 6 môn: Bóng đá, điền kinh, bóng chuyền nam, judo, vovinam, karatedo- từ ngày 19- 26/5.

 

 

Bài, ảnh: DƯƠNG THU