Thế hệ tuổi 25

Cập nhật, 09:30, Thứ Sáu, 26/05/2017 (GMT+7)

 

Tuổi trẻ làm đường giao thông nông thôn...
Tuổi trẻ làm đường giao thông nông thôn...

Những bạn trẻ được sinh ra ngay thời điểm tái lập tỉnh đến nay đã tròn 25 tuổi. Trưởng thành cùng với sự đổi thay không ngừng của tỉnh nhà, các bạn trẻ đang ra sức lao động, học tập để cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hình ảnh chiếc cầu khỉ bắc qua con sông nhỏ trước nhà hàng ngày phải đi qua để đến trường, để đi chơi cùng lũ bạn được chị Nguyễn Thị Cẩm Liền- Bí thư Xã Đoàn Tân Bình (Bình Tân) nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Vì theo chị Liền, có nhắc lại mới thấy theo thời gian tỉnh mình đổi thay như thế nào. Chị Liền kể, hồi xưa chị với các bạn đi học phải qua cầu khỉ rồi lội bộ đến trường, nhà đứa nào khá thì mới được chạy xe đạp đi học.

Đường sá chưa thuận tiện nên đi bộ không hà. Có bữa trời mưa sình lầy lội dữ lắm, đứa nào cũng bị dính đất bê bết. “Trường hồi đó có ít lớp lắm, chỉ mấy phòng mà bàn ghế chưa được khang trang như giờ. Tháng 9, tháng 10 nước lên ngập phòng, lớp này phải “chạy” sang lớp khác học…”- Liền nhớ lại.

Nhưng đó là chuyện khi tỉnh ta còn “non trẻ” chứ giờ thì khác xưa rồi. Giờ thì trường lớp khang trang, đạt chuẩn. Đường sá thuận tiện cho học sinh ngày 2 buổi đến trường.

Còn cô học trò nhỏ ngày nào giờ là nữ thủ lĩnh Đoàn năng động. Ngoài việc tích cực tham gia và vận động đoàn viên thanh niên tham gia tốt các hoạt động tuổi trẻ tại địa phương, chị Liền cũng tranh thủ những ngày cuối tuần học thêm ĐH Luật.

Có như vậy mới không bị tụt hậu, mới đáp ứng yêu cầu công việc của xã hội. “Tôi lớn lên cùng với sự phát triển của tỉnh nhà và may mắn được hưởng thụ thành quả ấy. Và tôi thấy mình phải làm điều gì đó thiết thực để góp phần sức trẻ cống hiến cho quê hương”- chị Liền chia sẻ.

Anh Đặng Minh Trí- nhân viên y tế Trường THCS Bình Hòa Phước (Long Hồ) cho biết: Hồi nhỏ, ông nội vẫn hay kể cho tôi nghe về giai đoạn đầu tái lập tỉnh.

Khi đó cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đời sống cơ cực lắm, ban đêm thì đốt đèn dầu, còn muốn đi đâu phải bơi xuồng hay đi bộ.

Như xóm của tôi nè nhà tranh vách lá không hà, nhiều người không có quần áo lành lặn để mặc nữa. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, chính vì thế tôi thấy mình phải cố gắng học hành, có công việc ổn định để có thể “làm chút gì đó” cho gia đình và xã hội.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp y tế, anh Trí xin về địa phương làm việc vừa được gần gia đình vừa có thể góp sức chăm lo sức khỏe cho người quê mình. Anh Trí nói: “Diện mạo tỉnh nhà ngày càng đổi mới, phát triển tôi rất phấn khởi và tự thấy bản thân mình phải không ngừng làm việc, năng nổ tham gia các hoạt động cùng chung tay xây dựng quê mình”.

Và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Tường Vi- Phòng An ninh chính trị nội bộ- Công an tỉnh- thì không thể nào quên được hình ảnh chiếc đò chòng chềnh lênh đênh trên sông nước mỗi khi về thăm nội.

“Quê nội tôi ở Trà Ôn. Hồi xưa mỗi khi về quê phải đi xe rồi đi đò thì mới tới nhà. Nhưng đó là chuyện của hơn 20 năm về trước chứ giờ thì xe chạy bon bon một mạch là vào tận nhà luôn, dễ đi lắm”- chị Vi nói.

Theo chị thì kể từ khi chị bắt đầu “hiểu chuyện” cho đến hôm nay thì tất cả dường như đổi mới hoàn toàn. Điều dễ nhận thấy là không còn thấy cầu khỉ nữa; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang; đời sống người dân cũng được nâng cao...

Riêng chị thì được đi học đến nơi đến chốn và trở thành đảng viên, nữ công an nhân dân gương mẫu. Với chị, không có gì tự hào hơn khi được phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tuổi 25 của các bạn trẻ được tận hưởng những điều tuyệt vời nhất khi mà quê hương Vĩnh Long đang vững bước trên con đường đổi mới. Hy vọng rằng, không chỉ riêng “thế hệ tuổi 25” ấy mà những công dân trẻ nên có những việc làm cụ thể, thiết thực để cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

  • Bài, ảnh: CẨM HUỆ