Làm việc "xuyên quốc gia"

Cập nhật, 10:12, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, nhiều lao động có chuyên môn đã làm việc “xuyên quốc gia”… Giao tiếp bằng ngoại ngữ- cụ thể tiếng Anh- là yêu cầu hàng đầu khi làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) cho vị trí quản lý, điều hành.

Say mê, thu nhập cao nhưng cũng nhiều áp lực khi khác biệt văn hóa và bất đồng ngôn ngữ. Không ít bạn trẻ “sốc nặng” khi làm việc với người nước ngoài, nhưng lại sẵn sàng “lao tới” những chân trời rộng mở.

Nhân viên Viettel tại Peru chuẩn bị gói bánh chưng đón tết truyền thống.
Nhân viên Viettel tại Peru chuẩn bị gói bánh chưng đón tết truyền thống.

“Stress” ở Peru

Trở về sau hơn 1 năm rưỡi công tác tại Peru, anh Phạm Trọng Ngân- Trưởng Phòng Kinh doanh Viettel Vĩnh Long chia sẻ câu chuyện đầy thú vị, đó là thời gian thử thách rất lớn trong môi trường làm việc mới mẻ!

Nhận nhiệm vụ đi Peru theo kế hoạch của Tập đoàn Viettel, công việc nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh đã là chuyên môn, nhưng thách thức khi khả năng tiếng Anh “tàm tạm” khiến giao tiếp gặp khó, còn người Peru lại dùng thông dụng là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh cũng… không giỏi lắm! Nên để hiểu và làm việc tốt hơn phải học thêm ngoại ngữ, không chỉ “luyện” tiếng Anh mà còn phải học cả tiếng bản địa.

Năm 2014, Viettel đã khai trương mạng di động Bitel tại Peru và Bitel cũng là mạng đầu tiên của Viettel cung cấp dịch vụ di động duy nhất nền tảng là 3G. Với kế hoạch đầu tư rộng khắp đất nước Peru, từ năm 2011, Viettel đã bắt đầu xây dựng mạng lưới cáp quang.

Có những nơi địa hình cao chênh lệch 2.000- 3.000m so với mặt nước biển, thời tiết khắc nghiệt, xuyên rừng Amazon nhiều nguy hiểm… đòi hỏi lao động phải có sự thích ứng rất cao. Trong khi đó, làm việc tại Peru còn phải thích ứng văn hóa bản địa và cả về chính trị. Kinh nghiệm là không nên mang quá nhiều tư trang khi đi ra ngoài để hạn chế tối đa việc trở thành mục tiêu cướp giật.

Làm việc với người sở tại phải rất chú ý lời ăn tiếng nói, lương bổng phải rõ ràng… bởi họ có thể kiện ra Bộ Lao động nước họ vì cho rằng mình không tôn trọng. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm luật pháp nước sở tại, vốn có nhiều thủ tục và quy định phức tạp…

Peru có GDP bình quân đầu người cao gấp 3 lần Việt Nam và việc làm quen, thích nghi một môi trường làm việc xa lạ đòi hỏi phải có thời gian. Riêng anh Ngân cho biết phải mất hơn 3 tháng mới có thể thích nghi được, nhưng cũng có người cả năm trời không dám… ra khỏi cơ quan vì bất đồng ngôn ngữ.

Kinh nghiệm ra đường luôn cần “2 sự trợ giúp”: chiếc smartphone để tra Google và giấy viết trong túi “để lỡ lạc đường thì viết hoặc… vẽ, nhờ người địa phương giúp đỡ”. Đôi khi còn đối mặt cảm giác hụt hẫng, cô đơn, “không quen biết ai, nói không ai hiểu, gặp chuyện gì… chắc chết”- anh Ngân đã từng bi quan, chùn bước: bỏ về hay vượt qua?

Vượt qua thử thách bản thân

Anh Phạm Trọng Ngân chia sẻ, trước khi đi Peru chỉ lui cui trong tỉnh, khu vực miền Tây, nên việc đi ra nước ngoài là thử thách rất lớn đối với bản thân và khi đã vượt qua thì mọi khó khăn khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Có đi xa mới cảm nhận được tính cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và tình yêu quê hương rất lớn, cảm thấy trân trọng yêu thương cha mẹ, gia đình, người thân nhiều hơn.

Đi làm ở quốc gia Nam Mỹ xa xôi này, đối với anh Ngân, khi vượt qua rồi anh học được rất nhiều bài học kinh doanh từ những thương hiệu viễn thông mạnh như Movistar, Claro có thể ứng dụng thực tế tại Vĩnh Long.

Học cách phối hợp làm việc, giao tiếp với người bản địa. Và nhất là vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, “giờ có thể tự tin đi lang thang từ nước này qua nước khác”, nhìn thấy một Peru xinh đẹp với những cô gái quyến rũ, người dân thân thiện và cảnh sát nhiệt tình “họ luôn tận tình chỉ dẫn, giúp mình tới hài lòng mới thôi”- anh Ngân vui vẻ nói.

Nhân viên Viettel tại Peru chuẩn bị gói bánh chưng đón tết truyền thống.

Anh Phạm Trọng Ngân trước địa hình hùng vĩ của đất nước Peru. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Làm việc trong doanh nghiệp FDI phải giỏi tiếng Anh

Công ty TNHH De Heus thành lập chi nhánh và chính thức đi vào hoạt động tại Vĩnh Long từ năm 2011 (Khu công nghiệp Hòa Phú) và đang dần khẳng định vị thế trên thị trường phân phối thức ăn thủy sản.

Vào tháng 3/2015, công ty đã khởi công Nhà máy thức ăn chăn nuôi và Trại thực nghiệm thủy sản tại Mang Thít. De Heus là một trong những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Vĩnh Long hiệu quả. Hơn nữa, với mô hình tổ chức bộ máy áp dụng 80% mô hình công ty mẹ tại Vương quốc Hà Lan, De Heus Vĩnh Long cũng là “địa chỉ” thu hút nguồn nhân lực chất lượng.

Anh Hà Duy Tín- Trưởng Phòng Hành chính- Nhân sự, đầu quân từ khi De Heus Vĩnh Long bắt đầu hoạt động, cho biết làm việc quan trọng nhất là tiếng Anh, vi tính văn phòng. Vì thường xuyên tiếp xúc các chuyên gia nước ngoài nên cần tiếng Anh để giao tiếp, trao đổi. “Nếu có chuyên môn tốt, mà tiếng Anh yếu thì công việc cũng khó đạt hiệu quả cao”- anh đúc kết.

Theo anh Tín, trong môi trường làm việc De Heus, luôn tạo sự thoải mái, hứng thú nên chỉ làm hết việc chứ không hết thời gian, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển đi đôi sự phát triển công ty.

Ví công việc hành chính nhân sự là “làm dâu trăm họ” nên anh Tín “phải bố trí đúng người đúng việc. Trong tuyển dụng ngoài các tiêu chuẩn chung, công ty luôn quan tâm lao động có hứng thú trong công việc hay không, để họ sáng tạo và làm việc hiệu quả. Chú trọng đào tạo nhân viên giúp họ nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nắm bắt nguyện vọng của họ có muốn vươn tới vị trí cao hơn?

Còn phải tìm hiểu, xác định mức độ hài lòng trong công việc của nhân viên, lương bổng có sống được không, đến các chế độ đãi ngộ, phúc lợi đầy đủ… Vì thế, khi cấp trên giao nhiệm vụ phải biết phân loại, công việc quan trọng giải quyết trước”.

Làm việc trong doanh nghiệp FDI nhiều áp lực, nhưng anh Tín chia sẻ, ngoài một số bộ phận sản xuất phải đúng giờ, làm việc văn phòng có thể linh hoạt “đi trễ về trễ”, giúp các nhân viên chủ động sắp xếp việc gia đình hài hòa với việc công ty.

Hơn 4 năm làm việc tại De Heus, anh Tín đã thích nghi trong môi trường doanh nghiệp FDI, làm quen các kỹ năng làm việc theo nhóm, độc lập. Nhất là “người Hà Lan tác phong làm việc nghiêm chỉnh rất tập trung, còn khi giải trí thì thoải mái, hết mình”- chàng trai 8x bảo rằng anh học tập họ rất nhiều. Và anh “không thấy mình mất tự tin khi làm việc với họ. Đâu quan trọng mình cao hay thấp, mà quan trọng là ở cái đầu biết làm việc. Rất nhiều người Việt “nhỏ con” nhưng người nước ngoài phải nể khả năng làm việc, chuyên môn của họ”.

Nhìn công việc chứ đừng nhìn lương bổng

Theo anh Hà Duy Tín, bắt đầu làm việc, đừng quan tâm lương bổng mà hãy coi trọng chất lượng công ty, có giúp mình phát triển chuyên môn, sự nghiệp. Vì doanh nghiệp FDI họ luôn quan tâm mức lương đảm bảo đời sống cho người lao động đến từng hoàn cảnh: độc thân, có gia đình, con cái… Mức thu nhập ban đầu có thể sống được, nhưng khi hòa nhập với công ty, chế độ sẽ thay đổi, làm được việc thì thu nhập cũng “khó nói lắm”.

 

 

TRẦN PHƯỚC