Cỏ trên đồi

Cập nhật, 07:36, Thứ Hai, 24/07/2017 (GMT+7)

 

Trảng cỏ trên đồi chiều thảo nguyên.
Trảng cỏ trên đồi chiều thảo nguyên.

Chỉ đơn giản là chúng tôi đi tìm trảng cỏ. Và cuối cùng cũng đến bên vùng cỏ ở trên đồi. Ấy là trong một chiều nhập nhoạng vùng thảo nguyên.

Trên đường từ Quốc lộ 14 đi Tây Nguyên, chúng tôi rẽ phải, rồi đi giữa rừng điều là điều. Vượt qua tầm 30 cây số con đường đang làm và mưa nên lầy lội, đoàn xe của những người khách miền Tây theo bạn dẫn đường cũng đã đến được trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Làm nghề xê dịch, hóng tai căng mắt nên với chúng tôi, đến với đồi cỏ hoang sơ vùng thảo nguyên có thể coi là trải nghiệm thỏa lòng.

Đặc sản của núi rừng Tây Nguyên- rau nhíp xào mỡ, rau nhíp canh thụt, vài ống cơm lam, thêm mấy đĩa thịt heo rừng của người dân tộc S’Tiêng, rồi thì đưa cay làm chúng tôi chếnh choáng. Không sao, tự nhủ với lòng vậy càng thêm phong vị.

Y như quy chuẩn, chỉ cao bằng một gang tay, cứ thế cỏ trên đồi hết sinh sôi rồi úa tàn và quay vòng theo mùa năm tháng. Bù Lạch là đây. Đồi cỏ. Hồ nước. Từ vạt cỏ trên đồi cạnh mép nước, nhìn về phía xa là cánh rừng nguyên sinh. Nắng vàng vọt cuối ngày trải dài trên đồi càng tăng thêm vẻ hoang sơ vùng cỏ. Trước thiên nhiên, hẳn ai cũng thấy mình bé nhỏ. Nào chi cần hùng vĩ bao la, khi chỉ cần một chút hoang dã, có bạn đường thốt lên “như vậy đã sướng rồi”.

Ngang chừng 3 gang tay, lối đi màu đất đỏ Bazan ấy loằng ngoằng nối dài mãi vắt ngang cả vạt đồi. Nghĩ là chẳng ai bảo ai phải đi đường này, lối kia, chỉ là do người làng đi mãi rồi thành đường vậy. Mấy con bò còn thong dong “đợi” chủ đến dắt về. Chốc chốc một xe đi rẫy đi rừng chầm chậm thả về thôn. Giản đơn như sự sống hàng ngày ở vùng còn sâu, xa với thị thành như nơi đây vốn vậy, nhưng đập vào đôi mắt phương xa là sự thích thú đến ngỡ ngàng.

Nhớ lại câu “dẫn đường” của chị bạn trước chuyến đi, chúng tôi quan sát được bảng quy hoạch vùng Bù Lạch và đồi cỏ thảo nguyên này. Được biết nơi đây sau này sẽ hình thành khu du lịch sinh thái và có dự án phim trường. Đầu tư, xây dựng làm phong phú thêm du lịch địa phương với du khách, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân vùng còn xa xôi là chuyện rất đáng mừng.

Nhưng lại có cảm giác khi vẻ hoang sơ đi vào khuôn khổ thì cảm xúc của khách phương xa mai này lên đồi cỏ có khi không còn thong dong trong trời chiều. Đó là tơ tưởng của kẻ lữ hành. Đêm kéo về đen kịt ở phía rừng xa. Cỏ trên đồi lẫn vào thinh không lặng gió.

Những cái bắt tay thân tình, bạn hẹn dịp hàn huyên “nơi mênh mang sông nước miền Tây” quê mình. Ai cũng vậy thôi, cũng muốn sắm vai lữ hành mê mải tìm trải nghiệm nơi vùng đất mới. Giống như những người khách phương xa ấy, chiều nay hoang hoải bên cỏ trên đồi...

 

Trảng cỏ Bù Lạch được phát âm chệch từ tiếng địa phương của người M’Nông. Đồi cỏ là một cụm gần 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau với diện tích khoảng 500ha, thuộc Thôn 7, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

 

Sinh sống quanh trảng cỏ là bà con người dân tộc M’Nông, S’Tiêng, Mạ. Cùng hồ nước rộng lớn, rồi bao quanh là những khu rừng nguyên sinh, trảng cỏ Bù Lạch được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hoang sơ lẫn diệu kỳ. 

 

 

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN