Dáng Mẹ hòa vào "hình của nước"

Cập nhật, 08:00, Thứ Bảy, 22/07/2017 (GMT+7)

 

Mẹ Sáu vui cùng con cháu.
Mẹ Sáu vui cùng con cháu.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh mẹ như những ánh sáng soi đường vẫn còn đó trong trái tim mỗi chúng ta. Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng chồng, con và cả cuộc đời cho cách mạng.

Có những nỗi đau tưởng chừng như quá lớn nhưng cứu nước là động lực để mẹ tiễn tiếp con đi. Và còn đó, những người mẹ vừa là chiến sĩ chiến đấu và nuôi con, nuôi bộ đội.

Những câu chuyện đời mang dáng hình của mẹ, chúng con xin gom góp nâng niu và ghi nhớ mãi, cho hôm nay và cho cả mai sau.

Kỳ 1: “3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ”

Chúng tôi về thăm mẹ Trần Thị Sáu (Ấp 8, xã Mỹ Lộc- Tam Bình) vào một ngày mưa tháng 7. Trên bàn thờ có tấm bằng Tổ quốc ghi công còn nghi ngút khói hương, chúng tôi kính cẩn thắp nén hương tưởng nhớ. Mẹ Sáu ngồi gần đó, móm mém nhai trầu, nhớ về một thời gian khó đã qua, về 3 lần mẹ tiễn chồng, tiễn con đi… và 2 lần khóc thầm lặng lẽ.

Tin tưởng vào cách mạng

Đây là lần thứ hai chúng tôi đến thăm mẹ Sáu, lần trước cách đây đã 3 năm, những câu chuyện chóng vánh mẹ kể lần ấy đã thôi thúc chuyến đi này.

Mẹ Sáu vẫn ngồi bên hiên nhà, chậm rãi nhai trầu. Bước vào tuổi 86, nếp nhăn trên gương mặt mẹ cũng nhiều hơn và thân hình gầy gò hơn. Duy chỉ có những câu chuyện chiến tranh, chuyện về chồng, về con, về vùng đất anh hùng này vẫn còn đau đáu trong lòng mẹ.

Chồng mẹ Sáu là liệt sĩ Huỳnh Văn Biểu tham gia kháng chiến chống Pháp. Rồi các con trai lớn lên, cứ 17 tuổi là tham gia cách mạng. Mẹ Sáu nói: “Chồng đi, tui không cản, sao tui nỡ cản con? Mà nói nào ngay, làm cách mạng mà, sao nỡ cản!”

Bởi, mẹ thương chồng, đi theo lý tưởng của chồng, tin tưởng vào cách mạng nhưng chồng con hy sinh thì sao tránh khỏi đau lòng?

Năm 1970, trên đường đi công tác, chồng mẹ Sáu bị giặc bắn hy sinh cũng trên vùng đất Cái Ngang này. Mẹ Sáu hay tin, tay chân rụng rời, bước đi không nổi vẫn cố nén nước mắt ra nhìn mặt chồng lần cuối. “Nhìn mặt chứ không dám khóc, không dám nhận vì sợ lính bắt”.

Chồng chết để lại cho mẹ Sáu 7 người con, người nhỏ nhất mới chập chững biết đi. Người con trai thứ ba mới 17 tuổi đã đi bộ đội, sau giải phóng lại tham gia chiến trường K.

Anh là thương binh Huỳnh Văn Lợi. Người con trai thứ tư (liệt sĩ Huỳnh Văn Lộc) vừa 16 tuổi đã vào du kích xã. Mẹ Sáu run run: “Thằng Tư xin đi, tui nói mày còn nhỏ quá đợi thủng thẳng, vậy mà nó cũng trốn đi”.

Và đó cũng là lần cuối cùng mẹ Sáu gặp con, vì hơn một năm sau, năm 1973 thì con mẹ- Huỳnh Văn Lộc trúng bom hy sinh. “Chỉ huy nó nói, hôm qua nó mới diệt 2 tên lính”- mẹ Sáu kể. Con chết, mẹ như đứt từng khúc ruột “đôi lúc tui nghĩ quẫn muốn liều mạng với giặc nhưng nghĩ lại còn mấy đứa nhỏ,
ai nuôi?”

Nỗi đau như chất chồng hơn khi ngôi mộ con trai chôn ở Nghĩa trang Cầu Đúc bị bom bừa, tan nát. Mẹ Sáu nghẹn ngào: “Con tui như chết 2 lần, tới nay cũng không có nắm tro cốt để thờ”.

Chồng và con hy sinh nhưng những người con lớn lên mẹ vẫn cho theo cách mạng “Thằng thứ 5 mới 14 tuổi đã biết đi rải truyền đơn”- mẹ nói tiếp.

Mẹ Sáu làm dân vận

Ở vùng đất Cái Ngang này, hơn 40 năm trước đây loe hoe chỉ có mấy cái nhà. Mỗi nhà như một cái chòi, nằm thoi loi giữa đồng. Mẹ Sáu đã tiếp tế cho bộ đội, vận động lính ngụy đầu hàng và làm hơn 30 công lúa nuôi con.

Nhà mẹ Sáu đối diện đồn Rạch Rổ, thường ngày tiếp xúc mẹ biết, lính cũng có người dữ, người hiền nên tìm cách làm quen. Mẹ nói: “Nhiều người cũng vì bị bắt mới đi lính chứ họ không tự nguyện, có người hiền như cục đất”.

Mẹ thường mua rượu hoặc nấu chè trôi nước mời họ, lâu dần mẹ hiểu tính nết rồi lựa lời khuyên lơn “Mấy chú ơi, mấy chú có làm gì thì làm nhẹ nhẹ thôi, mấy chú làm dữ quá tới hòa bình là mấy chú mệt,…” Tùy theo đối tượng và tùy theo mức độ thân thiết mà khuyên. Mẹ còn xin được lựu đạn, quần áo cho cách mạng.

Ngày giải phóng miền Nam, đồn Rạch Rổ im phăng phắc không có tiếng súng. Mẹ Sáu kể: “Trước đó mấy ngày, thấy lính tráng nản hết, tui mới khuyên họ bỏ đi. Vậy là họ khăn gói đi. Trước khi giải tán, tui còn nấu một nồi chè trôi nước đãi họ”.

Mẹ nói “được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, tui mừng lắm”.
Mẹ nói “được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, tui mừng lắm”.

Cũng nhờ quen biết với lính nên những lần đi tiếp tế cho cách mạng của mẹ đều trót lọt. Duy nhất một lần mẹ bị bắt lên đồn, thì cũng nhờ những người lính quen làm chứng cho “bà này hiền lắm, không dám nuôi Việt cộng đâu”.

Mẹ cười chỉ tay ra phía lộ “hồi đó toàn lau sậy, vùng này có mấy cái nhà mà thương bộ đội vô cùng, hễ nghe có bộ đội về là gom góp đồ ăn, thức uống,… ai cũng hết lòng”.

Không chỉ là người góp sức, góp công cho cách mạng. Mẹ Sáu còn là mẹ của các con thơ, trụ cột gia đình.

Đôi bàn tay gầy gò, nhăn nheo vẫn còn những vết thẹo do lao động tảo tần. Mẹ nói: “Hồi đó, bom bừa xóm này tối ngày ít ai dám ở. Họ bỏ đi, tui mượn ruộng mần đỡ tới 38 công”. Những vất vả khó khăn ấy đã qua, mẹ Sáu không còn nhớ rõ chỉ biết “hòa bình phát triển phát ham”.

Mẹ Sáu nói: “Tui mê câu nói trên Đài Hà Nội ngày giải phóng nên còn nhớ đến giờ: “hòa bình thì thành thị cũng như nông thôn, nông thôn cũng như thành thị”. Mà đúng thật, gần được vậy rồi!”

Ánh mắt mẹ Sáu long lanh khi kể chuyện, sáng lên một ánh sáng tự hào. Chúng tôi như trôi miên man theo dòng ký ức với những câu chuyện đời mẹ kể và càng thấm thía hơn cái giá của một buổi chiều yên bình ở miền quê như ngày hôm nay.

Trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hơn 16.000 người con của quê hương Vĩnh Long đã ngã xuống trên các chiến trường, hàng ngàn người suốt đời phải mang theo thương tật do chiến tranh. Toàn tỉnh có 2.838 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó, chỉ còn sống hơn 200 mẹ.

>> Kỳ 2: Miền ký ức bi hùng của Mẹ

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN