Trái dừa "an khang thịnh vượng"

Cập nhật, 08:38, Thứ Hai, 23/01/2017 (GMT+7)

Gắn bó với dừa từ thuở nhỏ cùng với những tháng ngày đi hái dừa thuê, từ lâu chàng trai “xứ dừa” đã ấp ủ dự định làm sao nâng cao giá trị trái dừa quê mình.

Khi thấy nông dân tạo hình dưa hấu, bưởi thành công anh cũng bắt đầu thử nghiệm in chữ thư pháp cho trái dừa.

Mặc dù hàng chục lần thất bại lại không được gia đình ủng hộ nhưng anh vẫn quyết tâm in chữ nghệ thuật cho dừa... Đó là câu chuyện của anh Huỳnh Văn Tâm ở xã Phú Nhơn (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành- Bến Tre).

Anh Tâm sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên đến tham quan, học hỏi.
Anh Tâm sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên đến tham quan, học hỏi.

Khởi đầu thất bại

Về Bến Tre những ngày này không khí mùa xuân tràn ngập, rộn ràng. Người người, nhà nhà đều tất bật chăm sóc hoa kiểng, sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón năm mới. Dù bộn bề công việc cuối năm, nhưng anh Tâm vẫn dành thời gian tiếp chuyện với chúng tôi. Vừa trò chuyện, anh Tâm vừa… hái dừa để kịp giao đơn hàng chiều nay.

Trái dừa hái xuống được anh cẩn thận tháo khung rồi dùng vải mềm lau, bao bọc tỉ mỉ. Cầm trái dừa có chữ “Xuân bình an”, anh khoe: “Dừa sau khi khắc chữ nhìn đẹp, bắt mắt hơn. Nhưng để được sản phẩm độc đáo như vầy là cả quá trình đó nghe”.

Rồi anh kể: Mấy năm trước xem ti vi tình cờ thấy nông dân tạo hình cho bưởi, dưa hấu vuông bán giá khá cao nên anh có ý định làm thử. Lúc đó, anh đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh nên việc khắc chữ cho dừa không dễ dàng chút nào.

“Suốt năm 2014, cứ 3 giờ sáng ngày chủ nhật là tôi bắt xe khách từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre thử nghiệm đặt khuôn chữ vô trái dừa. Chiều tối lại bắt xe lên để chuẩn bị cho tuần làm việc mới. Vất vả lắm.”- anh nhớ lại.

Lúc đầu anh dùng lon sữa bò, lồng chữ bằng dây đồng úp vào trái dừa non. Một tháng sau, trái dừa lớn phình ra, trên da có chữ nhưng chữ không nổi, nét bị cong.

Anh điều chỉnh lại khuôn in nhưng vẫn thất bại. Những trái dừa đặt khuôn in chữ không thành, da không láng đẹp như những trái dừa bình thường khác, bị thương lái chê, không bán được khiến gia đình la rầy vì: phá hư dừa hết.

Có lúc anh nản chí định buông bỏ ý tưởng, nhưng nghĩ lại mình đã mất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền của thì không thể bỏ ngang được. Và anh nghĩ: người ta tạo hình trái dưa, trái bưởi được, trái dừa tại sao không?

Vậy là anh lại bền bỉ thử nghiệm. Lúc này anh tự chế tạo khuôn rồi canh thời gian phát triển của trái dừa. Cũng mất hơn một năm “làm đi làm lại”, cuối cùng anh đã thành công. Tết 2015, anh in được chữ “Tài lộc”, “An khang” lên trái dừa và vui sướng được chưng trên mâm ngũ quả.

Dự án Dừa Phú Quý Bến Tre

Đến Tết 2016, anh “trình làng” 300 trái dừa “Tài lộc” rất đẹp và được thị trường chấp nhận mua với giá 300.000 đ/ trái. Anh cho hay, để có được những sản phẩm này, anh đã bỏ ra hàng chục triệu đồng tiền dành dụm để đầu tư và mấy chục lần thử nghiệm thất bại.

Theo kinh nghiệm của anh thì phải lựa dừa trơn bóng, không sẹo vết và trái từ 4- 4,5 tháng mới lắp khuôn. Khoảng gần 1 tháng sau, dừa lớn chữ đã thành hình thì có thể xuất bán. Nhờ in chữ nên đã nâng giá trị quả dừa lên gấp hơn hàng chục lần so với trái bình thường.

Từ thành công đó, anh nghỉ hẳn việc ở TP Hồ Chí Minh để bắt tay vào việc in chữ, tạo hình cho trái dừa. Anh chia sẻ: “Tôi bỏ việc làm ổn định thu nhập hơn chục triệu đồng để về quê, ban đầu cũng thấy tiếc nhưng không hối hận vì đeo đuổi theo niềm đam mê của mình”.

Không dừng lại ở in chữ “Tài lộc”, anh còn thử tạo hình dừa hồ lô, dừa bánh tét và nhận in tên riêng cho khách hàng. Theo anh, in chữ trên trái dừa đã khó, tạo hình dừa hồ lô lại càng khó hơn.

Vì trái dừa có xơ và da cứng, phải nắm bắt được thời gian sinh trưởng, đòi hỏi phải kỹ lưỡng từng chi tiết nên làm vô cùng gian nan. Và cũng hơn chục lần thất bại, anh mới tạo được dừa hồ lô in chữ “Tài lộc”. Tuy vậy, tỷ lệ thành công chỉ đạt 40% mà thôi.

Vừa phụ trách khâu sản xuất lại vừa lo quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường nên công việc khá bận rộn. Dù vậy, anh vẫn vui năm nay là tết thứ hai sản phẩm dừa Phú Quý Bến Tre đến với mọi miền đất nước.

“Dừa in chữ rất đẹp, độc lạ. Sản phẩm chưng được lâu mà vẫn giữ được độ ngon tinh khiết của nước dừa. Công nhận anh Tâm sáng tạo, dám nghĩ dám làm.”- anh Lê Thái Nguyên ở thị trấn Chợ Lách nhận xét.

Trái dừa được anh Tâm in chữ Vạn sự an lành.
Trái dừa được anh Tâm in chữ Vạn sự an lành.

Xuân Đinh Dậu này, anh tung ra thị trường tết với khoảng 2.000 quả dừa in chữ nghệ thuật, dừa hồ lô để chưng mâm ngũ quả có tên như: An khang thịnh vượng, Vạn sự như ý, Xuân bình an...

Thế nhưng, theo anh với lượng đó “cung vẫn không đủ cầu”. “Nếu thanh niên nào thích ý tưởng này, có thể cùng làm với tôi để cùng nhau nâng cao giá trị sản vật quê nhà”- anh Tâm nói.

Anh Tâm chọn những trái dừa đẹp để tạo hình, in chữ.
Anh Tâm chọn những trái dừa đẹp để tạo hình, in chữ.

Ý tưởng dừa in chữ, tạo hình của anh Tâm đã được xây dựng thành dự án thanh niên khởi nghiệp Dừa Phú Quý Bến Tre.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Bến Tre- Lâm Như Quỳnh, trong khi hỗ trợ cho dự án này, Tỉnh Đoàn đồng thời hướng đến việc nhân rộng mô hình động viên thanh niên tiếp tục phát huy ý tưởng sáng tạo, khuyến khích tinh thần lập thân lập nghiệp.

Trên thị trường, trái cây tạo hình không phải là sản phẩm mới nhưng ý tưởng sáng tạo làm nên sự khác biệt cho trái dừa Bến Tre thật sự là một việc làm ý nghĩa. Bởi nó được làm nên từ khối óc sáng tạo của đôi bàn tay yêu lao động chàng thanh niên 8X này.

  • ™Bài, ảnh: PHƯƠNG VY