Hành trình mùa xuân trên biển, đảo Tây Nam

Kỳ 2: 12 giờ trên đảo Thổ Chu

Cập nhật, 05:23, Thứ Ba, 17/01/2017 (GMT+7)

Bến cảng Thổ Chu đón chúng tôi, lúc rạng sáng mây xám xịt nhưng rồi mặt trời cũng đã lên rực rỡ trên xã đảo soi tỏ nhịp sống miền biển thanh bình mà sôi động. Soi tỏ cả những ký ức buồn còn chưa nguôi ngoai…

Hai chiến sĩ trẻ đảo Thổ Chu đùa vui với em bé trên đường công tác.
Hai chiến sĩ trẻ đảo Thổ Chu đùa vui với em bé trên đường công tác.

Hòn đảo bị bắt cóc

Chúng tôi được giới thiệu vài nét: Thổ Châu là xã biên giới hải đảo nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, tổng diện tích tự nhiên 1.398,04ha, gồm có 8 hòn đảo.

Ấp Bãi Ngự là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của xã, cách thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) 110km, cách TP Rạch Giá 220km. Dân số 1.909 người với 621 hộ, xã Thổ Châu có 1 ấp với 8 tổ nhân dân tự quản.

Nhân dân trên đảo sinh sống chủ yếu là: đánh bắt hải sản xung quanh đảo, nuôi trồng thủy sản (hàng năm chuyển bãi theo mùa); kinh doanh, sản xuất, sơ chế mực, cá cơm khô;...

Theo người dân trên đảo, tên các hòn trong quần đảo Thổ Chu được gọi theo những đặc điểm rất riêng như: hòn Từ là hòn có nhiều khoai từ, hòn Nhạn có nhiều chim nhạn,...

Riêng Thổ Chu là hòn đảo có nhiều đất đỏ và đại diện cho cả quần đảo này. Khi đứng trên ngọn hải đăng- Trạm Ra đa 610, anh Văn Mạnh- phụ trách trạm đèn chỉ chúng tôi quan sát từng điểm đảo: Hòn Cao Cát có bãi cát rất đẹp, hồi đó hòn Từ nhiều khoai từ lắm, còn hòn Khô chỉ là chỏm đá chơ vơ…

Đường lên trạm ra đa còn gồ ghề nhưng xe 4 bánh chạy ngon lành, băng giữa khu rừng rất nhiều cây cổ thụ.

Theo Thượng tá Dương Đức Mười- Trung đoàn trưởng Trung đoàn 512, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Thổ Châu đã làm “cuộc cách mạng” giữ rừng, vì: “Trước đây, khi người dân lấy cây khô làm củi đã đốn luôn cây xanh. Nên từ năm 2016, chúng tôi kiên quyết bằng mọi cách bộ đội phải làm gương, không lấy củi rừng để làm chất đốt. Giữ rừng, giữ nguồn nước là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Thổ Chu vốn là vùng đảo hiền hòa, trù phú, là nơi của những người Việt từ khắp nơi tìm về kiếm kế sinh nhai, nhưng ôm trong lòng nó một ký ức đau buồn, đó là sự kiện năm 1975 trên 500 đồng bào xã đảo bị Khmer Đỏ bắt cóc và đưa đi biệt tăm.

Chuyện được Thượng tá Dương Đức Mười thuật lại: Ngày 10/5/1975, Khmer đỏ đã đưa 1 tiểu đoàn tăng cường lên đánh chiếm đảo Thổ Chu và bắt cóc hơn 500 người dân sinh sống trên đảo đưa lên tàu rồi chở về Campuchia. Chỉ có 1 gia đình ông may mắn thoát chết.

Theo tài liệu của Trung đoàn 512 cung cấp, sau này khi truy đuổi bọn Khmer Đỏ tới hòn Ông, hòn Bà (thuộc Campuchia) có người đã tìm thấy chứng minh thư của nhiều người dân Thổ Chu đựng trong thùng đạn. Và họ nghe kể rằng, Khmer Đỏ đã giết hại tất cả thường dân Việt Nam.

Từ năm 2011, Đền Thổ Châu được xây dựng là nơi tưởng niệm 500 đồng bào bị bắt cóc và sát hại, các chiến sĩ mất mát, hy sinh trong trận chiến giải phóng đảo và ở đó đặc biệt là gian chính điện trang nghiêm thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Đỗ Văn Dừng- Chủ tịch UBND xã Thổ Châu- bảo rằng ngôi đền đã trở thành địa chỉ tâm linh của xã đảo. Qua đó, giáo dục con cháu truyền thống của ông cha nối tiếp ra khơi đánh bắt cá, góp phần giữ vùng trời, giữ vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Đánh bắt thủy sản trên vùng biển Tây Nam là nghề truyền thống của ngư dân xã đảo Thổ Châu.
Đánh bắt thủy sản trên vùng biển Tây Nam là nghề truyền thống của ngư dân xã đảo Thổ Châu.

Xã đảo hướng tới nông thôn mới

Ông Đỗ Văn Dừng hồ hởi nói với nhà báo: “Hiện nay, đời sống bà con trên xã đảo đã được cải thiện rất nhiều. Điều kiện chăm sóc y tế đã có bác sĩ tay nghề cao, điều trị nhiều ca khó tại chỗ như mổ ruột thừa, hộ sản… mà trong điều kiện sóng to gió lớn không thể chuyển đi được.

Bà con rất chí thú làm ăn, ngoài đánh bắt hải sản, còn phát triển hậu cần nghề cá, nuôi cá mú, ốc, đuối, bớp… Còn nữa, Thổ Chu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với những bãi biển đẹp hoang sơ, rừng nguyên sinh và nguồn thực phẩm hải sản tươi sống dồi dào.

Đánh bắt thủy sản trên vùng biển Tây Nam là nghề truyền thống của ngư dân xã đảo Thổ Châu.

Người dân xã đảo phơi cá khô trên mái nhà.

Trong khi đó, giao thông trên đảo đã có đường bê tông, đá cấp phối giúp thuận tiện cho việc đi lại… Đây là điều kiện để xã hướng tới nông thôn mới”.

Thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã đảo Thổ Châu đã đạt 10/19 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành các tiêu chí còn lại. Cùng Đề án nâng xã Thổ Châu lên thành huyện đang được dựng, cơ sở hạ tầng sẽ hoàn thiện hơn và đáp ứng cho nhu cầu phát triển của huyện đảo tương lai.

Ở Thổ Chu, chúng tôi bắt gặp rất nhiều nụ cười của các em nhỏ tung tăng đến trường và nhịp sống xã đảo miền biển không khác xa so với xã đất liền.

Khu chợ xã đa dạng hàng hóa thực phẩm, rau củ, trái cây từ đất liền chở ra, tuy có đắt hơn. Các quán cà phê nhạc, phim xập xình “Wifi free” thoải mái giúp các phóng viên gửi hình ảnh, tin bài thời sự. Hình ảnh thanh niên xã đảo ngồi cà phê cầm điện thoại lướt mạng, chơi facebook không còn xa lạ.

Đó là những dấu hiệu mùa xuân đã và đang đến trên xã đảo. Tàu chúng tôi rời đảo lúc màn đêm buông xuống, Bãi Ngự như một thành phố về đêm lấp lánh chiếu rọi mặt biển từ hàng trăm ánh đèn tàu thuyền đánh cá. Dự báo hải trình tới hòn Khoai đi trong sóng to, gió lớn!

 

Quần đảo Thổ Chu có 8 hòn đảo lớn nhỏ: Thổ Chu, hòn Từ, hòn Cao Cát, hòn Nhạn, hòn Khô, hòn Xanh, hòn Cái Bàn, hòn Đá Bạc thuộc huyện Phú Quốc (Kiên Giang), diện tích quần đảo khoảng 16,4km2, riêng đảo Thổ Chu khoảng 14km2.

 

>> Kỳ sau: Lên rừng xuống biển ở hòn Khoai, Nam Du

  • ™Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- DƯƠNG THU