Tìm hiểu Nghị định số 132/2015/NĐ-CP (tt)

Cập nhật, 08:11, Thứ Tư, 14/12/2016 (GMT+7)

Nghị định số 132/2015/NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2016.

Nghị định mới có một số hành vi xử phạt vi phạm hành chính tăng nặng và bổ sung một số hành vi xử phạt so với Nghị định số 93/2013/NĐ- CP ngày 20/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

Sau đây, trang An toàn giao thông- Báo Vĩnh Long lần lượt trích những điểm cần lưu ý để bạn đọc tìm hiểu.

 

Mục 1. Vi phạm quy định về xây dựng, bảo vệ và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

Điều 5. Vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000- 200.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đổ rác hoặc rơm, rạ xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa;

b) Buộc động vật vào báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

2. Phạt tiền từ 200.000- 300.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trồng cây, để đồ vật, dựng lều quán hoặc có hành vi khác làm hạn chế tác dụng của báo hiệu đường thủy nội địa hoặc làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện;

b) Buộc phương tiện vào báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

3. Phạt tiền từ 300.000- 500.000đ đối với hành vi để đồ vật, tre, gỗ trôi tự do trong phạm vi luồng.

4. Phạt tiền từ 500.000- 1.000.000đ đối với hành vi để bùn, đất, cát, sỏi hoặc chất thải khác rơi, trôi xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

5. Phạt tiền từ 1.000.000- 3.000.000đ đối với một trong các hành vi tự ý dịch chuyển báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc, mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng hoặc có hành vi khác làm mất tác dụng của báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc, mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

6. Phạt tiền từ 3.000.000- 5.000.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý tháo dỡ cấu kiện hoặc lấy đất, đá của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

b) Đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác không đúng quy định xuống luồng, trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng hoặc vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

7. Phạt tiền từ 5.000.000- 10.000.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Làm sạt lở kè, đập
giao thông;

b) Để phương tiện đâm, va vào công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hoặc công trình khác trên đường thủy nội địa làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình hoặc gây cản trở giao thông;

c) Dựng nhà, làm nhà nổi, xây dựng công trình không đúng quy định theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng hoặc trong phạm vi bảo vệ công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

8. Phạt tiền từ 20.000.000- 30.000.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dựng nhà, làm nhà nổi, xây dựng công trình khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng hoặc phạm vi bảo vệ công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

b) Xây dựng công trình trong phạm vi luồng không đúng quy định theo giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

9. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác, nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm, cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 40.000.000- 45.000.000đ đối với hành vi khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng không đúng quy định theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên;

b) Phạt tiền từ 45.000.000- 50.000.000đ đối với hành vi khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên;

c) Phạt tiền từ 50.000.000- 55.000.000đ đối với hành vi khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong luồng không đúng quy định theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên hoặc nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm mà không đúng với văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa;

d) Phạt tiền từ 55.000.000- 60.000.000đ đối với hành vi khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi luồng mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên hoặc nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy
nội địa;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000- 65.000.000đ đối với hành vi khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa.

10. Phạt tiền từ 65.000.000- 75.000.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng công trình trong phạm vi luồng khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Cố ý tạo vật chướng ngại trên luồng gây cản trở giao thông;

c) Sử dụng chất nổ làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hoặc công trình khác trên đường thủy nội địa.

11. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, c khoản 9 điều này;

b) Tịch thu phương tiện, thiết bị được sử dụng để trực tiếp khai thác cát sỏi hoặc khoáng sản khác đối với vi phạm quy định tại điểm b, d, đ khoản 9 điều này.