Mua tài liệu chống dịch... bắt buộc

Cập nhật, 15:03, Thứ Ba, 22/09/2020 (GMT+7)

Đang ngồi xem lại các tài liệu để chuẩn bị tiếp đoàn kiểm tra phòng chống dịch COVID-19, cô Lan (nhân viên y tế của một trường THCS thuộc địa bàn huyện Tam Bình) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ của một người đàn ông. Người này tự xưng tên Đăng, là “cán bộ tuyên truyền phòng chống dịch của Bộ Y tế”.

Sau vài câu thăm hỏi xã giao, Đăng nói “Bộ Y tế” đang có chủ trương yêu cầu các đơn vị y tế mua bộ tài liệu phòng chống dịch để tuyên truyền cho cán bộ, công nhân, viên chức ở địa phương. Nghe cuộc gọi của người tự xưng là cán bộ cấp bộ, cô Lan lấy làm bất ngờ và tin tưởng vào sự hướng dẫn của người đàn ông lạ.

Sau khi định thần, cô Lan liền hỏi:

- Dạ, anh cho em hỏi giá của bộ tài liệu ấy bao nhiêu ạ?

Người đàn ông tên Đăng đáp:

- Mỗi bộ 600.000đ. Ngành y tế đang có kế hoạch kiểm tra các cơ quan. Nếu không có tài liệu đó thì họ sẽ đánh giá thấp về công tác chống dịch ở đơn vị mình.

Niềm tin của cô Lan về người đàn ông đó như được củng cố bởi chỉ vài ngày nữa là trường sẽ đón đoàn kiểm tra của ngành y tế về công tác phòng chống dịch. Không cần thời gian suy nghĩ, cô Lan đồng ý mua và hỏi về cách thức nhận tài liệu và thủ tục chuyển tiền.

Người đàn ông đưa ngay số tài khoản và bảo:

- Cô gửi tiền vào tài khoản này, chúng tôi sẽ chuyển phát nhanh tài liệu, trong vòng 24 giờ trường sẽ nhận được.

Khi chốt xong mọi việc, người đàn ông cúp máy và không quên hối thúc cô Lan nên chuyển tiền gấp để bộ gửi tài liệu về. Do không có sẵn tiền nên cô Lan mang câu chuyện mình liên lạc qua điện thoại để bàn bạc với thủ trưởng cơ quan. Để xác tín lại sự việc, lãnh đạo nhà trường yêu cầu cô Lan gọi lại người đàn ông để cung cấp thêm một số thông tin trước khi xuất kinh phí.

Thế nhưng khi gọi vào số điện thoại đó thì không thấy người đàn ông tên Đăng nghe máy mà chỉ nghe tín hiệu “thuê bao không liên lạc được”. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, cô Lan gọi ngay cho Phòng Y tế địa phương thì được biết, Bộ Y tế không có chủ trương bán tài liệu cho các cơ quan, đặc biệt là trường học.

Nhớ lại sự việc, cô Lan cho biết rằng, mình hoàn toàn tin tưởng về cuộc nói chuyện với người đàn ông lừa đảo tự xưng là Đăng. Lý do cô không chuyển tiền ngay cho Đăng là vì cô phải bàn với lãnh đạo để thực hiện thủ tục xuất kinh phí. May mắn là sau đó, mọi chuyện được phát hiện và người đàn ông tên Đăng thực chất là kẻ giả mạo, liên lạc với cô Lan với mục đích là lừa đảo kiếm tiền.

Hình thức lừa đảo chuyển tiền nói trên tuy không mới nhưng rất nhiều người đã trở thành nạn nhân bởi cách thức mà bọn chúng thực hiện thủ đoạn là quá tinh vi, đánh vào những cơ sở chuẩn bị có đoàn kiểm tra để dụ dỗ “con mồi” sa vào bẫy.

Mọi người nên chú ý đề cao cảnh giác khi nhận được thông tin yêu cầu chuyển tiền, nhất là khi vấn đề được liên hệ trực tiếp qua điện thoại. Tốt nhất nên bàn bạc với nhiều người để có cái nhìn sáng suốt, tránh hành động một mình theo yêu cầu của người lạ có thể bị mất tiền oan. Mặt khác, khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, mọi người nên kéo dài thời gian liên lạc, nắm bắt thông tin của đối tượng, báo cáo sự việc đến cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

HOÀNG LÊ