Xét xử sơ thẩm vụ tham ô tài sản xảy ra tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm): 4 bị cáo lãnh tổng cộng 44 năm tù

Cập nhật, 08:09, Thứ Ba, 30/11/2021 (GMT+7)

Lợi dụng chủ trương được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, hiệu trưởng chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ giả để quyết toán với kho bạc, lấy tiền chia nhau tiêu xài.

Vụ án xảy ra trong giai đoạn 2011- 2015. 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm) gồm: Lê Hữu Rí (SN 1959, hiệu trưởng), Nguyễn Văn Sang (SN 1985, kế toán), Nguyễn Thị Đào (SN 1983, thủ quỹ) và Lê Thị Đỗ Quyên (SN 1982, nhân viên văn thư).

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long truy tố Lê Hữu Rí, Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Thị Đào tội “Tham ô tài sản” được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự. Cùng bị truy tố tội “Tham ô tài sản” nhưng hành vi của Lê Thị Đỗ Quyên được quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, lợi dụng chủ trương được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính nên từ năm 2010- 2015, Lê Hữu Rí với chức vụ là hiệu trưởng đã chỉ đạo Sang, Đào lập chứng từ giả để quyết toán với kho bạc, lấy tiền chia nhau tiêu xài. Tiếp đến, Sang lập hồ sơ giả đăng ký kinh doanh hộ cá thể với ngành nghề mua bán và sửa chữa thiết bị văn phòng, vi tính, văn phòng phẩm,… cho Đào đứng tên. Đào biết nhưng vẫn không ngăn cản mà còn cùng với Sang đến cơ quan thuế làm thủ tục mua 50 hóa đơn bán hàng, sau đó thuê khắc dấu vuông nhằm mục đích quyết toán khống.

Sau khi làm chứng từ giả quyết toán được 7 hóa đơn bán hàng với tổng số tiền hơn 57 triệu đồng, Đào sợ bị phát hiện nên yêu cầu Sang làm thủ tục xin không đăng ký kinh doanh nữa và giao trả cho cơ quan thuế 42 hóa đơn bán hàng, còn lại 1 hóa đơn bị hỏng.

Bên cạnh đó, do quen biết với N.V.K. (cán bộ thuế) nên Sang lập chứng từ giả tên người cung cấp hàng hóa kèm bản sao chứng minh nhân dân rồi gặp K. để xin mẫu hợp đồng mua bán, đơn đề nghị xin cấp hóa đơn để lập thủ tục quyết toán. Biết rõ việc này không đúng quy định nhưng vì ngoài tiền thu được trên mỗi hóa đơn bán hàng, K. còn được Sang tặng “phong bì” nên “nhắm mắt cho qua”.

Hành vi này diễn ra một thời gian thì Sang không trực tiếp đi mà “ủy quyền” cho Đào, Quyên đến gặp K. thực hiện thủ tục để ghi vào hợp đồng mua bán, hóa đơn bán hàng theo danh mục Sang đã lập sẵn. Tiếp đến, Sang lập phiếu chi và đưa cho Rí phê duyệt làm thủ tục quyết toán với kho bạc.

Quá trình điều tra chứng minh, từ năm 2011- 2015, K. đã cấp cho Trường THPT Võ Văn Kiệt 135 bộ hóa đơn với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó tiền thuế phải nộp là 28,8 triệu đồng. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản” với vai trò đồng phạm nhưng người này đã chết nên cơ quan điều tra không áp dụng các biện pháp tố tụng.

Riêng Đào thực hiện theo sự chỉ đạo của Rí và Sang, lập thủ tục, hồ sơ và quyết toán khống 104 hóa đơn trị giá hơn 1,4 tỷ đồng nên phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền này. Quyên thực hiện hành vi mua hóa đơn để tham gia lập chứng từ khống và cùng với Đào giúp Sang quyết toán chiếm đoạt số tiền hơn 677 triệu đồng.

Ngoài thủ đoạn trên, Sang còn lập các hợp đồng mua đất trồng cây xanh, sửa chữa điện nước, thanh toán khống chi phí nghiệp vụ, tiền thưởng, tiền khám sức khỏe,... để chia nhau tiêu xài cá nhân. Cáo trạng quy kết, các bị cáo đã thực hiện hành vi sử dụng chứng từ giả để quyết toán các nguồn kinh phí được giao tự chủ, chiếm đoạt hơn 4,6 tỷ đồng. Sau khi phạm tội, các bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Sau 3 ngày xét xử sơ thẩm (23- 25/11/2021), HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt bị cáo Lê Hữu Rí và Nguyễn Văn Sang mỗi bị cáo 16 năm tù, Nguyễn Thị Đào 9 năm tù và Lê Thị Đỗ Quyên 3 năm tù cùng tội “Tham ô tài sản”.

Trước đó, vào tháng 7/2018, TAND tỉnh Vĩnh Long đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm nhưng sau đó các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.

TRUNG HƯNG