Xử sơ thẩm vụ chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH MTV Ngân hàng Việt nam Thịnh Vượng

15 bị cáo liên minh phạm tội

Cập nhật, 06:41, Thứ Ba, 23/07/2019 (GMT+7)

Sau 3 ngày xét xử, chiều 19/7/2019, TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên bản án sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (gọi tắt là VPB FC).

Có 17 bị cáo phải hầu tòa trong vụ án này, trong đó, bị cáo Trần Kim Chuyến (SN 1988, ngụ huyện Long Hồ) được cơ quan điều tra xác định giữ vai trò chính cùng các bị cáo khác làm giả hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của VPB hơn 2,8 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

“Liên minh” phạm tội

Ngày đầu tiên xét xử, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long giữ quyền công tố tại tòa đã công bố cáo trạng dài hơn 20 trang, truy tố bị cáo Trần Kim Chuyến và 16 bị cáo khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, HĐXX tiến hành xét hỏi, làm rõ hành vi phạm tội và vai trò của từng bị cáo trong vụ án này.

Theo hồ sơ vụ án, VPB triển khai sản phẩm vay tiêu dùng thông qua sim điện thoại Viettel từ năm 2016. Điều kiện vay vốn là khách hàng phải sử dụng sim điện thoại này từ 6 tháng trở lên, số tiền vay tối thiểu 10 triệu đồng và tối đa 70 triệu đồng.

Nếu muốn vay, khách hàng đến các điểm giao dịch của VPB hoặc các điểm liên kết với công ty này để được nhân viên hướng dẫn khai thông tin, cung cấp bản sao giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, sau đó nhân viên sẽ chụp ảnh khách hàng và các giấy tờ có liên quan để lập hồ sơ gửi về VPB.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, bộ phận thẩm định sẽ điện thoại cho khách hàng kiểm tra thông tin và nếu đủ điều kiện, VPB sẽ giải ngân số tiền vay dựa trên đề nghị của nhân viên làm hồ sơ, sau đó nhắn vào điện thoại của khách hàng một mã số (mã code).

Lúc này, khách hàng chỉ cần đến bất kỳ điểm bưu điện nào và trình giấy chứng minh nhân dân, mã code để nhận tiền.

Tại Vĩnh Long, Phạm Trí Nhân (SN 1977) mở văn phòng cho vay 24G tại Phường 3 (TP Vĩnh Long). Tại văn phòng này, ngoài Nhân còn có Đỗ Thị Ánh Huyền (SN 1989, vợ Nhân), Lý Thị Cẩm Nhung (SN 1990), Phạm Thị Thùy Nhiên (SN 1990, em ruột Nhân).

Trên thực tế, Huyền và Nhiên mở mã code giao cho Nhân quản lý, sử dụng, còn Chuyến lấy thông tin của Nhung để mở mã code sử dụng. Nhân giao tất cả mã code của những người trên cho Chuyến quản lý.

Thời gian làm việc tại 24G, Chuyến quen biết với Đặng Hoàng Uyên Phương và Cao Hồng Mộng Hưng, từ đây các đối tượng này cấu kết với nhau trở thành “liên minh” thực hiện hàng loạt vụ lập hồ sơ giả chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Hưng hướng dẫn Chuyến cách sửa thông tin khách hàng từ thật thành giả và thỏa thuận cung cấp chứng minh nhân dân để nhận tiền các hồ sơ để chiếm đoạt tiền của VPB.

Chuyến khai nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách sử dụng số điện thoại đủ điều kiện vay và một số điện thoại khác giả danh người thân của khách hàng. Sau đó lấy thông tin chứng minh nhân dân, hộ khẩu giả điền vào hồ sơ và giả chữ ký của Nhung, Huyền, Nhân hoặc Nhiên để làm nhân viên lập hồ sơ vay.

Chiếm đoạt hơn 2,8 tỷ đồng

Quá trình điều tra đã xác định hành vi phạm tội và vai trò của từng bị cáo. Trong đó, Chuyến chịu trách nhiệm sửa thông tin khách hàng và lập hồ sơ giả, sau đó dùng mã code đăng ký hồ sơ vay tiền của VPB. Phương có nhiệm vụ “đóng vai” khách hàng và người thân của khách hàng để nghe điện thoại từ nhân viên của VPB gọi thẩm định thông tin.

Riêng Hùng sẽ cung cấp số chứng minh nhân dân và tên khách hàng giả để Chuyến và Phương lập hồ sơ. Thông tin khách hàng thì các đối tượng này thỏa thuận với nhau sẽ tự tìm và nếu hồ sơ được duyệt và nhận tiền, trừ các khoản chi như thỏa thuận, phần còn lại thuộc về người đó.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định Chuyến, Phương và Hùng còn cấu kết với 14 đồng phạm khác giả danh khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo.

Như vậy, Chuyến đã cấu kết cùng đồng bọn trực tiếp lập 42 hồ sơ giả, chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng của VPB, đồng thời, giúp sức cho Phương, Hùng và đồng bọn làm giả 48 hồ sơ, chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Điển hình là việc Chuyến cấu kết với Nguyễn Thị Xa Mi (cùng là nhân viên văn phòng cho vay 24G) lập hồ sơ giả, lừa đảo 265 triệu đồng. Xa Mi nhận lời đóng giả khách hàng đi nhận tiền từ các hồ sơ vay vốn giả do Chuyến lập, mỗi hồ sơ được giải ngân thì Xa Mi nhận được 500.000đ hoa hồng.

Quá trình điều tra xác định, từ tháng 2 đến tháng 3/2018, Xa Mi đã 9 lần vào vai khách hàng để nhận giúp Chuyến 265 triệu đồng, trong đó Xa Mi được hưởng 4,5 triệu đồng. Cũng với thủ đoạn tương tự, các bị cáo đã cấu kết làm hàng chục hồ sơ giả, chiếm đoạt của VPB hơn 2,8 tỷ đồng.

Quá trình xét xử, phía bị hại là VPB không có mặt tại tòa nhưng quá trình điều tra xác định, công ty này không có văn bản quy định bảo mật mã code.

Việc cấp mã code cho nhân viên tự quản lý và việc lợi dụng thông tin này trong hồ sơ vay không phải là khâu mấu chốt quyết định hành vi lừa đảo của các bị cáo.

Cũng trong quá trình điều tra, ông Tống Công Trung Hiếu- đại diện VPB- xác định phía công ty khi đưa ra sản phẩm vay vốn tiêu dùng có khâu thẩm định hồ sơ vay qua điện thoại là không chặt chẽ nên bị các bị cáo lợi dụng để làm hồ sơ giả.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Đồng thời đề nghị mức án cho mỗi bị cáo từ 2 đến 9 năm tù. Sau khi nghị án, HĐXX tiến hành tuyên án vào chiều 19/7.

Theo đó, bị cáo Trần Kim Chuyến bị phạt 10 năm tù, Đặng Hoàng Uyên Phương và Cao Hồng Mộng Hùng cùng 9 năm tù, Nguyễn Hoàng Ca 8 năm tù, Lê Đăng Khoa và Đặng Lê Phương Thúy cùng 7 năm tù, các bị cáo khác bị phạt từ 2 đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng Võ Hoàng Nam và Đỗ Kim Bích Phượng được trả tự do tại tòa.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG