Đánh con nợ vì đóng lãi trễ hạn

Cập nhật, 05:13, Thứ Tư, 05/10/2016 (GMT+7)

Cho vay với lãi suất từ 30-60%/ tháng dẫn đến nhiều người không khả năng đóng lãi và một trong số đó đã bị Võ Thanh Thuận (SN 1977- trú hẻm Cây Khế, Phường 2- TP Vĩnh Long) đánh gây thương tích.

Bị cáo Võ Thanh Thuận tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Võ Thanh Thuận tại phiên tòa sơ thẩm.

Sau 2 lần đi tù với tổng mức án hơn 13 năm về tội “Trộm cắp tài sản” và “Mua bán trái phép chất ma túy”, Võ Thanh Thuận không tự răn mình sống tốt mà thường lấy đó để thị uy, bắt nạt những lao động nghèo đã vay tiền của Thuận với lãi suất “cắt cổ” khiến nợ ngày một chất chồng.

Chị Lê Minh Châu (ở đường Lê Thị Hồng Gấm, Phường 2- TP Vĩnh Long) bị khuyết tật một chân, gia đình nghèo. Từ ngày 1-15/10/2015, Châu vay của Thuận nhiều lần tổng cộng 4 triệu đồng với lãi suất thỏa thuận 20.000 đồng/ngày/triệu đồng, vay bao nhiêu cứ thế nhân lên.

Châu đóng lãi cho Thuận mỗi ngày 80.000đ, đến ngày 5/11/2015 được hơn 2,4 triệu đồng thì không còn khả năng trả nữa.

Khoảng 16 giờ 30 ngày 6/11/2015, do không có đủ 80.000đ nộp lãi ngày đó nên Châu đến nhà Thuận xin đóng trễ hạn và hẹn hôm sau sẽ cộng dồn lãi cả 2 ngày.

Thuận không đồng ý dùng chân đạp vào bụng Châu té ngã. Châu gượng dậy định bỏ về thì bị Thuận cầm sợi dây có gắn kim loại ở 2 đầu (loại dây ống dầu thắng đĩa) đánh vào đầu và cổ chảy máu.

Châu được người thân đưa đến bệnh viện điều trị với tỷ lệ tổn thương qua giám định là 5%.

Quá trình điều tra, Công an TP Vĩnh Long chứng minh được ngoài bị hại Lê Minh Châu, từ ngày 1/10/2015, Thuận còn cho nhiều người ở Phường 2 vay tiền với lãi suất từ 30- 60%/tháng, hầu hết là người nghèo và đã nộp lãi cho Thuận nhiều hơn nợ gốc nhưng vẫn phải tiếp tục trả để tránh “chuốc họa vào thân”.

Cụ thể, Nguyễn Thị Gái Lùn vay của Thuận tổng số tiền 5 triệu đồng đã đóng lãi hơn 5,6 triệu đồng; Cao Thị Phương vay 2 triệu đồng đóng lãi gần 3,6 triệu đồng; Huỳnh Tấn Tài vay 1 triệu đồng đóng lãi hơn 1,7 triệu đồng; Lê Thị Xuyến vay 2 triệu đồng đóng lãi gần 4 triệu đồng; Nguyễn Thị Kim Dung vay 1 triệu đồng đóng lãi hơn 1,6 triệu đồng.

Tổng số tiền Thuận cho những người này vay là 15 triệu đồng nhưng chỉ sau 4 tháng thu lãi hơn 19 triệu đồng. Cuối tháng 2/2016, Thuận tự cắt bỏ lãi suất đối với Lùn, Phương, Tài, Xuyến, Dung chỉ yêu cầu các bị hại trả nợ gốc.

Đối với Châu, do tiền đóng lãi mới hơn một nửa nợ gốc nên Thuận không giảm lãi suất và cũng không cho trễ hạn. Vì thế, khi chị Châu đến xin nợ tiền lãi đã bị Thuận hành hung gây thương tích.

Xét hành vi của Võ Thanh Thuận đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng” và “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1, Điều 104 và Điều 163 Bộ luật Hình sự nên Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố vụ án.

Trước tòa, Thuận thừa nhận có cho những người nói trên vay với lãi suất từ 30- 60%/ tháng để lấy tiền lãi nuôi sống gia đình.

Chiều 6/11/2015, Thuận có đánh chị Châu gây thương tích vì không đóng lãi đúng hạn. Bị cáo đã thấy lỗi của mình, đồng ý bồi thường 5 triệu đồng và xóa 4 triệu đồng nợ gốc theo yêu cầu bị hại Lê Minh Châu, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Do Thuận có 2 tiền án chưa được xóa án tích lại tiếp tục có hành vi cố ý xâm phạm, gây tổn hại sức khỏe chị Châu là người khuyết tật vận động mức độ nặng nên cần xử mức án tương xứng để răn đe.

HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên án sơ thẩm phạt Võ Thanh Thuận 1 năm tù giam tội “Cố ý gây thương tích”.

Đối với hành vi “Cho vay lãi nặng”, HĐXX xét thấy số tiền thu lợi bất chính (hơn 19 triệu đồng) từ việc cho vay của Thuận dưới mức tối thiểu 30 triệu đồng theo quy định mới của Bộ luật Hình sự nên áp dụng theo hướng có lợi cho bị cáo nhằm thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

Do đó, HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho Thuận về tội “Cho vay lãi nặng” nhưng về trách nhiệm dân sự buộc bị cáo phải trả lại cho các bị hại số tiền lãi đã nhận và buộc cả 2 bên phải nộp toàn bộ số tiền gốc và lãi từ việc cho vay sung quỹ nhà nước.

Tại khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định tội “Cố ý gây thương tích” như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11- 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp “phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ”, “có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Còn tại khoản 1, Điều 163 thì quy định: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ 1-10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG