Mua bán thông tin cá nhân trên mạng- không chỉ gây phiền phức...

Cập nhật, 10:48, Thứ Sáu, 06/05/2016 (GMT+7)

Hiện nay, thông tin cá nhân như: số điện thoại, email, nghề nghiệp và cả những thông tin “nhạy cảm” của cá nhân cũng được công khai mua bán như hàng hóa thông dụng tràn lan trên các trang mạng.

Chỉ cần vài trăm ngàn đồng sẽ mua được bộ danh sách thông tin cá nhân trên nhiều lĩnh vực. Việc mua bán thông tin cá nhân không những gây nhiều phiền phức của cá nhân bị bán thông tin mà còn vi phạm pháp luật.

Các thông tin cá nhân rao bán tràn lan trên mạng.
Các thông tin cá nhân rao bán tràn lan trên mạng.

Tràn lan rao bán thông tin cá nhân trên mạng

Không khó để mua những thông tin cá nhân, chỉ cần vào Google gõ thông tin “rao bán thông tin cá nhân” ngay lập tức trên mạng xuất hiện hàng loạt danh sách để lựa chọn.

Đáng chú ý trang “danh sách khách hàng- database 2016” giới thiệu sở hữu hàng ngàn số điện thoại cá nhân các mạng trên toàn quốc, bất động sản, phụ huynh học sinh….

Các thông tin cá nhân được trang mạng bảo đảm chất lượng, được chọn lọc hàng tháng và được phân loại theo từng vùng miền rất dễ cho khách hàng nhắn tin điện thoại marketing thông qua hệ thống SMS.

Tin nhắn đến tận tay người dùng, cơ hội quảng bá sản phẩm của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều. Các trang mạng cũng đưa hàng loạt khuyến mãi khi mua trọn bộ danh sách thông tin cá nhân. Giá mỗi bộ danh sách khách hàng giao động từ 800 ngàn đến khoảng 2 triệu đồng tùy số lượng.

Tại một trang mạng khác rao bán thông tin cá nhân từng khu vực có giá mềm hơn như bộ khách hàng doanh nhân, bán lẻ, ngân hàng và có cả thông tin “nhạy cảm” của cá nhân, với giá từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Một hình thức rao bán thông tin cá nhân khác là trang mạng gửi qua email, điện thoại di động với lời mời chào hấp dẫn.

Chúng tôi liên hệ số điện thoại được treo trên mạng của trang mua bán danh sách thông tin cá nhân. Bên kia một giọng nữ nói chuyện thật nhỏ nhẹ, cho biết, có hàng trăm bộ danh sách thông tin cá nhân: Trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, doanh nhân và có những thông tin “nhạy cảm” của các nhân vật nổi tiếng... bảo đảm được cập nhật thường xuyên, chính xác hơn 90%...

Khi chúng tôi đề cập mua bán thông tin cá nhân sẽ vi phạm pháp luật thì cô ta nói “Cả chợ thông tin cá nhân mua bán tràn lan trên mạng có ai vi phạm đâu”…

Qua tìm hiểu, giao dịch mua danh sách thông tin cá nhân cũng khá dễ dàng như mua hàng hóa thông thường trên mạng. Trước hết người mua gửi email cá nhân đến địa chỉ bán danh sách khách hàng. Ngay sau đó bên mua nhận file dạng nén có mật mã, thông tin số tài khoản để chuyển khoản.

Khi họ xác nhận thanh toán, người mua nhận mật mã qua email và tin nhắn sau khi giao dịch hoàn tất. Người mua có một danh sách thông tin cá nhân theo yêu cầu.

Gây phiền phức người bị bán thông tin

Anh Võ Minh Luân công tác ở Bình Dương về quê (Tam Bình) dịp các ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang vui vẻ bạn bè, thì có chuông điện thoại.

Anh Luân nhìn số điện thoại lạ hoắc, sợ có chuyện ở công ty hay bạn bè rủ nhậu nên bắt máy nghe thì đầu máy bên kia là một người nói giọng miền Bắc chào bán bảo hiểm. Anh ta giới thiệu nhiều gói bảo hiểm, chương trình khuyến mãi mặc cho anh Luân từ chối.

“Bây giờ trên mạng rao bán thông tin cá nhân và không biết ở đâu họ có thông tin mình để bán. Mấy tháng nay có nhiều cuộc điện thoại lạ gọi đến, đang bận chuyện cũng phải nghe. Đôi lúc họ đến tận văn phòng mời, chào mua bán đủ thứ mình cảm thấy rất phiền hà…”- anh Luân bức xúc.

Tương tự, anh Đặng Văn Hiền- làm việc tại công ty ở Khu công nghiệp Hòa Phú- cũng than phiền vì nhận nhiều tin nhắn, cuộc điện thoại lạ mời chào, giới thiệu sản phẩm.

Anh Hiền cho biết: “Họ gọi đến nói chuyện tỏ ra thân quen mặc dù mình chưa một lần giao dịch. Họ biết rất rõ thông tin cá nhân của mình từ quê quán, công việc hiện tại. Nhiều cuộc gọi đến mời mua SIM số điện thoại, mua bán bất động sản, cung cấp máy móc cho công ty, giới thiệu hàng hóa mới để quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Đang lúc tập trung xử lý công việc mà họ gọi điện thoại đến phải nghe nên rất phiền phức, mất thời gian…”.

Rất nhiều người cùng chung bức xúc như anh Luân và anh Hiền nhưng không biết làm sao ngăn chặn những cuộc gọi, tin nhắn điện thoại (tin rác) từ những số máy lạ.

Những thông tin cá nhân bị “đánh cắp” rao bán công khai trên mạng gây ra nhiều phiền hà cho người khác. Những trường hợp đó họ sử dụng SIM điện thoại khuyến mãi nên khi gọi lại không thể liên lạc được.

Trước thực trạng trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son lúc còn đương nhiệm đã ký ban hành Chỉ thị số 11 ngày 18/3/2016 về việc tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn tình trạng mua bán, lưu thông SIM di động trái quy định.

Chỉ thị nhằm bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM thuê bao di động sai quy định, hạn chế việc phát tán tin nhắn rác.

Bộ Thông tin- Truyền thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan, đơn vị thuộc bộ, các sở thông tin- truyền thông tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an để kiểm tra, xác minh, xử lý các tổ chức, cá nhân, có hành vi vi phạm.

Luật sư Nguyễn Khương Ninh- Văn phòng luật sư Khang Ninh (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: Việc mua bán thông tin cá nhân trên các trang mạng là vi phạm pháp luật. Người bị bán thông tin cá nhân bị ảnh hưởng đến đời tư, quấy rối, nhưng giá trị gây thiệt không xác định và họ không biết khởi kiện ai.

Tại Điều 22 Luật Công nghệ thông tin quy định các tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba, trừ trường hợp pháp luật có quy định hoặc được sự đồng ý của người đó. Cá nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân.

Bài, ảnh: HOÀI NAM