Bênh vợ, đánh chủ nợ

Cập nhật, 13:21, Thứ Năm, 26/05/2016 (GMT+7)

Thấy chủ nợ đến đòi tiền và cự cãi với vợ, anh N.V.H (ở ấp Tân Quới Đông, xã Trường An- TP Vĩnh Long) “bênh vợ, đánh chủ nợ” nên bị phạt hành chính gần gấp đôi số tiền thiếu và còn bị chủ nợ kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại.

Tháng 6/2014, chị P.T.H (ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè- Tiền Giang) có cho vợ anh H. là chị L.T.H.Y mượn 3,5 triệu đồng. Sau đó, chị Y. trả dần đến ngày 24/9/2015 thì còn nợ tiền lãi và vốn 1,5 triệu đồng.

Ngày 24/9/2015, chị H. đến gặp chị Y. đòi số tiền trên thì xảy ra cự cãi. Anh V.H. bênh vợ nhào vô đánh chị H. ngã xuống đất chấn thương đầu và vùng mí mắt.

Sau khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long điều trị và chụp CT-Scanner không phát hiện máu tụ nội sọ, chỉ sưng phần mềm má phải, nhưng do còn nhức đầu nên ngày 29/9/2015, chị H. đến Bệnh viện Nhân dân 115 ở TP Hồ Chí Minh khám và điều trị tiếp.

Sau đó, chị H. làm đơn gửi Công an xã Trường An yêu cầu xử lý anh V.H. về hành vi đánh người gây thương tích và bồi thường chi phí điều trị thương tích hơn 2 triệu đồng.

Do hành vi đánh chị H. gây thương tích chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên Công an xã Trường An phạt hành chính anh V.H. 2,5 triệu đồng. Riêng số tiền thuốc và chi phí điều trị, anh V.H. chỉ đồng ý bồi thường hơn 1,5 triệu đồng, còn chi phí chụp CT-Scanner 500.000đ, anh không đồng ý bồi thường.

Sau nhiều lần hòa giải không thành, ngày 4/1/2016, chị H. gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Vĩnh Long yêu cầu anh V.H. bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm với số tiền điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long và Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) hơn 2,5 triệu đồng và 2 tháng mất thu nhập do không đến quầy giày dép ở chợ Cổ Cò (huyện Cái Bè- Tiền Giang) bán được bằng 6 triệu đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, anh V.H. trình bày: Lúc vợ và chị H. cự cãi, anh không kiềm chế được có dùng tay đánh chị H. gây thương tích nên đồng ý bồi thường tiền thuốc điều trị theo hóa đơn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, còn chi phí điều trị ở Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh), anh không đồng ý bồi thường do chị H. điều trị vượt tuyến, không theo ý kiến bác sĩ.

Anh V.H. cũng không đồng ý bồi thường ngày công lao động với lý do chị H. không có mua bán giày dép như Ban quản lý chợ xác nhận.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra, tranh luận tại tòa, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long cho rằng: Việc chị H. yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm là phù hợp quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự.

Anh V.H. chỉ đồng ý bồi thường hơn 1,5 triệu đồng, không đồng ý bồi thường tiền chụp CT-Scanner và tiền thuốc, viện phí ở Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) là không có căn cứ chấp nhận vì các chứng cứ mà chị H. cung cấp là phù hợp cho việc điều trị vết thương do anh trực tiếp gây ra.

Do đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long tuyên án sơ thẩm buộc anh V.H. bồi thường cho chị H. tiền thuốc, viện phí hơn 2,5 triệu đồng. Riêng ngày công lao động, HĐXX chỉ chấp nhận cho chị H. một tháng mất thu nhập bằng 3 triệu đồng, tổng cộng anh V.H. phải bồi thường hơn 5,5 triệu đồng.

Thiếu nợ chỉ 1,5 triệu đồng nhưng vì không kiềm chế được bản thân mà anh V.H. tốn 8 triệu đồng cho việc nộp phạt và bồi thường thiệt hại do hành vi đánh người. Đây là bài học không riêng gì anh V.H. mà còn nhắc nhở đến những ai có ý định giải quyết nợ nần bằng bạo lực.

Tại Điều 609 Bộ luật Dân sự quy định: Người xâm phạm sức khỏe người khác phải bồi thường thiệt hại bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, chức năng bị mất, bị giảm sút và bồi thường thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. 

Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì người xâm phạm sức khỏe còn phải bồi thường phần mất thu nhập và chi phí hợp lý cho người chăm sóc; bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu.

PHƯỢNG NGÂN