Vì sự bình yên sông nước

Cập nhật, 10:28, Thứ Tư, 30/07/2014 (GMT+7)

Theo dự báo, mùa mưa lũ năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự ATGT đường thủy. Đây chính là vấn đề mà người tham gia giao thông trên sông nước và các ngành chức năng cần quan tâm.

Cần mặc áo phao đề phòng bất trắc khi mưu sinh trên sông nước.

Vĩnh Long có hệ thống sông ngòi đa dạng. Trong đó có những con sông đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh ĐBSCL với nhau. Vận tải thủy từ lâu đã là thế mạnh của Vĩnh Long trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.

Thế nhưng, hiện nay mưa, bão đang vào mùa cao điểm, tình hình trật tự ATGT trên lĩnh vực đường thủy có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nên hoạt động trên tuyến giao thông đường thủy gặp không ít khó khăn và cần phải được đặc biệt quan tâm đến sự an toàn.

Thực tế cho thấy, còn một bộ phận người tham gia giao thông trên sông nước hiện nay rất chủ quan, không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn khi vượt sông, càng làm tăng thêm mối nguy hiểm đó. Trên các tuyến sông hiện nay vẫn còn không ít những người làm nghề “hạ bạc”, tháng ngày họ vật lộn với sóng gió hiểm nguy để mưu sinh.

Nhìn những chiếc ghe nhỏ bé này đang xuôi ngược giữa sông nước mênh mông đầy sóng gió nhưng không hề được trang bị bất kỳ một thiết bị cứu sinh nào chắc mọi người không khỏi ngán ngại, bởi khó lường hết được những hậu quả khi lỡ xảy ra tai nạn. Nhiều người vẫn biết sự an toàn đôi khi quá mong manh nhưng vì cuộc sống, họ đã phó thác cho may rủi.

Nhằm nâng cao ý thức đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên sông cho người dân, mới đây Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân làm ăn, sinh sống trên tuyến sông Măng và các tuyến sông chính trong tỉnh.

Đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực theo tinh thần kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; ra quân đẩy mạnh hoạt động tuần tra kiểm soát giao thông, đảm bảo an toàn sông nước theo phương châm “4 tại chỗ”, đó là: chỉ huy tại chỗ- lực lượng tại chỗ- vật tư tại chỗ- và hậu cần tại chỗ, với tinh thần “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Trong đó lấy phòng, tránh là chính, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Mới đây, Phòng Cảnh sát đường thủy-Công an tỉnh, cũng vừa in trên 40 khẩu hiệu tuyên truyền cấp, phát cho các bến khách ngang sông với nội dung “Phương tiện chở khách ngang sông phải trang bị đầy đủ thiết bị an toàn như: phao tròn, áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cá nhân, bình chữa cháy; thuyền viên và hành khách đi trên phương tiện chở khách ngang sông bắt buộc phải mặc áo phao cứu sinh hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân”.

Những chiếc đò ngang sông có trang bị áo phao, nhưng để không đúng quy định, thậm chí có trường hợp treo “bảo quản” trong khoang máy như thế này.

Một vấn đề tồn tại trên các tuyến sông hiện nay mà chúng ta cũng thường bắt gặp, đó là những phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng chở hàng vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn. Cá biệt có những chiếc xà lan chở cả “núi” cát, đá di chuyển trên sông trông giống như sắp chìm. Nhìn những cơn sóng vồ vập hai bên mạn xà lan chúng ta không khỏi rùng mình lo ngại về sự an toàn của phương tiện!

Đại tá Trần Văn Trề- Phó Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy: Theo quy định của ngành chức năng, khi bước vào mùa mưa, bão, những phương tiện vận tải thủy cần phải giảm tải trọng về số lượng người và hàng hoá từ 10- 15% nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn khi lưu thông trên sông.

Theo nhận định của Phòng Cảnh sát đường thủy, trong tổng số các trường hợp vi phạm bị lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông đường thủy phát hiện và xử lý, có đến hơn 80% vi phạm là lỗi chở hàng hóa vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn.

Một điều đáng quan tâm hiện nay nữa là sự mất an toàn của những chiếc đò ngang hàng ngày đưa rước khách ngang sông. Đây là hoạt động không thể thiếu ở những tỉnh vùng sông nước như Vĩnh Long.

Tuy nhiên, một số chủ bến đò ngang còn rất chủ quan, chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho phương tiện và hành khách; chưa chú trọng nhắc nhở người tham gia giao thông tự giác mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi khi vượt sông đúng theo tinh thần cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao”.

Riêng một số bến đò ngang có trang bị đầy đủ phao cứu sinh cho hành khách nhưng lại treo, máng không đúng quy định, thậm chí có trường hợp chất đống trong khoang máy, lỡ khi có sự cố xảy ra thì các phao này gần như vô dụng!

Cá biệt có trường hợp chủ bến đã hành nghề đưa đò hơn chục năm nhưng vấn đề giảm tải trọng trong mùa mưa cũng không được những người này quan tâm. Khi lực lượng chức năng đến tuyên truyền, kiểm tra thì chủ phương tiện đã viện nhiều lý do để giải thích cho sự không tuân thủ các quy định về đảm bảo ATGT.

Được biết, từ đầu tháng 7 đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức tuần tra 264 cuộc, qua đó đã phát hiện và lập biên bản 853 trường hợp vi phạm.

Bên cạnh, đơn vị cũng đề xuất các cấp, các ngành khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm đảm bảo tốt tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa bão.

Đơn vị cũng kiên quyết đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, như: phương tiện cũ nát, không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo chất lượng và số lượng các trang thiết bị an toàn…

Bên cạnh việc nâng cao ý thức tự giác đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên sông thì vấn đề đảm bảo an toàn cho những người dân sống ven sông nói chung và các em nhỏ nói riêng hiện cũng là vấn đề được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 65 trường hợp trẻ em bị đuối nước, trong đó có 52 trẻ bị tử vong.

Riêng 6 tháng đầu năm 2014, đã có 13 vụ đuối nước, 8 trẻ tử vong. Hàng năm, vào dịp nghỉ hè, các em học sinh có điều kiện về quê tham gia các hoạt động tắm sông, vui chơi cũng như phụ giúp gia đình cải thiện bữa ăn từ việc bắt cá trên sông hay tại các ao hồ quanh nhà.

Tuy nhiên dịp này lại trùng vào thời điểm mùa mưa, bão, thời tiết thất thường, thì nguy cơ đuối nước càng cao. Cũng có những nơi xa khu dân cư, ít người qua lại mà trẻ nhỏ thường chọn để tắm sông nên nếu sự cố xảy ra thì không ai hay biết để cứu vớt.

Hoặc những trò đùa đầy nguy hiểm như các em nhỏ “bay” từ trên cầu xuống sông, nếu không bị những cọc nhọn bên dưới gây tai nạn thì chính những dòng nước xoáy dưới chân cầu có thể cuốn và nhấn chìm các em bất cứ lúc nào…

Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhiều gia đình lại rất chủ quan, thiếu sự quan tâm, quản lý chặt chẽ con em mình, vô tư để các trẻ nhỏ tự ý tắm sông một mình. Khi tai nạn xảy ra, thì các em không kịp đối phó và không được ứng cứu kịp thời. Sự trách cứ, hối hận luôn là muộn màng và khi ấy cũng chẳng mang lại lợi ích gì.

Vì sự bình yên cho những miền quê sông nước, việc đảm bảo ATGT trong mùa mưa lũ là hết sức cần thiết. Mỗi người dân cần trang bị cho mình kiến thức về phòng tránh và ứng phó với những tình huống đáng tiếc xảy ra trên sông nước.

Đặc biệt, việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em là trách nhiệm không chỉ của riêng các phụ huynh mà là trách nhiệm của toàn cộng đồng.

Các đơn vị chức năng cần quan tâm tuyên truyền cũng như mở nhiều lớp hướng dẫn, trang bị những kỹ năng sống cho trẻ bởi đây là một trong những điều kiện chăm sóc, bảo vệ rất cần thiết nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra cho các em.

Bài, ảnh: NGUYỄN TẤN HẬU