ĐBSCL Không còn muốn sống chung với lũ?

Kỳ 2: Nan giải bài toán kinh tế: làm lúa hay xả lũ?

Cập nhật, 07:38, Thứ Ba, 25/10/2016 (GMT+7)

Những mùa lũ kiệt diễn ra ở ĐBSCL vài năm qua và hệ thống đê bao khép kín đã “tạo điều kiện” cho nông dân sản xuất lúa khá… ung dung.

Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của thời tiết và thị trường tiêu thụ, khiến sản xuất lúa ngay trong “đỉnh lũ” vẫn gặp rất nhiều rủi ro, tốn kém chi phí. Hơn nữa, lại khiến cho ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt với nguy cơ: không còn nước lũ.

Nông dân “chạy việc” mưu sinh

Ngày mưa dai dẳng do ảnh hưởng cơn bão số 7, chúng tôi gặp chú Nguyễn Văn Đảo (Ba Đảo, ở ấp Huỳnh Tịnh, Nhơn Hòa Lập, Tân Thạnh- Long An). Chú có 6 người con, 4 người đã lập gia đình, còn 2 người đi Bình Dương làm xí nghiệp.

“Chỉ có… 20 công đất. Giờ làm lúa trong đê bao không lo nhiều, rải phân, xịt thuốc đều thuê mướn hết”- chú Ba Đảo bảo. Tương tự, gia đình chú Tư Chờ (ở ấp Cà Nhíp, xã Tân Bình) có 4 người con đều đi làm công ty. Ở nhà, chú thím vừa làm 5 công đất vừa trông 3 cháu nhỏ.

Lưới cá mưu sinh mùa nước của chú Tư Chờ.
Lưới cá mưu sinh mùa nước của chú Tư Chờ.

Thực tế nhiều năm qua, không chỉ nông dân trong vùng đê bao làm lúa ngon lành, không còn phải “sống chung với lũ”, mà nông dân ở thượng nguồn chưa có đê bao như ở 3 xã bờ Đông thuộc huyện An Phú (An Giang) cũng không còn coi mùa nước nổi là mùa mưu sinh nữa.

“Tới mùa nước lũ lên, người dân lại đi Bình Dương, Đồng Nai làm cho các xưởng gỗ, nhà máy… muốn hết. Nước vực mới trở về làm đất, ngâm giống, gieo sạ. Nguồn lợi thủy sản ngày càng ít, người dân càng đánh bắt theo kiểu tận diệt…”- ông Lê Văn Dồi- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc- cho biết lý do người dân phải “chạy lũ”, theo kiểu bỏ đi tìm việc làm khác vào mùa nước nổi.

Tại xã Trường Xuân (Tháp Mười- Đồng Tháp)- nơi vùng “rốn lũ” nổi tiếng với chợ cá đồng sản lượng lớn nhất ĐBSCL, thời điểm này “nước mới về mà còn thấp”. “Hiếm” lũ nên đặc sản cá đồng ra chợ cũng thưa thớt. “Nước ít cá ít”- Chủ tịch Hội Nông dân xã- Võ Văn Hùng Cường cho biết, chợ chỉ hoạt động vào buổi chiều thay vì tấp nập cả ngày như trước đây.

Ai cũng nhận ra, khi lũ không về, đồng bằng châu thổ mất đi nhiều thứ. Tuy nhiên, có lẽ chỉ những người trực tiếp sống nhờ vào lũ như ông Cao Văn Trấn- ở thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới- An Giang) mới hiểu hết cái mà ông cũng như nhiều hộ xung quanh đã mất đi, khi con nước lũ bất thường như thời điểm hiện tại.

Ngót hơn 10 năm qua, nghề câu lưới đã nuôi sống gia đình, còn năm nay chiếc xuồng câu của ông vẫn nằm rong rêu dưới bến... “Mấy chục năm qua, đây là lần đầu tiên tui phải cất xuồng”. Thay vào đó, để có đồng ra đồng vô, ông xin theo máy cắt lúa với tiền công 120.000 đ/ngày.

Ngược lên Thường Thới Tiền (Hồng Ngự- Đồng Tháp) để “gần” hơn với “nơi dòng nước chia đôi” đầu nguồn Tân Châu (An Giang) nhưng thật khó tìm thấy hình ảnh “lãng mạn” trên đồng nước như người dân giăng lưới đi hái bông điên điển, hái bông súng, mò cua, bắt ốc… Theo một cán bộ Phòng Kinh tế TX Tân Châu, nông dân đang tập trung xuống giống hơn 40.000ha lúa Đông Xuân mà không lo ngại gì lũ.

 

PGS- TS. Lê Anh Tuấn- Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho biết, đói lũ năm nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân: biến đổi khí hậu; sự xuất hiện dày đặt đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, mà thứ quan trọng không kém là hệ thống đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ 3 làm vùng dự trữ nước trong tự nhiên dẫn đến thu hẹp. Trong 3 nguyên nhân kể trên, có đến 2 nguyên nhân gần như không thể xoay trở. Riêng việc phát triển ồ ạt hệ thống đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ 3, theo các nhà khoa học rất cần xem xét lại.

Xả lũ không dễ

Đợt khô hạn vừa qua đang đặt ra câu hỏi ĐBSCL sản xuất lúa vụ 3 hay xả lũ? Thực tế việc làm lúa vụ 3 lâu nay tạo ra dư luận trái chiều. Trong đó, việc khai thác triệt để làm lúa vụ 3 sẽ kéo theo nhiều hệ lụy: đất bạc màu, hệ sinh thái đa dạng sẽ bị đe dọa...

Dù rằng vụ này, Cục Trồng trọt có khuyến cáo tăng lúa vụ 3 để bù sản lượng do ảnh hưởng hạn mặn. Nhưng quyết định quan trọng vẫn là người nông dân làm chủ trên chính mảnh đất của họ. Những năm trước, lúa vụ 3 cũng chỉ được khuyến khích sản xuất ở vùng có đê bao vững chắc nhưng giờ cả những vùng ngoài đê bao.

Vụ lúa Đông Xuân được nhiều địa phương “đẩy lên” gieo sạ sớm ngay tháng 9 âm lịch, hệ quả là rất nhiều diện tích lúa chịu ảnh hưởng. Nói như ông Lê Ngọc Vũ- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân là “nông dân mình chống trời”, gieo sạ khi mà gốc rạ vụ trước còn tươi xanh.

Nhưng khi mưa dầm mấy ngày qua cộng với “lũ bất ngờ” về muộn đã làm nhiều diện tích lúa chết nước phải gieo sạ lại. “Biết vậy nhưng nông dân sống nhờ ruộng, không làm lúa biết làm gì?”- Phó Trưởng ấp Huỳnh Tịnh (Nhơn Hòa Lập, Tân Thạnh) Bùi Văn Hùm đặt câu hỏi.

Trong khi đó có rất ít địa phương ở ĐBSCL quyết tâm xả lũ như ở huyện Phú Tân (An Giang). Địa phương này từ nhiều năm qua đã áp dụng phương án 3 năm 8 vụ, mỗi năm 1/3 diện tích của huyện xả lũ.

Ông Nguyễn Hữu Trí- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Phú Tân cho biết hầu hết diện tích của huyện đã được kiểm soát lũ với 22.500/23.000ha và từ năm 1999 đã sản xuất 3 vụ, xây dựng đê bao tiểu vùng, nhưng vì mục tiêu lâu dài là: vệ sinh đồng ruộng, duy trì độ phì nhiêu của đất, tạo nguồn lợi thủy sản nên huyện quyết tâm thực hiện.

“Lúc đầu nông dân không muốn bỏ làm 3 vụ. Nhưng sau đó đã thấy được lợi ích của nó, nhất là năm đầu tiên sau xả lũ: chi phí ít hơn, hiện trạng đất trở lại gần như ban đầu. Vì thế, tới phiên xả lũ, thông báo là người dân chịu liền. Lâu dài sẽ rút ngắn thời gian còn 2 năm 5 vụ”- ông Nguyễn Hữu Trí cho biết.

 Làm lúa trong mùa mưa bão khiến chi phí sản xuất tăng nhiều lần.
Làm lúa trong mùa mưa bão khiến chi phí sản xuất tăng nhiều lần.

Mặc dù vậy, trớ trêu là từ sau “đỉnh lũ” năm 2011, lũ về ĐBSCL có xu hướng thấp dần và một số địa phương mấy năm qua muốn xả lũ nhưng không được. Một chuyên viên nông nghiệp huyện Tân Châu (An Giang) nói thật với chúng tôi: bây giờ muốn xả lũ cũng không có nước lên đồng!

Người dân ĐBSCL biết rằng mùa nước nổi có tác dụng rất lớn trong việc tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh, đặc biệt là bù đắp phù sa cho đồng ruộng. Năm nay lũ về nhưng không nhiều, đồng nghĩa với việc sản xuất sẽ khó khăn hơn. Mà còn lo xa hơn, theo cảnh báo của các chuyên gia đầu ngành, ĐBSCL có thể biến mất trong vài trăm năm tới.

 

 

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia độc lập Nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cũng cho rằng, lũ không về “mất nhiều hơn được”. Theo nghiên cứu của thạc sĩ Thiện, sản xuất 2 vụ lợi nhuận 31 triệu đồng/ha, trong khi 3 vụ chỉ 37 triệu đồng/ha, tức lời thêm có 6 triệu đồng nhưng mất rất nhiều thứ, từ nước ngọt đến đất đai không con màu mỡ.

(Còn tiếp)

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- HOÀNG MINH