Cuộc thi Chiếc thìa vàng: Nơi tôn vinh ẩm thực Việt

Cập nhật, 19:37, Chủ Nhật, 12/06/2016 (GMT+7)

“Các đầu bếp khu vực ĐBSCL có tính sáng tạo cao, luôn ưu ái sử dụng gia vị đặc trưng của vùng miền, sử dụng nguyên liệu của địa phương, hướng đến tính chuyên nghiệp, trình bày ấn tượng, tạo nên nét độc đáo, đặc sắc riêng”- siêu đầu bếp David Thái- giám khảo cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016 nhận xét về cụm thi phía Nam- khu vực ĐBSCL.

Đầu bếp nhà hàng King Game Vĩnh Long tỉ mỉ, khéo léo trong chế biến món ăn.
Đầu bếp nhà hàng King Game Vĩnh Long tỉ mỉ, khéo léo trong chế biến món ăn.

Chuyên nghiệp, hấp dẫn

Cụm thi khu vực ĐBSCL có sự góp mặt của 9 đội thi, đến từ An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long. Chuyên nghiệp, khéo léo, sáng tạo là những gì chúng tôi ghi nhận được qua 140 phút thi của các đầu bếp.

Từ những nguyên liệu gần gũi, dễ tìm, mang hương vị quê hương, đặc trưng của từng vùng miền các đầu bếp đã biến hóa thành những thực đơn hấp dẫn, đẹp mắt, cầu kỳ, sang trọng.

Những đặc sản trứ danh của đồng bằng, như cá tra bần, vịt xiêm, mắm còng, dừa xiêm, ngó lục bình... được đưa lên thực đơn một cách tinh tế. Đáng chú ý là các đầu bếp rất chú trọng đến dược tính của món ăn, thể hiện sự quan tâm của người đứng bếp với sức khỏe của thực khách.

Tiêu biểu như, gỏi bò tái lá chùm ngây của quán Nhi (Cần Thơ), sử dụng lá chùm ngây có tác dụng trị bệnh hạ đường huyết nhức mỏi, món gà tiềm trái dừa của Nhà hàng- Khu du lịch Chùa Dơi (Sóc Trăng) được giới thiệu có công dụng bồi bổ khi mệt nhọc; ức vịt nấu chôm chôm của Nhà hàng Thắng Lợi 2 (An Giang) hỗ trợ người bệnh tim mạch và lao phổi; tôm càng sốt rau tần dày lá của Nhà hàng King Game (Vĩnh Long) có công dụng giải cảm, trị ho, hay màng mề gà trong thực đơn Nhà hàng khách sạn Hòa Bình 1 (An Giang) có vị thuốc đông trùng hạ thảo, có thể giúp điều trị bệnh thận nhưng khi làm thịt gà chúng ta thường lột bỏ bộ phận này.

Cuộc thi Chiếc thìa vàng mùa đầu tiên được tổ chức vào tháng 10 năm 2013, mùa thứ 4- năm 2016 với chủ đề “Hương vị quê nhà thời hội nhập- Hành trình gia vị Việt”, thu hút hàng trăm đầu bếp chuyên nghiệp từ khắp nơi tham gia. Đầu bếp thắng giải chung cuộc sẽ nhận giải thưởng 1 tỷ đồng. Bán kết sẽ diễn ra vào tháng 10, chung kết diễn ra vào tháng 12.

Bên cạnh đó, một số đầu bếp còn tạo được ấn tượng thú vị trong các trình bày, chế biến. Như Bình Minh Resort (Vĩnh Long) phối hợp ăn ý những nguyên liệu từ dừa với những vật liệu trang trí mang tính cây nhà lá vườn như: sợi xơ dừa, xơ mướp, sợi cói,...

Lấy ý tưởng từ những nguyên liệu mang đậm chất truyền thống và mong muốn góp phần lưu giữ nét văn hóa ẩm thực dân tộc, quán Nhi (Cần Thơ) đã chọn món vịt xiêm đúc lò ăn kèm bánh tầm xe tay.

Chị Phan Thị Hồng Nhi- đầu bếp chính chia sẻ: “Tôi đã tham gia cuộc thi này từ mùa đầu tiên, qua 4 lần tham gia, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách trang trí trình bày. Tôi rất vui khi được tham gia cuộc thi này. Qua đây, tôi muốn gởi gắm, giới thiệu nét đặc sắc trong ẩm thực quê mình, không chỉ dân dã, mộc mạc mà rất còn độc đáo, tinh tế”.

Những loại gia vị mới lạ cũng được các đầu bếp dụng công nghiên cứu để đưa vào thực đơn, như: cải trời, sâm đất, rau tần dày lá, sâm đất, lá duối, ô môi,... cũng được tận dụng chế biến cho món ăn.

Trong đó, món chè hạt ô môi- một loại cây mọc nhiều ở An Giang lại được lên bàn ăn một cách tinh tế, hấp dẫn, lạ mắt và được đánh giá cao về tính công phu trong chế biến.

Món ăn là kênh quảng bá cho văn hóa vùng miền

Tham gia cuộc thi, nhiều đầu bếp chia sẻ, mong muốn lớn nhất chính là được đưa món ăn từ những nguyên liệu dân dã, đặc trưng riêng của vùng miền đến bạn bè quốc tế và đến những bàn ăn sang trọng. Qua đó, sẽ góp phần nâng giá trị ẩm thực Việt hơn nữa.

Lần đầu tiên tham gia, đặt mục tiêu học hỏi thêm kinh nghiệm, anh Trần Trung Kiên- đầu bếp chính nhà hàng King Game (Vĩnh Long) cho biết: “Từ những nguyên liệu gần gũi, dân dã này, tôi muốn chế biến thành những món thật đặc sắc, mang tính riêng biệt cho Vĩnh Long, qua đó, nâng giá trị nguyên liệu quê hương, chúng không còn “quê mùa” nữa mà cực kỳ sang trọng. Qua cuộc thi tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, hướng đến tính chuyên nghiệp cao hơn”.

Một trong những món ăn được tạo ấn tượng và được ban giám khảo đánh giá cao là món tôm hấp lá duối của Nhà hàng Thắng Lợi 1 (An Giang).

Đây là món ăn nằm trong thực đơn đạt giải nhất cụm thi này. Anh Võ Kim Sang- đầu bếp chính nhà hàng cho biết: Ngoài giới thiệu món ngon của vùng đất An Giang, chúng tôi còn muốn chế biến sao cho mỗi món ăn là một bài thuốc, là một nét văn hóa cho một vùng miền.

Bà Bùi Thị Sương- Nghệ nhân ẩm thực, giám khảo cuộc thi cho hay: Thực đơn của các đầu bếp khu vực ĐBSCL được đầu tư khá ấn tượng, với những món ăn được chọn lọc, nghiên cứu kỹ lưỡng từ sản vật đồng bằng.

So với các mùa thi trước, năm nay các đội thi có sự đầu tư hơn, nhiều sáng tạo mới, chỉn chu trong từng khâu chế biến cũng như trình bày. Các đội cố gắng món ăn là bài thuốc, gia vị tốt cho sức khỏe, nguyên liệu có tính chất phòng trị bệnh. Nhiều món ăn thể hiện sự đầu tư, kỳ công nhiều, rất đáng khen ngợi.

Ông Lý Huy Sáng- Phó Tổng giám đốc Công ty Minh Long I, Phó BTC cuộc thi, chia sẻ: “Trải qua 3 mùa thi, càng về sau, cuộc thi càng được đầu tư, xây dựng và tổ chức chuyên nghiệp hơn và chúng tôi rất hào hứng với những cơ hội và thách thức mới mà cuộc thi mang lại cho các đầu bếp. Đây là sân chơi chuyên nghiệp dành cho các đầu bếp tài nghệ, đam mê và sáng tạo.

Cuộc thi đã đến được nhiều địa phương hơn, tiếp cận nhiều nét văn hóa ẩm thực vùng miền, những món ăn gia truyền, món ngon dân gian còn lẩn khuất. Bằng đam mê và tài nghệ, các đầu bếp đã khám phá, giới thiệu và tôn vinh hàng ngàn món ăn, những đặc sản nổi bật với giá trị ngon và lành, những loại gia vị độc đáo và giàu tiềm năng thương mại.

Kết quả vòng sơ tuyển cụm ĐBSCL:

Nhà hàng Thắng Lợi 1 (An Giang) đoạt giải nhất, 3 đội đạt giải nhì: Quán Nhi (Cần Thơ), La Veranda Resost Phú Quốc (Kiên Giang), Nhà hàng Khách sạn Hòa Bình 1 (An Giang). Đây là 4 đội bước vào vòng bán kết.er. Pellentesque ornare consectetur mi, in molestie velit venenatis sed.

Bài, ảnh: THẢO LY