Hấp dẫn du lịch nông dân

Cập nhật, 15:17, Thứ Tư, 30/12/2015 (GMT+7)

Dù Tổ chức phát triển quốc tế Hà Lan (Agriterra) đã kết thúc tài trợ Dự án du lịch nông nghiệp tại An Giang nhưng sau thời gian được Hội Nông dân tỉnh giúp đỡ, nhiều nông dân vẫn đủ khả năng làm du lịch.

Chỉ đơn giản là những loại hình gắn với đời sống mộc mạc miền quê, như: “Homestay”, du lịch sinh thái, sông nước, du lịch gắn liền với văn hóa dân tộc… nhưng những người nông dân An Giang vẫn có cách làm du khách thích thú, lưu luyến mãi.

Chị Vân hướng dẫn khách gói bánh tét
Chị Vân hướng dẫn khách gói bánh tét

Vào mùa săn cá bông lau

Vàm Nao là đoạn sông lớn nhất nối sông Tiền với sông Hậu, nổi tiếng có nhiều loài cá quý hiếm, to lớn lạ thường gắn với nhiều giai thoại dân gian… Những năm gần đây, Vàm Nao lại nổi lên là địa chỉ du lịch hấp dẫn khi nông dân có thể làm du lịch quanh năm, mùa nào cũng có đặc thù riêng để thu hút khách.

Vừa khai thác xong du lịch mùa nước nổi, gia đình ông Phan Văn Hổ (tám Hổ, ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, Phú Tân) lại tất bật chuẩn bị cho mùa du lịch kết hợp săn cá bông lau – đặc sản thiên nhiên dường như chỉ ưu đãi cho ngư dân An Giang.

Nếu như trước đây, khách du lịch muốn xem bắt cá bông lau phải chịu khó đi ban đêm thì hiện nay, ban ngày cũng có thể ra xem ngư dân bủa lưới, đánh bắt một trong những loài cá được xem là “đỏng đảnh” nhất trên sông Hậu.

“Tuy nhiên, xem bắt cá ban đêm vẫn vui hơn vì có nhiều cá hơn. Sau khi cá dính lưới ngư dân, du khách có thể hỏi mua luôn và chế biến tại chỗ. Thịt cá bông lau vừa kéo dưới nước lên mà chế biến liền thì ngon phải biết. Ai từng ăn cá bông lau đông lạnh sẽ cảm nhận được sự khác biệt.

Ban đêm mà ngồi trên tàu ăn lẩu cá bông lau nấu chua, nhâm nhi rượu đế thì còn gì bằng. Hứng chí, khách có thể tự tay bẻ bắp, rồi bỏ lên nướng nguyên vỏ trên than hồng, khi chín thì lột vỏ ra nướng cho vàng giòn lên. Trên mặt nước lung linh bóng đèn của những giàn lưới đánh bắt cá bông lau, gió thổi hiu hiu lạnh mà ăn bắp nướng thì không chê vào đâu được” – tám Hổ giới thiệu.

Từng tham gia tour du lịch Vàm Nao mùa nước nổi, anh Trần Tuấn Anh (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) hồ hởi: “Nghe tiếng loài cá bông lau nhiều rồi, mà chưa được thưởng thức. Tết năm nay tôi sẽ sắp xếp tham gia chuyến du lịch đến Vàm Nao ban đêm vì nghe nói loài cá này mỗi năm chỉ khai thác được vài tháng trước và sau Tết Nguyên đán”.

Phát huy truyền thống

Mấy năm nay, hễ đến mùa Tết, người ta thấy nhà chị Hồ Thanh Vân, chủ một điểm du lịch “homestay” ở xã cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), lại có đông người đến gói bánh tét, đổ bánh xèo, sinh hoạt vui chơi…

Tưởng như đây là hoạt động truyền thống của bất kỳ gia đình nào ở Nam Bộ nhưng chỉ khác một điều, hầu hết người tham gia đều là du khách nước ngoài, có nhiều người lần đầu tiên trải nghiệm công việc đổ nếp vào tàu lá chuối, sắp xếp nhưn, nứt bánh, bỏ vô nồi nấu, cắt bánh tét ra ăn hoặc lần đầu đứng bên bếp lửa, đổ bột bánh xèo vào chảo nóng. Cảm giác bỡ ngỡ nhưng thú vị là điều khiến du khách lưu luyến mãi.

Tại cù lao quê hương Bác Tôn, có nhiều hộ hoặc tổ chức du lịch “homestay” giống chị Vân, hoặc chỉ đơn thuần là mở quán phục vụ khách những món ăn bình dị nhưng hấp dẫn như anh Tùng “vườn táo”, anh Tuấn “sơ-ri”…

“Đối với khách nước ngoài, ngay tính cách bình dị, phóng khoáng, dễ gần của người dân Nam Bộ đã thu hút họ. Khi tham gia dự án du lịch nông dân, chúng tôi còn được tập huấn kiến thức về phục vụ khách, chế biến các món ăn ngon, hợp khẩu vị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách thưởng thức. Qua đó, tạo ấn tượng tốt để khách quay lại lần sau” – chị Vân chia sẻ.

Với hàng trăm lượt nông dân được đào tạo kiến thức về du lịch, mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay đã lan tỏa đến nhiều địa phương trong tỉnh, như: Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên), Đa Phước (An Phú), Tân Trung (Phú Tân), Châu Phong (Tân Châu), Ô Lâm, Ba Chúc (Tri Tôn), Bình Phước Xuân, Long Điền A (Chợ Mới), Văn Giáo, An Hảo (Tịnh Biên), Óc Eo (Thoại Sơn), Núi Sam (Châu Đốc), Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú)...

Thông qua du lịch nông dân, không chỉ văn hóa của người Kinh mà những loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, Khmer cũng được nhiều du khách nước ngoài biết đến. Đây được xem là loại hình du lịch đặc thù mà An Giang khai thác rất hiệu quả, tiềm năng còn lâu dài (được tổ chức Agriterra tài trợ giai đoạn II (2012-2014), trong khi một số tỉnh khác chỉ dừng ở giai đoạn I).

Theo http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Van-hoa-Du-lich/Hap-dan-du-lich-nong-dan.html