Nhà nông tìm hiểu

Phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa

Cập nhật, 09:40, Thứ Ba, 21/08/2018 (GMT+7)

Vụ lúa Thu Đông hàng năm thường gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết và năm nay thì dự báo tình hình rầy nâu sẽ phức tạp, nhiều khả năng gây hại lúa Thu Đông. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn tôi cách phòng trị đối tượng dịch hại này?

Lê Minh Phú

(Trung Hiệp- Vũng Liêm)

Anh Phú mến! Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa công nhận quy trình quản lý tính kháng thuốc bảo vệ thực vật của rầy nâu, rầy lưng trắng dựa trên nguyên tắc áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa.

Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo các yếu tố trong canh tác như vệ sinh đồng ruộng, làm đất, giống, phân bón, tưới nước, thời vụ, thì anh có thể áp dụng biện pháp sinh học như việc, trồng cây hoa có mật trên bờ ruộng để thu hút các loại thiên địch, đồng thời cần bảo vệ kẻ thù tự nhiên của rầy như bọ xít mù xanh, nhện sói vân đinh ba, nhện linh miêu, nhện lùn, bọ xít nước, ong ký sinh trứng rầy,...

Đối với biện pháp hóa học, anh cần theo dõi định kỳ diễn biến mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng để xác định thời điểm phòng trừ (điều tra 7 ngày/lần).

Chú ý giai đoạn trước trổ, nếu mật độ rầy đạt ngưỡng 1.000 con/m2 trở lên và giai đoạn sau trổ mật độ rầy đạt ngưỡng 2.000 con/m2 trở lên thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ. Ngưỡng mật độ này được áp dụng trong phòng trừ khi rầy cám là phổ biến (tuổi 1- 3).

Trong điều kiện bình thường, anh nên tập trung phòng trừ rầy ở giai đoạn lúa đòng già, trổ và chắc xanh, đỏ đuôi. Trong trường hợp bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát mới cần phòng trừ rầy trên mạ, lúa giai đoạn trước làm đòng.

Anh nên phun thuốc khi lúa tốt, trước khi phun anh cần rẽ lúa tạo các băng để có thể phun sát phần gốc của cây lúa nơi rầy cư trú và dâng nước cao 3- 5cm để tăng hiệu quả phòng trừ (nếu chủ động được nước).

Sử dụng các loại bình bơm đạt tiêu chuẩn. Sau phun thuốc 3- 7 ngày, anh cần kiểm tra ruộng nếu mật độ rầy vẫn còn tăng lên cao thì phải phun lại mới đạt yêu cầu.

BẠN NHÀ NÔNG