Nguy cơ vàng lùn- lùn xoắn lá trên lúa Thu Đông

Cập nhật, 06:28, Thứ Ba, 11/07/2017 (GMT+7)

 

Công nghệ sinh thái đồng ruộng (ruộng lúa bờ hoa) cũng là biện pháp tốt để ứng phó với rầy nâu, vàng lùn- lùn xoắn lá lúa.
Công nghệ sinh thái đồng ruộng (ruộng lúa bờ hoa) cũng là biện pháp tốt để ứng phó với rầy nâu, vàng lùn- lùn xoắn lá lúa.

Sau hơn 10 năm nằm trong tầm kiểm soát, tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá (VLLXL) trên lúa có chiều hướng gia tăng tại các tỉnh ĐBSCL trong năm nay.

Dự báo vụ lúa Thu Đông, rầy nâu di trú với số lượng lớn gây nguy cơ bùng phát dịch VLLXL nếu không có các giải pháp kịp thời từ vụ Hè Thu.

Theo ông Trần Văn Khởi- Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, vụ Hè Thu 2017 có hơn 300.000ha lúa bị nhiễm rầy nâu và trên 8.000ha lúa bị bệnh VLLXL, tập trung chủ yếu ở vùng ĐBSCL. Dự báo, vụ lúa Thu Đông này, rầy nâu sẽ di trú với số lượng lớn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Vì vậy, các tỉnh cần khẩn trương chuẩn bị phòng trị.

Còn theo ông Lê Quốc Cường- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật), nguyên nhân khiến bệnh VLLXL tái bùng phát chủ yếu là do xuống giống lúa Hè Thu quá sớm trong tháng 2 và kéo dài đến tháng 3.

Những diện tích lúa non dưới 20 ngày tuổi được xuống giống trong thời điểm này trùng khớp với rầy di trú rộ cuối vụ Đông Xuân với mật độ khá cao đã được dự báo.

Đồng thời, số rầy nâu di trú trong khoảng thời gian này bị nhiễm vi rút ở tỷ lệ khá cao. Gần đây diện tích gieo trồng giống OM5451 tăng nhanh ở ĐBSCL. Giống này có nguy cơ nhiễm VLLXL khá nặng.

Theo dự báo, từ ngày 7- 15/7, sẽ có đợt rầy di trú cao do diện tích lúa Hè Thu của các tỉnh ĐBSCL vào thu hoạch rộ. Do đó, để bảo vệ tốt trà lúa Thu Đông đã và đang xuống giống người dân cần chú ý theo dõi bẫy đèn tại địa phương để có biện pháp xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy.

Tại Vĩnh Long, tình hình rầy vào đèn đồng loạt từ cuối tháng 5/2017 và đạt cao nhất vào thời gian từ ngày 2- 6/6 với 10.135 con/bẫy (Trà Ôn). Đây là tháng có số lượng rầy vào đèn cao thứ 2 của năm nay.

Trong tháng 7, rầy nâu tập trung vào đèn cao điểm ở tuần đầu tiên của tháng. Do đó dựa vào đợt rầy nâu vào đèn cao điểm người dân có thể gieo sạ lúa Thu Đông vào thời điểm 7 ngày sau khi rầy nâu vào đèn cao điểm là thích hợp nhất.

 

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, vụ Đông Xuân 2016- 2017, diện tích bị nhiễm rầy nâu ở các tỉnh Nam Bộ hơn 50.000ha. Vụ Hè Thu, trên 40.000ha lúa bị nhiễm rầy và VLLXL, trong đó diện tích bị rầy nâu gây hại là hơn 32.000ha. Đặc biệt, vụ Hè Thu 2017, diện tích nhiễm bệnh VLLXL gần 8.291ha, chiếm 0,47% diện tích gieo trồng. Bệnh xuất hiện ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Tây Ninh và Đồng Nai.

 

Hiện tại lúa Thu Đông sớm xuống giống 19.893ha lúa chủ yếu giai đoạn mạ, làm đòng. Bên cạnh đó lúa Hè Thu đã thu hoạch 42.891ha chiếm trên 77% trên tổng diện tích lúa của tỉnh là 55.778ha, năng suất bình quân đạt 6,1tấn/ha.

Gần đây, ngành chuyên môn ghi nhận diện tích nhiễm rầy nâu trên lúa Thu Đông là 1.290ha, trong đó nhiễm nhẹ 945ha với mật số 1.000- 1.500 con/m2 phân bố tại một số xã của các huyện Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình.

Diện tích nhiễm rầy khoảng 345ha với mật số 1.600- 3.000 con/m2 tại 2 huyện Vũng Liêm và Mang Thít, rầy chủ yếu tuổi 4, 5, trưởng thành. Đối với lúa Hè Thu, diện tích nhiễm rầy nâu 882ha, chủ yếu rầy tuổi từ 4, 5, trưởng thành, trên trà lúa trổ.

Dự báo đến 14/7, rầy nâu sẽ có nhiều lứa gối nhau, sẽ nhiễm nhẹ đến trung bình trên trà lúa đẻ nhánh- trổ, trên đồng rầy chủ yếu tuổi 1, 2. Do đó, người dân cần chú ý thăm đồng thường xuyên và theo dõi mật số rầy để kịp thời đưa nước vào ruộng che chắn phần gốc lúa, tránh rầy chích hút gây cháy rầy truyền bệnh VLLXL.

Bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá đe dọa lúa Thu Đông. Trong ảnh: Lúa với biểu hiện nhiễm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá.
Bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá đe dọa lúa Thu Đông. Trong ảnh: Lúa với biểu hiện nhiễm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá.

Để quản lý và canh tác lúa ứng phó với rầy nâu, VLLXL, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) khuyến cáo người dân cần theo dõi bẫy đèn để xuống giống, tập trung né rầy hiệu quả và che chắn khi lúa đang giai đoạn mạ- đẻ nhánh để hạn chế rầy chích hút đẻ trứng vào thân, bẹ lá lúa.

Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng nhằm theo dõi tình hình nhiễm bệnh VLLXL lúa và báo cáo kịp thời về cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý thích hợp do diện tích nhiễm bệnh ở khu vực phía Nam đang ngày càng gia tăng.

Nông dân nên thăm đồng thường xuyên, chỉ phun thuốc hóa học khi mật số rầy nở rộ ở tuổi 2- 3 với mật số cao (trên 3 con/tép lúa) bằng các loại thuốc đặc trị theo nguyên tắc “4 đúng”. Đối với giai đoạn mạ- đẻ nhánh nên đưa nước vào che chắn rầy kết hợp với phun thuốc chống lột xác.

Đối với lúa trổ- chín về sau, không nên phun thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid do những loại thuốc chứa hoạt chất này lưu tồn rất lâu trong hạt lúa, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Một số giải pháp cơ bản phòng chống rầy nâu và bệnh VLLXL

- Xác định thời vụ xuống giống lúa thích hợp cho từng vùng trên cơ sở kết quả bẫy đèn xác định rầy nâu trên đồng và điều kiện thực tế tại địa phương.

- Bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng ưu tiên giống chống chịu khá với rầy nâu và bệnh VLLXL.

- Xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, đảm bảo cách ly giữa 2 vụ lúa 20- 30 ngày. Giảm lượng giống lúa gieo sạ còn 80-100 kg/ha/vụ.

- Bảo vệ lúa trong giai đoạn 40 ngày sau sạ bằng các biện pháp điều tiết nước, công nghệ sinh thái đồng ruộng (ruộng lúa bờ hoa).

- Hạn chế bón đạm, điều tiết nước hợp lý.

- Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, khoanh vùng rầy và bệnh; mật độ rầy trên 2.000 con/m2 cần phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, đồng loạt và tập trung cả vùng.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân hiểu biết rõ hơn dịch bệnh, biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh VLLXL.

 

 

  • Bài, ảnh: THÀNH LONG