Hiệu quả từ nuôi trăn đất trên đệm lót sinh học

Cập nhật, 16:04, Thứ Năm, 08/09/2016 (GMT+7)

Hiện không ít người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng mùn cưa và chế phẩm sinh học balasa làm đệm lót nuôi trăn đất, phát triển kinh tế hộ gia đình, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.

Mô hình nuôi trăn trên đệm lót sinh học của anh Nữa cho hiệu quả cao.
Mô hình nuôi trăn trên đệm lót sinh học của anh Nữa cho hiệu quả cao.

Theo ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, trăn đất vốn là loài động vật hoang dã, dễ nuôi.

Vì thế, hơn 10 năm trước đây, nhiều người dân địa phương đã nuôi tự phát, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, vào khoảng năm 2014, thị trường đầu ra trăn thịt khá ổn định thì người dân tận dụng diện tích xung quanh nhà, phát triển quy mô nuôi trăn đất trên đệm lót sinh học.

Mô hình nuôi này, giúp người dân thu về lợi nhuận trên 50% so với cách nuôi thông thường.

“Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi trăn đất mang nguồn thu về cho gia đình tôi ít nhất là 150 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay trồng màu”, anh Lý Út Nữa, ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ.

Nhờ vậy, qua hơn 7 năm nuôi và phát triển, hiện quy mô đàn trăn của gia đình anh Nữa khoảng 150 con trăn lớn nhỏ khác nhau. Đồng thời, sắp tới đây, anh dự định xuất ra thị trường hơn 300kg trăn thịt.

Theo đó, mỗi con trọng lượng đạt từ 30-45kg và bán với giá dao động từ 280.000-320.000 đồng/kg, tùy màu da, chắc chắn thu về trên 80 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí sản xuất.

Có được nguồn thu nhập như trên, anh Nữa cho rằng, hình thức nuôi trăn đất trên đệm lót có thể tận dụng diện tích trống ở khu vực trong nhà tối đa. Song, trung bình 1 cái lồng 1m, nuôi được 3 con trăn đất (trọng lượng từ 10kg).

Còn vốn đầu tư khoảng 300.000 đồng/cái lồng, trong đó, bao gồm cả mùn cưa và chế phẩm sinh học balasa. Đặc biệt, người dân không cần phải ra công chăm sóc nhiều, da trăn đẹp và mịn, nhất là không gây mùi hôi thối làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

Do tính tiện lợi, thời gian gần đây, phong trào nuôi trăn đất ở huyện Phụng Hiệp phát triển rất nhanh. Được biết, hiện không ít hộ dân địa phương nuôi trăn, với số lượng hơn 3.000 con trăn thịt. Anh Nguyễn Thành Trung, ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết:

Với cách thiết kế khoa học, nuôi trăn đất trên đệm lót sinh học rất thuận tiện cho những người ít thời gian rảnh mà muốn tăng thu nhập cho gia đình. Thực tế, mỗi lồng nuôi có đầu tư đệm lót sử dụng ít nhất cũng hơn 4 năm. Bên cạnh đó, thức ăn của trăn chủ yếu là chuột, gà, vịt… và ít thải phân, nước tiểu nên lồng nuôi luôn khô thoáng, sạch sẽ, lớn nhanh.

Qua 1 năm nuôi, bình quân mỗi con trăn đạt trọng lượng từ 6-10kg. Với số lượng 14 con đang trong độ tuổi trưởng thành của gia đình, anh Trung dự định chọn một vài con trăn cái để sinh sản lứa đầu, nhân rộng quy mô ra thêm.

“Tuy nhiên, nuôi trăn cũng hết sức khéo léo, theo dõi kỹ. Bởi, chúng là loài hoang dã, nhưng do thuần phục, diện tích nuôi khá hẹp, ít hoạt động. Vì vậy, khi thời tiết thay đổi, trăn dễ mắc phải bệnh như: đẹn miệng, viêm đường hô hấp, sưng phổi… dẫn đến hao hụt, lợi nhuận thu về không cao”, anh Trung cho biết thêm.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự đánh giá thêm: Nuôi trăn đất trên đệm lót là cách làm khoa học, hiệu quả cao, đặc biệt, tránh gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tùy vào mỗi người mà có biện pháp nuôi khác nhau.

Thế nhưng, nhằm đảm bảo khâu quản lý và nguồn gốc rõ ràng nên đăng ký với Hạt Kiểm lâm địa phương. Bên cạnh đó, muốn nâng cao giá trị sản phẩm, hộ nuôi có thể tự thiết kế chỗ nuôi thoáng mát, có ánh sáng trực tiếp, giúp da trăn ngả màu vàng, bán giá cao.

“Tuy nhiên, người nuôi cần lựa chọn mua con giống có nguồn gốc cụ thể; tăng cường áp dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất; tham gia các lớp hội thảo, đào tạo nghề nuôi trăn.

Xu hướng tới, quy mô phát triển nhanh và hiệu quả, hộ nuôi có thể tự liên kết thành lập các câu lạc bộ, hỗ trợ cùng nhau sản xuất.

Về địa phương ủng hộ bằng cách luôn tạo điều kiện vay vốn, hay lập kế hoạch cụ thể, mời và thu hút thương lái, công ty đến bao tiêu sản phẩm, hạn chế rủi ro, ổn định cuộc sống gia đình”, ông Tự nhấn mạnh.

Theo Hậu Giang Online