Ngành Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long: 40 năm- một sự đổi thay

Cập nhật, 05:37, Thứ Ba, 24/11/2015 (GMT+7)

Thành tựu nông nghiệp Vĩnh Long 40 năm xây dựng, hoàn thiện và phát triển (1975- 2015) vẫn giữ vững tốc độ khá theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Nông nghiệp Vĩnh Long đạt được những thành tựu quan trọng sau 40 năm xây dựng và phát triển.
Nông nghiệp Vĩnh Long đạt được những thành tựu quan trọng sau 40 năm xây dựng và phát triển.

Nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và phát triển

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm, phát triển sản xuất nông nghiệp sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước ghi dấu với việc xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất.

Nổi bật là đào lớn kinh 19 Tháng 5 nối sông Măng Thít với kinh Tiểu Cần- Trà Cú, đào kinh Thống Nhất (Vĩnh Long), nạo vét thêm các kinh cũ đã bị bồi lấp như Tầm Vu, Từ Tải, Trà Ngoa, Tổng Hưng,… Các cống ngăn mặn, tiêu úng được xây dựng như La Ban, Bến Giá (Trà Vinh), mở rộng kinh Tiểu Cần- Trà Cú, đặc biệt là đắp đập ngăn mặn như Bến Giá, Giồng Trôm, La Ghì, 19 Tháng 5,…

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do cơ chế với việc hàng loạt hợp tác xã, tập đoàn sản xuất tan rã vì đã sớm bộc lộ những yếu kém. Đầu 1981, với Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác khoán và mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động đã khuyến khích nông dân hăng hái đầu tư sản xuất, phát huy mạnh mẽ tính tích cực, tự giác của xã viên, tập đoàn viên.

Cùng với Nghị quyết 10 của BCH Trung ương Đảng cho phép sản xuất theo cơ chế khoán hộ, phần lớn các tập đoàn sản xuất đều chuyển sang tổ hợp tác sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng vượt bậc từ 1,63%/năm (1976- 1980) lên 14,35%/năm (1981- 1985). Trong giai đoạn 4 năm này, năng suất lúa bình quân tăng 45%, tổng sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn (tăng 48%). Đây là bước ngoặt mang tính quyết định tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước tiến tới thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hệ thống thủy lợi được đầu tư mạnh mẽ hơn các công trình đê ngăn mặn và cống đã được xây dựng như cống Nhà Thờ, Vàm Buôn, Trèm Trẹm, Thâu Râu, Chà Và, Bắc Trang, Bà Trâm, Diệp Thạch, La Ban,… Các kinh rạch trong khu ngọt hóa từ sông Măng Thít đến kinh Quan Chánh Bố đã cơ bản hoàn thành.

Sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện và duy trì mức độ tăng trưởng khá ổn định. Sản lượng lương thực năm 1998 đã vượt ngưỡng 1 triệu tấn. Ngành nông nghiệp giữ vững vai trò then chốt, là nhân tố chính để duy trì, ổn định và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nhằm tạo nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ 2000- 2010, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp đã chuyển dịch mạnh mẽ, tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng hóa nông sản được nâng cao cả về năng suất và chất lượng. Để đạt được điều đó, ngành nông nghiệp tập trung đầu tư thủy lợi.

Sau khi tách tỉnh, thủy lợi tỉnh được đầu tư trên 620 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước và nhân dân đóng góp, huy động hàng triệu công lao động thủ công làm thủy lợi, xây dựng, cải tạo nâng cấp trên 11.100 công trình thủy lợi lớn nhỏ, đảm bảo tưới tiêu cho hầu hết diện tích canh tác trong tỉnh.

Cùng đó, chương trình giống nông nghiệp, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực mạnh mẽ để nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Đổi thay diệu kỳ

Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp luôn là đôi vai vững chãi làm “điểm tựa” cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp luôn là đôi vai vững chãi làm “điểm tựa” cho nền kinh tế.

Ông Trần Hữu Tín- nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tâm đắc: Nền nông nghiệp có bước chuyển đổi diệu kỳ, một sự đổi đời thật sự của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thành tựu đó, theo ông là không thể tưởng tượng được.

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho năng suất cao, chất lượng tốt với số lượng đủ lớn cung cấp cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Ngoài vùng chuyên canh lúa, trong tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng đặc sản có diện tích lớn, đạt năng suất và chất lương cao như bưởi Năm Roi, xà lách xoong (TX Bình Minh), cam sành (Tam Bình, Trà Ôn), khoai lang (Bình Tân), nhãn (Long Hồ).

Đặc biệt, tỉnh đã hình thành “cánh đồng lớn” sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, với tổng diện tích đến năm 2015 ước đạt 15.453ha, sản xuất từ 1- 2 giống lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP.

Các mô hình chuyên canh, luân canh cây hàng năm trên đất lúa tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh; ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất được nâng cao, trong đó cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đã có bước đột phá. Hầu hết các chỉ tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng đều xếp ở mức khá so với cả nước và ĐBSCL.

Đã phát triển nhiều gia trại, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. Nuôi thủy sản bước đầu đi vào sản xuất quy mô lớn. Việc đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, liên kết các doanh nghiệp đầu tư, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện để chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giúp tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản năm 2015 khởi sắc hơn, ước đạt chỉ tiêu trên 2%. Bước đầu thực hiện đa dạng hóa sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, tập trung với nhiều sản phẩm chủ lực, chất lượng tốt và có thương hiệu. Đối với cây lúa, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống lúa xác nhận tương đương gần 80% diện tích.

Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, sản xuất phát triển chủ yếu là số lượng, việc nâng chất lượng nông sản chậm. Tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm dần, sức cạnh tranh một số sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực đang ở mức thấp, thị trường tiêu thụ chưa nhiều và không ổn định.

Khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn nhiều hạn chế đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất của nông dân. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ, nông nghiệp công nghệ cao còn ít.

Từ những hạn chế này, ngành nông nghiệp tỉnh xác định cần tăng cường liên kết sản xuất- tiêu thụ, đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, đầu tư đồng bộ hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, khuyến nông đào tạo nghề, cũng như vận dụng linh hoạt chính sách trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà sang một bước phát triển mới, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: LÊ SƠN