Tiếp sức phụ nữ khởi sự kinh doanh

Cập nhật, 15:06, Thứ Năm, 28/03/2024 (GMT+7)
Nhiều phụ nữ lựa chọn mô hình khởi sự kinh doanh thực phẩm đạt được hiệu quả tốt.
Nhiều phụ nữ lựa chọn mô hình khởi sự kinh doanh thực phẩm đạt được hiệu quả tốt.
Ngày càng nhiều phụ nữ (PN) có ý tưởng khởi nghiệp (KN), khởi sự kinh doanh. Nhiều PN tỉnh Vĩnh Long đã mạnh dạn tìm hướng đi mới để KN, vươn lên tự chủ kinh tế, nâng cao cuộc sống, khẳng định vị trí, vai trò trong xã hội.
 
Tự chủ kinh tế, khẳng định bản thân
 
Nhiều PN đã và đang từng bước tiếp cận và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào chế biến các nông sản đặc trưng của tỉnh.
 
Song song đó, nhiều PN cũng dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không ngừng tìm tòi học hỏi, đang từng bước hình thành mô hình liên kết sản xuất, làm ăn tập thể, một số mô hình mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho PN ở nông thôn.
 
Tham gia mô hình nuôi chim trĩ để phát triển kinh tế, chị Hồ Thị Dung (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) cho hay: “Chim trĩ có giá trị kinh tế cao, ít tốn công chăm sóc, dễ nuôi, nhẹ chi phí, lại ít hao hụt. Sau khi lấy chim giống từ trại thì chỉ cần tiêm ngừa đầy đủ, cho chim ăn thức ăn sạch, chủ yếu là thức ăn cho gà và gạo lứt, vệ sinh chuồng sạch sẽ là chim phát triển tốt. Nhờ nuôi chim trĩ mà kinh tế gia đình khá hơn, thu nhập ổn định”.
 
Bằng sự nỗ lực, tâm huyết với nghề nên chị Lê Thị Bảo Trang- hộ kinh doanh rau câu Vinh Quang (Phường 8, TP Vĩnh Long) đã tạo nên thương hiệu cho sản phẩm rau câu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
 
Chị Trang cho hay: “Trước đây, gia đình chỉ làm rau câu theo kiểu truyền thống nhỏ lẻ nên số lượng không nhiều và cũng không có thương hiệu. Với mong muốn phát triển thương hiệu, giới thiệu món ngon với du khách gần xa nên vợ chồng tôi đã cố gắng tìm tòi và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào công việc, tận dụng các kênh, mạng xã hội để tìm thêm đầu ra. Song song đó, phải không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để thu hút người tiêu dùng”.
 
Xuất phát từ món ăn truyền thống của gia đình làm, chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh- Chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Như Ý (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho hay: “Tôi lớn lên trong gia đình có nghề làm lạp xưởng tươi hơn 40 năm, tôi được trải nghiệm qua từng công đoạn, quy trình làm lạp xưởng tươi thủ công của gia đình.
 
Thấy được tiềm năng của sản phẩm, nên tôi đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm”. Đến nay, sản phẩm lạp xưởng tươi Như Ý không chỉ có lượng khách hàng ổn định tại Vĩnh Long mà còn vươn xa tại các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu... 
 
Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp bền vững
 
PN KN vẫn còn gặp nhiều rào cản, không ít khó khăn trong giao tiếp xã hội, chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, ngại đổi mới… Bên cạnh, PN cũng chưa tiếp cận kịp thời với các văn bản pháp luật, chính sách do Nhà nước ban hành để áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh. 
 
Thời đại công nghệ số, PN là một trong những nhóm bị hạn chế trong tiếp cận công nghệ số, trong khi đó số lượng PN KN ngày càng gia tăng đặt ra một thách thức không nhỏ. Để tham gia vào thị trường lao động trong nền kinh tế số, đầu tiên PN KN cần thay đổi nhận thức về nền kinh tế số và ảnh hưởng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, theo đó rèn luyện tư duy đồng thời tìm hiểu học hỏi và nâng cao kiến thức.
 
Bắt tay vào khởi sự kinh doanh đã khó, duy trì và phát triển được còn khó hơn gấp bội. Do vậy, để thành công và phát triển, hơn ai hết, PN cần chủ động trong việc học hỏi kiến thức, nâng cao năng lực và kỹ năng, bên cạnh đó cần hài hòa giữa công việc và gia đình để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt, PN rất cần sự đồng hành lâu dài của các cấp hội LHPN, cần sự hỗ trợ tạo điều kiện của các ngành, các cấp để PN vững vàng phát triển kinh tế bền vững.
 
Công tác hỗ trợ PN phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh được Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long xác định là đòn bẩy cho các hoạt động khác.
 
Bên cạnh phát huy tinh thần nội lực thông qua các tổ- nhóm PN tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, nuôi heo đất, các cấp hội khai thác tốt các nguồn lực, hỗ trợ vay từ ngân hàng và các nguồn quỹ giúp PN có vốn đầu tư KN. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức “Hội thi Ý tưởng PN KN”, lựa chọn những ý tưởng xuất sắc tham gia hội thi do Trung ương hội tổ chức.
 
Phụ nữ nông thôn dám nghĩ dám làm, đầu tư mô hình chăn nuôi mới lạ cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Phụ nữ nông thôn dám nghĩ dám làm, đầu tư mô hình chăn nuôi mới lạ cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Những năm qua, các cấp hội kết nối các nguồn lực, doanh nghiệp hỗ trợ cho 2.263 PN KN, khởi sự kinh doanh với trên 40 tỷ đồng. Thành lập hàng trăm mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ hợp tác, tổ liên kết, HTX có PN tham gia quản lý.
 
Bà Nguyễn Thị Kim Anh- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết, các cấp hội LHPN trong tỉnh luôn chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, PN về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án “Hỗ trợ PN KN giai đoạn 2017-2025”, về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của PN đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
 
Với sự tự tin, sáng tạo và đổi mới, PN đã mang đến bức tranh KN đầy màu sắc. Để PN KN thành công, góp phần phát triển kinh tế bền vững thì PN cần có sự thích ứng, nghiên cứu không ngừng để không bị tụt lại phía sau, linh hoạt trong thay đổi chiến lược, tiếp thu kiến thức mới và học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước.
Để thực hiện thành công mục tiêu của đề án hỗ trợ PN KN và lan tỏa mạnh mẽ phong trào KN trong các tầng lớp PN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho PN KN; nhất là cơ chế hỗ trợ về vốn, tư vấn pháp lý, tập huấn nâng cao năng lực toàn diện cho PN, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho PN KN... Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, hợp tác quốc tế cho các hoạt động KN, đổi mới sáng tạo của PN.
Bài, ảnh: YẾN LY