Vũng Liêm

Nhiều tín hiệu tích cực từ thực hiện mã số vùng trồng

Cập nhật, 07:05, Thứ Năm, 28/03/2024 (GMT+7)

 

Nông dân dần thay đổi nhận thức sản xuất khi áp dụng thực hiện mã số vùng trồng.
Nông dân dần thay đổi nhận thức sản xuất khi áp dụng thực hiện mã số vùng trồng.

Hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững, thời gian qua, huyện Vũng Liêm đã đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng (MSVT). Việc thực hiện MSVT không chỉ giúp nông dân (ND) nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.

Đẩy mạnh thực hiện

Theo ngành nông nghiệp, MSVT có vai trò rất quan trọng, là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất và sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản và là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Việc xây dựng MSVT giúp thay đổi nhận thức của ND trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như giá trị nông sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền rộng rãi về vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện MSVT trong sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền các quy định về cấp và quản lý MSVT. Từ đó, giúp bà con ND hiểu và chủ động tham gia xây dựng MSVT, nâng cao tính liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, đến thời điểm này địa phương đã được cấp 43 MSVT, trong đó có 16 MSVT xuất khẩu với diện tích 381,8ha và 27 MSVT nội địa với diện tích 410,2ha, tập trung trên các loại cây trồng như: sầu riêng, bưởi da xanh, cam sành, xoài, dừa và lúa.

Đặc biệt, trên cây sầu riêng sau khi MSVT được cấp giá cả tăng lên rất cao, bình quân khoảng 120.000 đ/kg, có thời điểm trên 200.000 đ/kg, qua đó góp phần tăng thêm thu nhập và giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất.

Có khoảng 4,5 công sầu riêng được cấp MSVT vào năm 2023, chú Nguyễn Văn Kia (ấp Lăng, xã Thanh Bình) phấn khởi cho biết: Từ khi được cấp MSVT, sầu riêng ngày càng có giá hơn. Bên cạnh đó, ND cũng thay đổi dần nhận thức trong sản xuất.

Trong quá trình canh tác, bà con thực hiện ghi chép các công đoạn: bón phân, phun thuốc, thu hái... Ngoài ra, chỉ sử dụng thuốc BVTV, phân bón hữu cơ trong danh mục cho phép, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ và đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó mà sầu riêng đảm bảo an toàn.

“Hiện nay, bên cạnh chất lượng, người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Thực hiện MSVT là cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sầu riêng, qua đó, xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín trên thị trường”- chú Kia cho biết thêm.

Tương tự, cũng có 5 công vườn trồng bưởi được cấp MSVT năm 2023, chú Nguyễn Văn Sử (ấp Thanh Phong, xã Thanh Bình) cho biết: “Khi đăng ký sản xuất theo cấp MSVT, tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, khi bán ra thị trường, người tiêu dùng biết bưởi có truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ thuận lợi hơn”.

Tăng cường tuyên truyền

Để đẩy nhanh tiến độ cấp MSVT tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây ăn trái của huyện mở rộng thị trường, ngành nông nghiệp huyện Vũng Liêm đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch cấp MSVT trên một số loại cây trồng chủ lực và triển khai cho các xã, thị trấn thực hiện.

Song song đó, tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc tham gia cấp MSVT để bà con tự nguyện đăng ký tham gia. Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người sản xuất để thực hiện đúng quy trình sản xuất và các quy định khác của nước nhập khẩu.

Phối hợp các địa phương vận động người sản xuất tham gia các tổ hợp tác hoặc HTX nông nghiệp để thuận lợi cho việc cấp MSVT, cũng như trao đổi mua bán sản phẩm sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác mời gọi doanh nghiệp tham gia cùng với người sản xuất thực hiện cấp MSVT và thu mua sản phẩm sau khi vùng trồng được cấp mã số. Qua đó, tạo điều kiện cho ND an tâm sản xuất và mạnh dạn đăng ký tham gia.

Khẳng định tầm quan trọng của việc cấp MSVT, ông Lê Văn Thăm- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm cho biết, phòng luôn phối hợp chặt chẽ với những đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho người dân trong thực hiện cấp MSVT như kinh phí, lập hồ sơ, thành lập tổ hợp tác, HTX, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mời gọi doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng người dân.

“Tuy nhiên, để thực hiện đạt hiệu quả việc cấp MSVT cần phải có sự phối hợp tham gia tích cực của người dân như tự nguyện đăng ký xin tham gia cấp MSVT, tham gia vào các tổ hợp tác, HTX để thuận lợi cho việc quản lý MSVT, thực hiện đúng quy định nước nhập khẩu trong quá trình canh tác để tránh tình trạng tồn dư dư lượng hóa chất sau khi thu hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất bền vững”- ông Thăm cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, việc thiết lập và cấp MSVT, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước.

Do đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với nông sản xuất khẩu.

MSVT chính là “giấy thông hành” để xuất khẩu nông sản chính ngạch vào hầu hết các thị trường, là xu hướng chung mà ND phải đáp ứng để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Từ hiệu quả ban đầu cũng như nỗ lực mở rộng các chuỗi liên kết, xuất khẩu, kỳ vọng diện tích nông sản nói chung và cây ăn trái nói riêng ở huyện Vũng Liêm được cấp MSVT ngày một tăng lên, góp phần nâng cao giá trị nông sản cũng như tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp-PTNT, đến nay toàn tỉnh có 131 MSVT đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU;... với các loại cây trồng chủ lực như sầu riêng, mít, chôm chôm, nhãn, khoai lang, bưởi,... Ngoài ra, còn có 12 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu.

Bài, ảnh: PHI LONG