Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 13:52, Thứ Năm, 27/01/2022 (GMT+7)

Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025, giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” nhằm triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của đề án phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh Vĩnh Long. Qua đó, tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Vĩnh Long

Trường ĐH Cửu Long khen thưởng, khích lệ giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, sáng tạo.
Trường ĐH Cửu Long khen thưởng, khích lệ giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, sáng tạo.

Phù hợp hơn

Theo ThS. Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, 3 năm triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” đã đạt được một số kết quả. Cụ thể: Các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên, khu làm việc chung cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham dự các cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo do địa phương và trung ương tổ chức; đào tạo đội ngũ cán bộ phụ trách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Ông Nguyễn Văn Giới cho biết: “Thực tiễn việc triển khai kế hoạch đã gặp một số khó khăn, như nội dung nhiệm vụ chưa đi sát thực tế, còn chung chung, chưa cụ thể, chưa phù hợp với hướng dẫn hiện hành. Từ những lý do trên, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1457 ngày 16/4/2021 Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025, giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.

Đề án góp phần tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Để thực hiện những nhiệm vụ đó, ông Giới cho rằng: “Cần có những giải pháp để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, như hình thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ công việc liên quan đến phân tích thử nghiệm tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kết nối chuyển giao công nghệ thiết bị nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động hoàn thiện sản phẩm phát triển thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp. Hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của một số cơ sở. Ươm tạo tổ chức thúc đẩy cung cấp thiết bị dùng chung cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Cụ thể, nhóm nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị. Tuyển chọn, phát triển, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm. Tạo khu vực làm việc chung, tư vấn phát triển ý tưởng hình thành sản phẩm, hoàn thiện mô hình kinh doanh hỗ trợ ươm tạo các giải pháp ý tưởng dự án khởi nghiệp.

Hỗ trợ và nhìn nhận khởi nghiệp

Vấn đề đặt ra cho các đơn vị hỗ trợ phát triển khởi nghiệp hiện nay là nhìn nhận những việc đã làm được, ưu điểm, hạn chế trong thời gian qua.

Triển khai kế hoạch thực hiện đề án này, Trường ĐH Cửu Long đã phối hợp với các đơn vị, trung tâm của trường trong thời gian qua, tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ năng mềm cho hội viên, sinh viên. ThS. Trần Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Quan hệ doanh nghiệp- Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “Đáng chú ý năm 2021, mặc dù tình hình dịch COVID-19 phức tạp, căng thẳng và kéo dài, nhưng trường có 2 dự án khởi nghiệp đăng ký cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp với tỉnh Vĩnh Long là “Quản lý Nấm nhà mình” và “Lập dự án kinh doanh shop thời trang”.

“Nhìn chung trong thời gian qua, kết quả về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường ĐH Cửu Long có 2 dự án nổi bật là dự án về khởi nghiệp dịch vụ ăn uống phục vụ cho sinh viên, bước đầu đạt kết quả tốt và dự án thứ hai là khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên Khoa Nông nghiệp”- ông Trần Thanh Tùng cho biết.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Anh- cố vấn Hội Doanh nhân Việt Nam cho rằng: “Một trong những điểm yếu của người khởi nghiệp hiện nay là kỹ năng xây dựng thương hiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm và chưa có giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID 19”.

Sinh viên đến tham quan mô hình khởi nghiệp.
Sinh viên đến tham quan mô hình khởi nghiệp.

Chúng ta đầu tư vào xây dựng thương hiệu bởi vì thương hiệu góp phần quan trọng vào quyết định của người dùng. Ông Vũ Văn Anh cho rằng: “Không phải sản phẩm không quan trọng mà đó là cốt lõi và trái tim của doanh nghiệp bạn, tuy nhiên trong thời đại này người tiêu dùng khó có thể phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác, yếu tố nổi bật trong số các sản phẩm khác nhau này là thương hiệu”.

Vậy, làm sao để xây dựng thương hiệu? Cần lưu ý đến cách giao tiếp với người tiêu dùng của bạn, sử dụng kênh nào để liên lạc, phương thức marketing của nhân viên cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Ông Vũ Văn Anh cho biết: “Ý nghĩa của mô hình chuỗi giá trị giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, cắt giảm bớt các loại hao phí và gia tăng lợi nhuận, giúp doanh nghiệp dễ dàng xác định giá trị tốt nằm ở đâu với khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp mở rộng và giá trị tiết kiệm chi phí và nâng cao sản xuất giúp khách hàng nhận được sản phẩm tốt với chi phí hợp lý”.

Theo ông Vũ Văn Anh, để nâng cao năng lực các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cần: Tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao năng lực doanh nghiệp địa phương về xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ; thành lập các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực chiến; có quy chế mời gọi hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ. Thành lập sàn kết nối giao thương doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư các doanh nghiệp có sản phẩm dịch vụ tốt.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN