Thương mại- dịch vụ: Đổi mới và hội nhập

Cập nhật, 05:42, Thứ Hai, 03/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Nhờ sự quan tâm, nỗ lực thực hiện các giải pháp đổi mới xúc tiến thương mại, đầu tư xây dựng hạ tầng, nên thương mại- dịch vụ (TM-DV) của tỉnh hơn 40 năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã và đang tiếp tục phát triển trong tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhiều trung tâm thương mại hiện đại được xây dựng, đã đưa vào khai thác hiệu quả.
Nhiều trung tâm thương mại hiện đại được xây dựng, đã đưa vào khai thác hiệu quả.

Những bước chuyển mình

Nếu giai đoạn 1975- 1980, ngành TM- DV tỉnh còn tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, thì đến giai đoạn 1980- 1985 đã hình thành và phát triển ngành TM- DV tỉnh. Và đến giai đoạn 1991- 1995, TM-DV tỉnh tham gia vào đẩy mạnh công cuộc đổi mới.

Khi đó, với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, việc lưu thông hàng hóa trên thị trường xã hội của tỉnh từng bước được ổn định.

Mạng lưới kinh doanh của thương nghiệp quốc doanh và các thành phần kinh tế khác được vận hành theo các định hướng đã quy hoạch, đã phát triển mạnh mẽ, đều khắp từ thành thị đến khu vực ở nông thôn, nhu cầu tiêu dùng ngày càng được đáp ứng đầy đủ hơn, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng lương thực- thực phẩm… không còn đột biến giả tạo.

Đến giai đoạn 2001- 2010, TM- DV đã dần phát triển trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế và từ năm 2011 đến nay, ngành TM- DV đã thực hiện tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế.

Theo đó, lĩnh vực TM đạt tốc độ phát triển nhanh, bảo đảm tốt vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, đáp ứng nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hệ thống chợ trong tỉnh được quan tâm hỗ trợ đầu tư nâng cấp, bước đầu đã xây dựng được mô hình chuyển đổi ban quản lý chợ sang doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác kinh doanh chợ.

Song song đó, hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế tỉnh, trong thời gian qua xuất khẩu đã có những phát triển nhanh chóng góp phần tiêu thụ hàng nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, công tác xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, hàng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... của tỉnh tìm được thị trường tiêu thụ, xây dựng được kênh phân phối; chủ động đẩy mạnh hoạt động xúc tiến TM ra nước ngoài để khai thác thị trường tiêu thụ.

Ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương- cho biết, trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, hoạt động TM của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu, làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, cung ứng nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, tổ chức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa kích thích cho sản xuất phát triển;

ngành TM- DV tăng trưởng bình quân 13,5%/năm, chiếm tỷ trọng 35- 38% trong tổng sản phẩm của tỉnh (GDP) và không ngừng nâng cao giá trị tuyệt đối của ngành, đảm bảo giữ vững tỷ trọng tăng trưởng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà bền vững.

Linh hoạt đổi mới, hội nhập

Theo Sở Công thương, từ các nguồn lực đầu tư mới, chủ động đẩy mạnh các hoạt động TM nên khu vực TM- DV trong những năm qua tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động TM- DV của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu DV tiêu dùng đạt trên 56.200 tỷ đồng, tăng 5,08% so với năm 2019; trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 9,8%.

Đến quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu DV ước đạt trên 16.200 tỷ đồng, đạt 27,65% so kế hoạch năm 2021; tăng 6,94% so cùng kỳ năm 2020. Những con số trên thể hiện được những kết quả từ những bước đi linh hoạt, trong việc cấu trúc lại của ngành TM.

Đặc biệt, các thành phần kinh tế tiếp tục khẳng định vị thế trong việc chiếm lĩnh và kiểm soát thị trường nội địa. Nhiều mô hình trung tâm TM hiện đại được xây dựng, đã đưa vào khai thác hiệu quả.

Hệ thống hạ tầng TM ngày càng được đầu tư, phát triển rộng khắp, từ trung tâm đô thị đến các vùng nông thôn. Chất lượng hoạt động và hàng hóa kinh doanh cũng được nâng lên thông qua dự án xây dựng thí điểm các mô hình chợ an toàn thực phẩm, cửa hàng kinh doanh hàng Việt Nam, các chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Các hoạt động xúc tiến thương mại linh hoạt thay đổi, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.
Các hoạt động xúc tiến thương mại linh hoạt thay đổi, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.

Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long- cho hay, trong những năm qua, tỉnh đã và luôn tạo điều kiện thuận lợi để siêu thị phát triển TM-DV.

Tiềm năng phát triển thị trường cũng rất lớn. Theo đó, lượng khách đến siêu thị tăng 5% qua mỗi năm, trong khi đó doanh thu cũng tăng trưởng từ 5- 7%/ năm.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hàng hóa chúng tôi cũng chuẩn bị và đa dạng về chủng loại để phục vụ xuyên suốt, đồng thời có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, rút thăm trúng thưởng để kích cầu tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh- Nguyễn Trung Kiên cho biết thời gian tới, để phát triển ngành TM- DV theo hướng hội nhập, sở sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường, tăng cường các hoạt động liên kết, kết nối cung cầu với các thị trường trọng điểm, trên cơ sở đó có định hướng điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu sản xuất, cơ cấu TM của tỉnh theo hướng tập trung, chuyên môn hóa cao và một số ngành sản phẩm có lợi thế.

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp thu trang thiết bị mới đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh góp phần tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển TM tỉnh; mở rộng giao lưu hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm đáp ứng các nhu cầu của thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa của tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến TM góp phần tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, gắn sản xuất với thị trường.

Có thể thấy, với sự quan tâm sâu sát của các ngành, các cấp, hoạt động TM-DV vẫn đang tiếp tục là khu vực tăng trưởng đúng hướng, khẳng định vai trò chủ lực trong việc phát triển kinh tế của địa phương.

Năm 2020 toàn tỉnh xây dựng phát triển mới và nâng cấp sửa chữa 16 chợ; xây dựng được 90 điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm tại các chợ, nâng tổng số điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm tại các chợ là 186 điểm kinh doanh. Toàn tỉnh có 115 chợ (gồm: 1 chợ hạng 1; 17 chợ hạng 2; 97 chợ hạng 3 và chợ tạm); phát triển 5 siêu thị; 47 cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm tổng hợp.

Bài, ảnh: TRÀ MY